Không chỉ dột nước, tuyến Cát Linh – Hà Đông liên tiếp gặp sự cố kỹ thuật khi vận hành

21-05-2025 06:55 | Xã hội
google news

SKĐS - Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông liên tục gặp nhiều sự cố kỹ thuật trong quá trình vận hành, từ lỗi tín hiệu, trục trặc thiết bị cho đến rò rỉ nước trong khoang hành khách.

Tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông lại gặp sự cốTàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông lại gặp sự cố

SKĐS - Tàu trên cao Cát Linh - Hà Đông mất điện, dừng giữa đường vào trưa 25/2.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông sau gần 4 năm đưa vào khai thác thương mại, đã liên tục gặp nhiều sự cố kỹ thuật ảnh hưởng đến hoạt động vận hành và trải nghiệm của hành khách. Những trục trặc này dù chưa gây thiệt hại nghiêm trọng, nhưng dấy lên lo ngại về tính ổn định và độ tin cậy của hệ thống.

Ngay trong năm đầu tiên khai thác, tháng 12/2021, ga Cát Linh đã phải tạm ngừng hoạt động hơn 30 phút với lý do diễn tập phản ứng với sự cố kể từ khi tuyến đường sắt này được đưa vào khai thác thương mại.

Tình huống diễn tập là lỗi tín hiệu xảy ra ở máy đếm trục tín hiệu ga Cát Linh. Lúc này trên tàu có khoảng 40 hành khách. Ga Cát Linh phải đóng cửa hơn 30 phút để khắc phục sự cố, trong khi nhiều hành khách được "phen hú vía".

Ông Vũ Hồng Trường, Giám đốc Metro Hà Nội sau đó khẳng định "việc diễn tập không ảnh hưởng tới tính mạng hay an toàn của hành khách đi tàu". Ông Trường cho hay "tình huống diễn tập có thể xảy ra bất ngờ, nhưng chúng tôi sẽ thông báo cho hành khách ngay sau đó". Lúc này, Metro Hà Nội sẽ huy động xe buýt chuyển hành khách tới một ga khác gần nhất để tiếp tục di chuyển, hoặc có thể trả lại tiền vé.

Không lâu sau đó, vào tháng 5/2022, mưa lớn khiến đường ray trơn trượt, buộc hệ thống điều khiển tự động phải chuyển sang chế độ thủ công, làm chậm hành trình của tàu. Đại diện Metro Hà Nội lý giải: Trong điều kiện thời tiết bình thường, tàu metro vận hành ở chế độ lái "tự động". Nhưng khi gặp trời mưa khiến đường ray trơn, tàu chuyển sang chế độ lái "thủ công".

Đến tháng 2/2023, một sự cố kỹ thuật xảy ra tại ga Cát Linh tiếp tục khiến đoàn tàu phải dừng vận hành gần 40 phút. Sự cố này gây gián đoạn di chuyển trong khung giờ cao điểm, ảnh hưởng trực tiếp đến hành khách đi làm và đi học.

Không chỉ dột nước, tuyến Cát Linh – Hà Đông liên tiếp gặp sự cố kỹ thuật khi vận hành- Ảnh 2.

Khách đi tàu trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông phải 'che ô' do nước chảy như mưa bên trong toa tàu.

Tiếp theo đó, vào tháng 9/2024, hệ thống đếm trục tại ga Yên Nghĩa bất ngờ gặp trục trặc, khiến việc đón tàu bị gián đoạn. Cụ thể, tàu lúc này đang chạy theo lộ trình từ Cát Linh về Hà Đông, tuy nhiên khi đến ga Phùng Khoang, quận Hà Đông thì bất ngờ dừng lại (theo lộ trình, tàu còn phải qua năm ga là ga Văn Quán, ga Hà Đông, ga La Khê, ga Văn Khê và dừng ở ga cuối Yên Nghĩa)

Ban quản lý sau đó phải tổ chức xe buýt trung chuyển để hỗ trợ hành khách di chuyển, điều này cũng cho thấy tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dễ bị tác động bởi những lỗi kỹ thuật cơ bản.

Chỉ vài tháng sau, vào tháng 2/2025, tàu đang chạy bất ngờ dừng lại giữa hành trình do lỗi ghi đường ray tại khu vực ga La Thành. Hành khách buộc phải rời tàu và tiếp tục di chuyển bằng phương tiện khác. Sự cố khiến tuyến phải tạm ngưng khai thác để kiểm tra hệ thống.

Gần đây nhất, ngày 19/5/2025, nước từ hệ thống điều hòa bị rò rỉ trên tàu số 01, chảy xuống khoang hành khách gây bất tiện cho người ngồi dưới. Đoàn tàu phải lập tức đưa về Depot Phú Lương để xử lý kỹ thuật.

Liên quan đến hiện tượng chảy nước từ hệ thống điều hòa không khí tại một toa hành khách trên đoàn tàu số 01 trên tuyến Đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nước chảy ở khoang hành khách là do lỗi hệ thống điều khiển điều hòa không khí của đoàn tàu số 01 khiến cho việc thoát nước điều hòa không ổn định, dẫn đến chảy nước xuống dưới 1 toa hành khách.

Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy bốn năm, tuyến metro đầu tiên của Hà Nội đã xảy ra ít nhất 6 sự cố có tác động trực tiếp đến hành khách. Dù mỗi sự cố đều được xử lý, nhưng tần suất lặp lại và tính chất kỹ thuật lẽ ra không nên xuất hiện ở một hệ thống giao thông hiện đại cho thấy tuyến Cát Linh – Hà Đông chưa đạt được mức độ ổn định như kỳ vọng. Đây là thực tế không thể xem nhẹ, đòi hỏi cơ quan quản lý và đơn vị vận hành phải nhìn nhận nghiêm túc để kịp thời chấn chỉnh.

Xem thêm video được quan tâm:

Chủ vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông bất ngờ báo lãi gần 97 tỷ đồng.


Thành Long
Ý kiến của bạn