Bên cạnh đó, 37 điểm hiến máu hưởng ứng đã tiếp nhận được 3.994 đơn vị máu.
Như vậy, cả kỳ Lễ hội Xuân hồng lần thứ XII - năm 2019 tại Hà Nội đã tiếp nhận được 11.305 đơn vị máu.
Từ ngày 22 đến 24/02/2019, Lễ hội Xuân hồng lần thứ XII do Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện Thành phố Hà Nội và Hội Thanh niên Vận động hiến máu Hà Nội phối hợp tổ chức sẽ diễn ra tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.
Đến dự lễ khai mạc và động viên người hiến máu lần này có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và lãnh đạo của Bộ Y tế, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội...
Ban tổ chức cho biết, đến cuối ngày chính hội Xuân hồng (23/2) đã tiếp nhận được 3.163 đơn vị máu.
Như vậy tổng cộng sau 2 ngày, Lễ hội Xuân Hồng đã tiếp nhận 4.297 đơn vị máu. Lễ hội Xuân hồng vẫn còn tiếp tục hết ngày mai 24/2.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh động viên người hiến máu.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng các đại biểu đi bộ cổ động Lễ hội Xuân hồng 2019
Máu thiếu hụt, người bệnh khắc khoải chờ máu
TS. Bạch Quốc Khánh – Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Xuân hồng chia sẻ: "Tết là nỗi lo với nhiều người, nhất là với người nghèo, người bệnh, trong đó có những người bệnh cần máu. Máu không thể bảo quản được lâu, cùng với kỳ nghỉ Tết kéo dài, nên lượng máu dự trữ đã không đáp ứng được nhu cầu máu rất cao ngay sau Tết Nguyên Đán. Không chỉ người bệnh, mà chính chúng tôi cũng đang chờ đợi Lễ hội Xuân hồng để kịp thời lấp đầy sự thiếu hụt trầm trọng của kho dự trữ máu.”
Theo Lãnh đạo Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, trong suốt gần 2 tuần sau Tết Nguyên đán vừa qua, Viện và nhiều bệnh viện khác trên toàn quốc đã đồng loạt kêu gọi cộng đồng chung tay hiến máu khẩn cấp do nhu cầu sử dụng máu sau Tết tăng cao ngoài dự đoán.
Đặc biệt, như ngày 21/2 vừa qua, lượng máu dự trữ trong Ngân hàng máu của Viện chỉ còn 1.969 đơn vị máu. Lượng máu này chỉ đáp ứng được nhu cầu của các bệnh viện trong khoảng 02 ngày, nhiều bệnh nhân cần truyền máu nhưng phải chờ vì máu được ưu tiên cho các trường hợp cấp cứu.
Lễ hội Xuân hồng năm 2019 được tổ chức liên tục trong 3 ngày liên tục với các hoạt động đồng hành ý nghĩa như: đi bộ cổ động hiến máu trên tuyến phố Phạm Văn Bạch – kỷ niệm 25 năm phong trào hiến máu tình nguyện, hội trại “Xuân hồng 12 mùa hoa”, nhạc hội “Đánh thức mùa xuân”, trò chơi dân gian… Chương trình còn thực hiện ghép đôi cho người hiến máu và tăng cường các hoạt động tư vấn, chăm sóc người hiến máu.
Đặc biệt, người hiến máu sẽ có cơ hội nhận quà tặng đặc biệt, đó là các xét nghiệm máu. Chỉ một lần đi lại, ngoài các thông tin về nhóm máu và kết quả sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường máu, người hiến máu có thể biết thêm những thông tin hữu ích về sức khỏe của mình.
Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã xây dựng các gói xét nghiệm cơ bản nhưng rất đa dạng, có thể đánh giá cho nhiều tình trạng sức khỏe và bệnh lý. Nhờ đó, người hiến máu có thể tự theo dõi, quản lý, rèn luyện sức khỏe và tích cực tham gia hiến máu nhắc lại thường xuyên.
Ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện TP Hà Nội cho biết: “Lễ hội Xuân hồng không chỉ khởi động cho hàng loạt các hoạt động hiến máu rất sôi nổi tại Thủ đô mỗi năm, mà còn lan tỏa tình yêu thương, trách nhiệm xã hội sâu rộng trong cộng đồng, là minh chứng sâu đậm cho truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc ta, cho nét đẹp của người Hà Nội”.
Đảm bảo an toàn truyền máu, cứu sống người bệnh
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Lễ hội Xuân Hồng là sự kiện đầy tình người, tình nhân ái của cộng đồng dành cho người bệnh. Chúng ta cảm nhận rõ nghĩa cử cao đẹp và sức sống của một Lễ hội nhân ái khi bắt gặp những khuôn mặt vui tươi, rạng rỡ của các tình nguyện viên, sức trẻ từ những trái tim nhân ái, những cánh tay đã sẵn sàng hiến máu – chia sẻ giọt máu của mình cho người bệnh.
Qua 11 kỳ tổ chức (từ năm 2008 đến 2018), “Lễ hội Xuân hồng” là một ngày giải pháp quan trọng giúp cho ngành Y tế đảm bảo được vấn đề an toàn truyền máu, giúp cứu sống rất nhiều bệnh nhân, là nơi để mọi người cùng chung tay, vì sức khỏe cộng đồng.
Đến nay, tất cả các tỉnh/thành phố trong cả nước đều tổ chức “Lễ hội Xuân hồng” hay các “ngày hội Xuân hồng” trong dịp đầu năm mới. Các hoạt động được tổ chức trong Lễ hội Xuân hồng đã góp phần thay đổi nhận thức của cán bộ, người dân về hiến máu và hình thành thói quen tốt đẹp – hiến máu cứu người vào mỗi dịp đầu năm mới, đồng thời đã góp phần khắc phục được tình trạng thiếu máu dịp Tết Nguyên.
Đông đảo người dân tham gia hiến máu.
Lễ hội Xuân hồng cũng là dịp rất tốt để các cơ sở tiếp nhận máu được thực hành, diễn tập các phương án về huy động lực lượng, tổ chức tiếp nhận, sàng lọc, sản xuất máu với số lượng lớn để đề phòng các thảm họa cần truyền máu với số lượng lớn có thể xảy ra ở nước ta. Điều đó cũng thể hiện tính lan tỏa và bền vững của lễ hội đặc biệt này…
"Nhu cầu sử dụng máu và chế phẩm máu của người bệnh ngày càng tăng, trong khi đó, hoạt động vận động hiến máu tình nguyện chưa được tổ chức thường xuyên, đều đặn, vì vậy cần nhiều hơn nữa các Lễ hội, các ngày hội hiến máu như Lễ hội Xuân hồng, Chủ Nhật đỏ, Hành Trình đỏ, và các ngày hội hiến máu tại các cơ quan đơn vị, tại cộng đồng được tổ chức thường xuyên trong năm để lượng máu tiếp nhận được sử dụng một cách hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, cần tập trung nâng cao chất lượng và an toàn truyền máu bằng việc quan tâm, chăm lo đến sức khỏe của người hiến máu, triển khai tốt gói xét nghiệm cho người hiến máu, vận động người hiến máu nhắc lại, thường xuyên"- Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng cũng đánh giá cao vai trò thanh niên, sinh viên tích cực tham gia hiến máu và vận động hiến máu tình nguyện, điều đó cho thấy sức hấp dẫn của các hoạt động văn hóa lành mạnh, nhân ái như Lễ hội Xuân hồng. Cùng với ngành y tế, chính những tấm lòng nhân ái này đã góp phần khơi dậy và lan tỏa sâu sắc tình yêu thương đồng loại có trong trái tim mỗi người dân Việt Nam, để lễ hội hiến máu đầu xuân thêm đẹp và giàu tính nhân văn hơn.
Được khởi xướng từ năm 2008, Lễ hội Xuân hồng đã góp phần quan trọng trong việc đáp ứng lượng máu thường thiếu hụt ngay sau Tết Nguyên đán, góp phần tạo dựng và duy trì thói quen hiến máu đầu xuân của nhiều người dân. Sau 11 kỳ tổ chức, Lễ hội Xuân hồng đã thu hút hơn 200.000 lượt người tham dự và tiếp nhận 67.315 đơn vị máu cho điều trị.