Ông ra đi cũng đã mười năm. Và trước khi rời cõi đời, có lẽ cũng như các liệt sĩ Ðặng Thùy Trâm, Nguyễn Cao Ðài, Nguyễn Văn Thạc, Minh Chính, ông không biết mình là một nhà văn, một nhà chép sử chiến tranh, ghi lại những dấu ấn khó quên ở một thời điểm lịch sử trong thời đại mình đã sống...
Bác sĩ quân y Nguyễn Quang Huy năm 1971 ở chiến trường miền Tây.
Tôi chưa một lần gặp ông. Cũng chưa bao giờ nhìn thấy ông trong cõi đời thật. Tôi chỉ tình cờ biết cô con dâu của ông, cô giáo Giang Hồng Nguyên nhân một dịp kỷ niệm ngày thành lập quân đội cách đây đã 4 năm. Tôi theo anh em văn công cựu chiến binh đến hát và kể chuyện chiến trường cho các cháu học sinh ở một trường Trung học cơ sở quận Hà Đông. Như thường lệ, mở đầu, bao giờ cô hiệu trưởng của trường cũng lên nói mấy câu mang tính xã giao. Cô nói ngắn. Nhưng lại rất ấn tượng và xúc động. Tôi ngạc nhiên hỏi cô: “Thím có phải lính không mà sao hiểu và thương bộ đội thế?”. “Không! Em chưa bao giờ được khoác áo lính. Nhưng bố em là bộ đội. Cụ cả đời gắn bó với quân ngũ”.
Qua facebook, tôi còn thấy cô ấy tham gia một số hoạt động cùng con em Cựu Chiến binh Trung đoàn 52 Tây Tiến. Ấy là cô làm thay công việc không phải chỉ của cha đẻ mà cả cha chồng. Hai ông đều là lính Tây Tiến. BS. Nguyễn Quang Huy còn là Đại tá, bác sĩ, giảng viên Trường sĩ quan quân y (nay là Trường đại học Quân y và là Học viện Quân y sau này). Ông lại nhiều năm có mặt ở chiến trường Tây Nguyên trong những năm chiến tranh chống Mỹ khốc liệt nhất.
Khi Đại tá, BS. Nguyễn Quang Huy qua đời, các con ông mới tìm thấy trong các kỷ vật của cha để lại, có một cuốn sổ tay rất đặc biệt. Đó là cuốn ghi chép chiến tranh Không chỉ là ký ức. Cô giáo Giang Hồng Nguyên đã ngồi gõ lại trên máy tính từng dòng chữ thân thương của cha chồng trong cuốn sổ tay và dòng cuối cùng ghi ngày hoàn thành: 9/1996. Việc ghi lại những kỷ niệm trong cuộc đời mình, đối với ông, cũng bình dị như rất nhiều những cuốn nhật ký khác của đồng đội. Viết xong rồi, ông lặng lẽ để trên giá sách. Dường như muốn chỉ một mình nhớ thương về một thời không thể nào quên. Cuốn sách chìm khuất trong đống tài liệu lặt vặt đã cũ, nhưng may sao, các con ông đã tìm lại được và một biên tập viên của Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân đã phát hiện ra vẻ đẹp và giá trị của nó. Nhờ thế, cuốn sách mới có dịp đến được với đông đảo bạn đọc, đặc biệt là những người lính trẻ ở thế hệ sau ngay trong mùa xuân này.
Lần giở từng trang của tập sách này, không hiểu sao, tôi cứ nhớ đến một vị giáo sư, một nhà sử học nổi tiếng người Đức Henrik Berke. Ông đã 6 lần sang thăm Việt Nam. Ông bảo “Ở Việt Nam, thích nhất là đi xe đạp. Chỉ cần bỏ ra hơn chục đô-la là đã có cả một chiếc xe đạp rồi. Đi xe đạp Việt Nam rất hay bị xịt lốp. Nhưng không sao. Xe xịt ở bất cứ chỗ nào thì cứ tạt vào rệ đường. Thế là lập tức ở đó sẽ có ngay một ông thợ bơm vá xe. Mà những ông thợ này rất đặc biệt. Họ không phải người bình thường đâu. Đấy là những dũng sĩ rất quả cảm. Có khi họ còn là anh hùng trong những năm chiến tranh dữ dội và khốc liệt. Đó là pho sử sống của cả một thời đại. Nhưng đừng dại mà hỏi họ. Nếu tò mò, họ sẽ nghĩ ngay mình là một tên gián điệp quốc tế đang “diễn biến hòa bình”. Nhưng nếu cứ bình tĩnh và im lặng, họ sẽ kể hết. Người Việt xởi lởi lắm...”.
Đại tá, BS. Nguyễn Quang Huy cũng là một “pho sử chiến tranh”. Và rồi, cũng không cần phải kiếm cớ, lân la, chính ông cũng đã kể lại. Cũng như rất nhiều những người lính đã tự viết. Những năm gần đây, xuất hiện rất nhiều những cuốn nhật ký hay ký ức chiến tranh rất có ấn tượng: Nhật ký của Đặng Thùy Trâm. Mãi mãi tuổi Hai mươi của Nguyễn Văn Thạc. Biên bản chiến tranh của Trần Mai Hạnh. Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn. Chuyện lính Tây Nam của Trung Sĩ... Trong đó, nhiều cuốn sách gây được tiếng vang. Có cuốn còn giành được giải thưởng cao ở trong nước và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Không chỉ là ký ức của Đại tá, BS. Nguyễn Quang Huy không phải ngoại lệ. Tôi rất may mắn được đọc cuốn sách này khi nó vẫn đang còn là một tập bản thảo. Thoạt đầu, tôi đọc cũng chỉ vì tò mò thôi. Nhưng rồi, cuốn sách đã cuốn hút tôi thực sự. Tôi không thể buông ra được nếu không đọc đến những dòng cuối cùng. Sức hấp dẫn đặc biệt của cuốn sách này chính là sự thật. Một sự thật trần trụi được viết một cách giản dị chân thực nhưng cũng rất tinh tế và sinh động. Đại tá, BS. Nguyễn Quang Huy thực sự là một nhà văn. Và hơn thế, ông còn là một nhà chép sử. Ngòi bút ông khá uyển chuyển. Có khi đang kể chuyện, một lối kể thông thống, theo kiểu thấy sao nói vậy, ông chấm phá mấy câu dựng cảnh, dựng người, dựng cả không gian chuyện, nên trang sách không còn tẻ nhạt, khô cứng. Nhiều tư liệu rất hay. Ví như cái thị xã Hòa Bình, mà bây giờ là thành phố Hòa Bình, nơi có nhà máy thủy điện đầu tiên của đất nước chẳng hạn. Tôi đã nhiều lần đi qua cái vùng quê bán sơn địa này. Tôi cũng đã đọc đến hàng trăm trang sách, trang báo về miền đất này, nhưng tôi vẫn không biết gì hơn ngoài những điều chung chung mờ nhạt. Tôi chỉ thực sự hiểu được Hòa Bình khi đọc những trang viết của Đại tá, BS. Nguyễn Quang Huy. Dù không nhiều. Chỉ qua vài nét chấm phá, nhưng tôi biết vùng đất này thế nào, cả địa giới và dân cư. Người dân ở đây sống ra sao? Rồi chuyện học hành của con trẻ. Chuyện người dân đi kiếm củi. Mà lạ. Củi rừng lại được kiếm trên... sông. Con sông Đà mùa lũ đã thành “gã tiều phu” lo đủ chất đốt cho hàng ngàn cư dân ở đây. Chỉ một mùa lũ vớt củi, có nhà dùng cả năm cũng không hết. Rồi chuyện giao thông trước cách mạng cũng lạ lùng. Thảng hoặc mỗi ngày mới có vài chuyến xe từ dưới xuôi lên. Xe chạy rất chậm. Và kỳ lạ thay, xe không chạy bằng xăng, bằng dầu, mà bằng... củi. Người ta đã đốt củi để chạy xe. Rồi ở các khu phố, cả khu phố sầm uất nhất về đêm, người ta đi treo đèn đường bằng những ngọn đèn thắp bằng dầu hỏa... Rồi còn nhiều, rất nhiều. Cuốn sách đầy ắp những chi tiết lạ. Nếu BS. Nguyễn Quang Huy không ghi chép lại thì chúng ta không thể biết được ngày xưa ở Hòa Bình, cha ông chúng ta đã sống như thế nào.
Có những chuyện, chúng ta đã biết hoặc tưởng như là đã biết cả rồi. Ví như Trung đoàn Tây Tiến. Chúng ta biết Trung đoàn quả cảm, rất nổi tiếng này qua bài thơ cũng rất nổi tiếng của Quang Dũng: Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm - Heo hút Cồn mây súng ngửi trời - Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống... - Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người... Tây Tiến, đoàn binh không mọc tóc - Quân xanh màu lá dữ oai hùm... Gian nan. Nguy hiểm đến thế. Rồi còn bao điều nữa, mà thi sĩ Quang Dũng, dù tài năng trác việt đến thế nào cũng không nói hết được. Những gì thi sĩ Quang Dũng không nói hoặc không nói được bằng thơ thì Nguyễn Quang Huy đã bổ sung. Những trang viết về Tây Tiến không nhiều, chỉ chấm phá mấy nét, có tãi ra cũng không đầy một vốc chữ nhưng lại rất ấn tượng. Ta hiểu được nỗi gian khổ của người lính Tây Tiến khủng khiếp đến thế nào. Bộ đội ghẻ lở đến nỗi bước đi hai chân không khép lại được, hai bàn tay cứ giơ lên trời vì nếu buông tay xuống là bàn tay nứt toác ra cùng máu mủ; rồi những trận sốt rét đến trụi cả đầu vì tóc không mọc được. Ngày nào cũng có người chết vì sốt rét. Tín hiệu báo người chết là tiếng cồng của trưởng bản Châu Trang, nơi bộ đội đóng quân. Nhờ tiếng cồng ấy, dân bản biết mà đến, đưa người tử sĩ đã khuất đến nơi an nghỉ cuối cùng. Những đêm mưa phùn, rét mướt, giữa rừng sâu heo hút, trong ánh đuốc nhập nhoàng, tiếng cồng thê lương, tê buốt cả tâm can. Và ta bỗng thấy câu thơ Quang Dũng hay đến lạnh người: Rải rác biên cương mồ viễn xứ - Chiến trường đi không tiếc đời xanh - Áo bào thay chiếu anh về đất - Sông Mã gầm lên khúc độc hành... Rồi còn bao chuyện nữa. Cũng toàn những chi tiết độc. Những ca mổ ở bệnh viện dã chiến. Có người lính đã biến mình thành máy phát điện, guồng chân đạp cái xe treo lơ lửng trên không để lấy ánh sáng cho bàn mổ. Rồi độc đáo hơn, những người lính đã dùng hang đá thay cho tủ lạnh giữ thuốc kháng sinh như thế nào. Rồi chúng ta vã mồ hôi khi theo chân y tá Huy cùng đồng đội di chuyển thương binh sơ tán về hậu cứ sau một trận càn của Pháp. Sơ tán nhưng chẳng có chỗ nào an toàn. Ban ngày thì máy bay địch vè vè trên đầu. Ban đêm thì pháo sáng truy quét. Tìm được nơi ẩn nấp hóa ra lại là cái chuồng bò cũ bỏ hoang. Chưa kịp ngả lưng thì trời đã sáng. Sáng sớm còn mù sương đã nghe có tiếng người hô tập thể dục. Hóa ra một tiểu đoàn địch đóng ngay trên đầu mình, giữa triền đồi cao. Lại phải nằm im tại chỗ ém thương binh nặng đang hôn mê để chờ đêm xuống mới di chuyển tiếp...
Tôi vừa nói, nét đặc sắc của cuốn sách là tư liệu và sự thật. Nó khác hẳn với văn chương của chúng ta một thời, chỉ nặng về tuyên truyền mà lại nhẹ về nghệ thuật. Đất nước - Của những người con gái con trai - Đẹp như hoa hồng cứng hơn sắt thép - Xa nhau không hề rơi nước mắt - Nước mắt chỉ để dành cho ngày gặp mặt... Sự thật người lính của chúng ta có như gỗ đá thế không? Nhà thơ Vũ Cao kể về cuộc chia tay của nhà văn Nguyễn Thi, người đã hy sinh ở chiến trường mà đến nay vẫn không tìm được hài cốt. Nguyễn Thi về từ biệt vợ trong đêm. Người vợ 21 tuổi với đứa con mới sinh được vài ngày tuổi. Chị nấc lên khi đứa con khóc như xé vải. Nguyễn Thi bước ra, mặt tái ngắt như không còn một hạt máu nào. Anh bước đi không ngoảnh đầu lại. Bởi chỉ ngoảnh đầu lại, anh sẽ không bước đi nổi nếu nhìn thấy vợ con. Nguyễn Quang Huy cũng chỉ viết có mấy dòng về cảnh chia tay vợ con, nhưng cũng rất ấn tượng. Cuộc chia tay đẫm nước mắt của cả hai vợ chồng. Chị một nách bốn con. Đàn con lít nhít, đứa đầu lên 7, đứa út mới 2 tuổi. Một quê hương rét mướt chìm trong mưa bụi những ngày cuối năm chuẩn bị đón Tết, khi ông từ biệt vợ con để vào chiến trường khốc liệt. Người đi không biết sống chết thế nào và những người ở lại cũng không biết số phận ra sao. Ta biết cái giá của chiến thắng đắt đến thế nào và tấm lòng người chiến sĩ, người hậu phương những năm chiến tranh đẹp đẽ biết bao. Rồi còn những ngày ở chiến trường Tây Nguyên rực lửa. Rất nhiều chi tiết hay và lạ. Tôi rất muốn được liệt kê thêm để... khoe trước với bạn đọc. Nhưng rồi tôi đã không làm thế. Tôi sợ trong cuộc sống vội vàng này, bạn đọc sẽ chỉ đọc những gì tôi trích dẫn mà lại bỏ qua những phần khác cũng rất thú vị của cuốn sách này.
Đây là cuốn sách quý. Rất có giá trị. Đặc biệt là ở tư liệu và chi tiết độc đáo. Và tôi tin cuốn sách sẽ làm bạn đọc yêu thích.
Hà Nội, 20/11/2018