Hà Nội

Không chỉ là quả ngon, từ lá tới rễ đu đủ có thể chữa nhiều bệnh tại nhà

11-10-2021 09:07 | Vị thuốc quanh ta

SKĐS - Đang vào mùa, quả đu đủ được bán với giá rất rẻ. Không chỉ là loại quả ngon, có giá trị dinh dưỡng mà hầu như tất cả các bộ phận của cây đu đủ có thể sử dụng để làm thuốc: từ hoa, lá, quả, nhựa, hạt, rễ...

Lâu nay, quả đu đủ rất quen thuộc với chúng ta và là loại quả được sử dụng chế biến trong món ăn hằng ngày của người Việt. Bên cạnh quả, các bộ phận khác của đu đủ có rất nhiều tác dụng làm thuốc. Dưới đây là những thông tin của BSCKI. Bùi Văn Phao – nguyên Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh Nam Định về công dụng của cây đu đủ.

Đu đủ có tên khoa học là: Carica papaya L. Đu đủ có nguồn gốc tại vùng nhiệt đới châu Mỹ, được trồng phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới.

Đu đủ, cách sử dụng các bộ phận từ lá.. tới rễ để làm thuốc - Ảnh 1.

Từ lá, hoa, quả xanh, quả chín, thân, rễ, hạt hay cả nhựa cây đu đủ, mỗi bộ phận có những đặc tính dược lý, thành phần hóa học khác nhau, được dùng trong nhiều mục đích khác nhau.

1. Lá đu đủ

Từ xa xưa dân gian ví lá đu đủ như một vị thuốc chữa bệnh, nếu như biết dùng đúng cách. Ngày nay, có nhiều đồn đoán về việc uống nước sắc lá đu đủ trị được ung thư. Điều này chưa có nghiên cứu khoa học sâu kiểm chứng, xác thực. Tuy nhiên, trong đông y cũng như thực tế điều trị, có ghi nhận hiệu quả, hỗ trợ ngăn ngừa và giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Theo Đông y, lá đu đủ có tính hàn, vị hơi đắng, có mùi hắc, giúp thanh nhiệt, giải độc, mát gan, bổ tì và nhuận tràng. Lá đu đủ thường được phân biệt giữa lá đu đủ đực và lá đu đủ cái.

Lá đu đủ đực có phiến lá nhỏ, màu xanh lá thẫm, lá đu đủ cái có phiến lá lớn, màu xanh thẫm nhưng nhạt màu hơn lá đu đủ đực, có thành phần dược tính thấp hơn nên ít được dùng hơn là đu đủ đực.

Theo các nghiên cứu tây y, lá đu đủ chứa ancaloit carpain, có tác dụng giống glucozit của dương địa hoàng - Digitalis, họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae), làm chậm nhịp tim, diệt amíp. 

Đu đủ, cách sử dụng các bộ phận từ lá.. tới rễ để làm thuốc - Ảnh 2.

Lá đu đủ

Bài thuốc từ lá đu đủ:

 Lá đu đủ làm thuốc cho người ung thư phổi, ung thư vú: Lá đu đủ 1 lá (lấy cả lá lẫn cuống), rửa sạch nêm nước nấu sôi, để nguội chiết nước đặc hoặc cô thành cao, chia thành 3 lần uống trong ngày. Uống thêm 3 muỗng cà phê mật mía trong ngày, mỗi lần 1 muỗng. Cần uống từ 15-20 ngày mới có hiệu quả.

Có thể kết hợp các phương pháp y khoa hiện đại như chiếu tia, hóa trị. 

2. Quả đu đủ chín

Đu đủ chín chứa khoảng 90% nước, 13% đường, không có tinh bột, có nhiều carotenoit acid hữu cơ, vitamin: A, B, C, 0,9% chất béo, xenluloz (0,5%), canxi, photpho, magiê, sắt, thiamin, riboflavin.

Một kết quả nghiên cứu khác cho thấy, trong 100g đu đủ có 74 - 80mg vitamin C (vitamin chủ yếu trong đu đủ), caroten (tiền vitamine A) 500 - 1.250UI. Ngoài ra, trong đu đủ chín còn có các vitamin B1, B2, các acid gây men, các khoáng chất như: kali (179mg), canxi, magiê, sắt và kẽm.

Ăn đu đủ có tác dụng bổ máu, giúp hồi phục gan ở người bị sốt rét. Trong đu đủ có nhiều vitamin C và caroten, có tác dụng chống ôxy hóa, tăng sức đề kháng cho cơ thể. 

 Đu đủ còn có tác dụng làm đẹp làn da, giúp thải độc để da khỏe mạnh, tránh da nhăn sớm ở phụ nữ, cung cấp dinh dưỡng giúp bổ sữa, tăng tiết sữa cho phụ nữ mới sinh.

Đu đủ, cách sử dụng các bộ phận từ lá.. tới rễ để làm thuốc - Ảnh 3.

Trong đu đủ chín còn có các vitamin B1, B2, các acid gây men, các khoáng chất như: kali (179mg), canxi, magiê, sắt và kẽm.

Bài thuốc chữa bệnh từ quả đu đủ chín:

- Bài thuốc cho người ít ngủ, hay hồi hộp: đu đủ chín 100g, chuối 100g, củ cà rốt 100g. Xay trong nước dừa non nạo. Thêm mật ong cho đủ ngọt, uống cách ngày.

- Đối với người bị giun kim: ăn đu đủ chín vào buổi sáng lúc đói liên tục 3 - 5 hôm.

- Đối với người bị chân tay sưng nóng: Đu đủ chọn quả thật chín, dùng nước rửa sạch, gọt lấy phần vỏ ngoài, giã nát. Dàn lớp vỏ đã giã nát lên miếng gạc sạch rồi buộc giữ cố định lên nơi sưng đau, hễ khô thì thay bằng phần vỏ khác. Sử dụng đến khi các triệu chứng thuyên giảm và khỏi hẳn.

- Cho người muốn dưỡng da, chống lão hóa: đu đủ chín 1 quả 0,5kg, sữa tươi 4 ly, hạt sen 20g (bỏ tâm) ngâm mềm cho nở, nếu loại tươi phải bóc vỏ, táo tàu đỏ 2 quả bỏ hột, đường phèn vừa đủ. Cho tất cả vào bát to chưng cách thủy độ 2 giờ cho đến khi hạt sen mềm là được. Ăn nóng.

- Dùng đu đủ làm mặt nạ: đu đủ chín bỏ vỏ, hạt, nghiền mịn làm mặt nạ lột da mặt, trị mụn trứng cá.

Đu đủ, cách sử dụng các bộ phận từ lá.. tới rễ để làm thuốc - Ảnh 4.

Dùng đu đủ chín làm mặt nạ dưỡng da

 3. Quả đu đủ xanh

Ngoài các chất có trong đu đủ chín, đu đủ xanh còn có chứa 4% chất nhựa latex màu trắng đục là hỗn hợp của nhiều proteaza (loại men tiêu hóa chất đạm), trong đó chất chủ yếu là papain.

Một cây đu đủ trong một năm cho khoảng 100g nhựa (lấy quả khi còn non trên cây). Ngoài ra còn có chymopapain và papaya protenaza.

Đu đủ xanh còn chứa nhựa mủ - là hỗn hợp các men phân giải protein, có tác dụng tiêu hóa, phân giải thịt và giải phóng acid amin.

Đu đủ, cách sử dụng các bộ phận từ lá.. tới rễ để làm thuốc - Ảnh 5.

Đu đủ xanh còn chứa nhựa mủ - là hỗn hợp các men phân giải protein, có tác dụng tiêu hóa, phân giải thịt và giải phóng acid amin.

Nhựa đu đủ có giá trị sinh học cao, được ứng dụng trong thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm; với thành phần chính là papain, sau khi thu hoạch nhựa, quả vẫn được sử dụng cho các mục đích thực phẩm.

Tại Ấn Độ, với mục đích muốn sử dụng nhựa đu đủ, người ta đã lai tạo thành công giống đu đủ mới có hàm lượng mủ nhựa cao gấp 5 lần so với các giống thông thường.

 Nhựa đu đủ còn được sử dụng để để điều chế thuốc chữa lệch khớp xương, thuốc tiêm giảm đau do các dây thần kinh gây nên hoặc sử dụng sắc làm thuốc chống các loại ký sinh trùng đường ruột như giun, sán, chữa hen phế quản trẻ em và kích thích chức năng hoạt động của gan, mật.

Tuy đu đủ xanh là món ăn giúp các mẹ sau sinh gọi sữa về nhưng người có thai lại không nên sử dụng đu đủ xanh nhiều vì có nguy cơ gây sảy thai.

Đu đủ, cách sử dụng các bộ phận từ lá.. tới rễ để làm thuốc - Ảnh 6.

Đu đủ xanh hầm giúp các bà mẹ sau sinh gọi sữa về nhanh

Các bài thuốc từ đu đủ xanh:

- Trị ăn không tiêu, táo bón: đu đủ 30g, khoai mài (hoài sơn) 15g, sơn tra 6g, nấu cháo.

- Trị đau lưng mỏi gối: đu đủ 30g, ngưu tất 15g, kỷ tử 10g, cam thảo 3g sắc uống.

- Đu đủ xanh nghiền nát với nước dùng bôi mặt hoặc tay để chữa các vết tàn hương ở mặt, tay, còn dùng chữa chai chân và bệnh eczema…

- Trị ho do phế hư: Đu đủ xanh 100g, đường phèn 20g. Hầm với nhau, ăn ngày 2 lần vào trưa và tối, trong thời gian 3-5 ngày.

- Tạo sữa cho bà mẹ đang nuôi con bú: Một quả đu đủ non hầm với một cái móng giò, ăn vào các bữa ăn hàng ngày.

4. Hoa đu đủ

Trong tự nhiên, cây đu đủ đực ít thấy hơn cây đu đủ cái. Vì vậy, hoa đu đủ đực cũng ít thấy hơn hoa đu đủ cái. Hoa đu đủ đực nở quanh năm, thường mọc theo từng cụm tập trung ở cuống dài. Hoa màu trắng, có 5 cánh, vị đắng, mùi khá thơm. Hoa đu đủ đực có thể sử dụng ở dạng tươi hoặc dạng phơi khô.

Hoa đu đủ có thể chế biến thành nhiều món ăn như: hoa đu đủ đực xào trứng, thịt bò lòng gà, hoa đu đủ om, hoa đu đủ nấu...

Lưu ý: đối với người đang mang thai, tuyệt đối không nên ăn hoa đu đủ đực vì trong hoa có chứa thành phần papain, có thể gây co thắt tử cung của thai phụ, ảnh hưởng đến thai nhi.

Người bình thường cũng không nên ăn quá nhiều hoa đu đủ đực.

Đu đủ, cách sử dụng các bộ phận từ lá.. tới rễ để làm thuốc - Ảnh 8.

Hoa đu đủ đực

Hoa đu đủ đực có nhiều tác dụng

Đối với hệ tiêu hóa: Hoạt chất papain được tìm thấy trong hoa đu đủ đực có tác dụng thúc đẩy hoạt động của hệ tiêu hóa, kích thích nhu động co bóp. Từ đó thức ăn được di chuyển nhanh chóng hơn, ngăn chặn tình trạng ăn không tiêu, táo báo, đầy hơi,…

Bên cạnh đó, các loại vitamin A,C, E và Folate trong hoa đu đủ còn có khả năng bảo vệ niêm mạc dạ dày, ngăn chặn được tình trạng viêm nhiễm ở dạ dày, đồng thời thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể.

Đu đủ, cách sử dụng các bộ phận từ lá.. tới rễ để làm thuốc - Ảnh 9.

Các loại vitamin A,C, E và Folate trong hoa đu đủ còn có khả năng bảo vệ niêm mạc dạ dày, ngăn chặn được tình trạng viêm nhiễm ở dạ dày

Đối với hệ miễn dịch: Nhờ hàm lượng vitamin C dồi dào, nếu ăn hoa đu đủ đực sẽ giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt, bồi bổ sức khỏe nhanh chóng.

Với hệ tim mạch và tuần hoàn: Trong hoa đu đủ đực có hàm lượng lớn các chất chống oxy hóa, folate và beta- carotene. Những thành phần này có khả năng bảo vệ thành mạch, giảm lượng cholesterol xấu trong cơ thể, ổn đường huyết áp, ngăn ngừa tình trạng đột quỵ, đau tim.

Ngoài ra, các chất chống oxy hóa, folate và beta- carotene còn giúp ngăn chặn sự cấu thành của các huyết khối tĩnh mạch và mảng xơ vữa từ đó đảm quá trình tuần hoàn máu diễn ra ổn định.

Đối với hệ hô hấp: Hoa đu đủ đực giàu beta- carotene và vitamin C. Đây là những chất rất tốt cho hệ hô hấp, giúp kháng khuẩn, tiêu viêm. Từ đó các triệu chứng của đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản, ho, đau rát cổ, khàn tiếng được kiểm soát.

Ngăn ngừa ung thư: Theo các nhà nghiên cứu Mỹ cho biết, các hoạt chất carotenoids và lycopene trong đu đủ có khả năng ức chế sự hình thành của các khối u. Từ đó giúp giảm nguy cơ mắc các chứng bệnh quái ác như bạch cầu, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt,…

Đu đủ, cách sử dụng các bộ phận từ lá.. tới rễ để làm thuốc - Ảnh 10.

Hoa đu đủ xào thịt bò

Bài thuốc từ hoa đu đủ đực

Trong Đông y, hoa đu đủ đực có vị đắng, tính bình, thường được sử dụng trong các bài thuốc ngăn ngừa, hỗ trợ điều trị nhiều vấn đề ở đường hô hấp như: ho, viêm họng, khàn tiếng, đau rát cổ họng; các vấn đề tiêu hóa, tim mạch và miễn dịch.

Chữa ho, mất tiếng, ho gà, viêm phổi: Dùng 5-10 hoa đu đủ đực/ ngày, khô hoặc tươi. Chưng cách thủy với đường hoặc đường phèn, hoặc sắc lấy nước uống.

Chữa ho nhiều, ho kéo dài trong các trường hợp bị viêm họng: Rẻ quạt, củ lan tiên (mạch môn đông), tần dày lá; mỗi vị 10 g, bông đu đủ đực 15 g. Chưng cách thủy với một ít đường phèn. Giã nát chia làm 3 phần, ngậm hoặc nuốt, sử dụng trong ngày.

Đu đủ, cách sử dụng các bộ phận từ lá.. tới rễ để làm thuốc - Ảnh 11.

Hạt đu đủ hỗ trợ tiêu hóa, bảo vệ thận, giải độc gan, ngăn ngừa sự lây lan của các loại mầm bệnh gây nhiễm trùng.

5. Hạt đu đủ

Cả đông và tây y đều nhắc đến công dụng của hạt đu đủ trong việc hỗ trợ tiêu hóa, bảo vệ thận, giải độc gan, ngăn ngừa sự lây lan của các loại mầm bệnh gây nhiễm trùng.

Hạt đu đủ có hàm lượng axit oleic và palmitic. Các loại axit béo có trong hạt đu đủ được cho là giúp cơ thể phòng chống ung thư.

Hạt đu đủ cũng dùng để loại bỏ khỏi cơ thể các loại ký sinh trùng đường ruột nhờ hàm lượng enzyme cao, một chất phân giải protein giúp phân hủy ký sinh trùng và trứng của chúng cũng như các protein không tiêu hóa hết trong thực phẩm.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hạt đu đủ cũng có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm mạnh ở hệ tiêu hóa và đặc biệt hiệu quả trong việc tiêu diệt E.coli, Salmonella, tụ cầu khuẩn và bệnh nhiễm khuẩn khác.

Chúng ta có thể ăn thô hạt đu đủ với mục đích chữa bệnh hoặc chế biến vào món ăn bằng cách làm khô và nghiền hạt dùng thay cho hạt tiêu.

Hạt đu đủ có hương vị rất giống với hạt tiêu đen và có thể dùng thay thế trong nhiều công thức nấu ăn. Bạn cũng có thể tích trữ để sử dụng lâu dài.

 Bài thuốc từ hạt đu đủ

Chữa gai cột sống: hạt đu đủ đem xát cho sạch phần nhớt bao quanh, giã nát trong túi vải rồi đắp lên vùng đau.

Mỗi lần chỉ đắp tối đa 30 phút và theo dõi để tránh bị bỏng. Ngày làm một lần, liên tục trong 20 - 30 ngày.

Đu đủ, cách sử dụng các bộ phận từ lá.. tới rễ để làm thuốc - Ảnh 12.

Rễ cây đu đủ có tác dụng giải độc, tiêu đờm, điều trị sốt rét

6. Rễ đu đủ

- Rễ cây đu đủ có tác dụng giải độc, tiêu đờm, điều trị sốt rét.

- Đối với người bị sỏi thận: rễ đu đủ sắc uống (từ 8 đến 12 g mỗi ngày)

- Đối với người bị cá đuối cắn: Giã nát 30 gram rễ đu đủ tươi cùng 4g muối ăn, vắt lấy nước uống, phần bã đắp lên chỗ vết cắn. Chừng nửa giờ sẽ giảm đau, vài ngày sẽ khỏi hẳn.

LƯU Ý: Đu đủ rất tốt nhưng nên sử dụng có giới hạn. Nếu sử dụng quá nhiều và thường xuyên cũng không có lợi. Đu đủ cung cấp tương đối nhiều năng lượng. 100g đu đủ chín cung cấp 44 - 55kcal (đường 12,8%). Do đó, người có đường huyết cao được khuyên không nên dùng nhiều.

Nếu ăn hàng ngày 100g đu đủ chín trong nhiều tháng, phần da lòng bàn tay, bàn chân sẽ bị vàng do một vài loại trong số 19 carotenoid trong đu đủ đào thải chậm. Nếu ngưng ăn đu đủ vài tháng thì hiện tượng vàng da sẽ tự hết.

7 trường hợp không nên ăn quá nhiều đu đủ7 trường hợp không nên ăn quá nhiều đu đủ

SKĐS - Đu đủ là loại trái cây thơm ngon, lành mạnh, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, một số người bị những tình trạng nhất định dưới đây không nên ăn quá nhiều loại trái cây này.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Hướng dẫn tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19

Thanh Loan (ghi)
Ý kiến của bạn