Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, từ đầu năm đến nay, ghi nhận khoảng 900 ca mắc sốt xuất huyết (SXH). Với các biện pháp chủ động, tích cực của các địa phương và đơn vị y tế, việc kiểm soát dịch SXH trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được thực hiện hiệu quả, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm được kiểm soát, góp phần bảo vệ và chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân.
Tại thị xã Nghi Sơn, với đặc thù có sự giao thương đi lại rất lớn với các tỉnh, thành, người dân có nghề làm mắm trong các lu, vại là vật dụng tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng, loăng quăng, bọ gậy phát triển.
Rút kinh nghiệm từ các mùa dịch trước, Trung tâm Y tế thị xã tập trung vào hoạt động giám sát và tuyên truyền để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện, phòng khám trên địa bàn giám sát kịp thời các ca mắc và nghi mắc SXH.
Do đó, đến nay, trên địa bàn thị xã Nghi Sơn ghi nhận 89 bệnh nhân ở 23 xã, phường. Cả 4 ổ dịch SXH trên địa bàn đều đã được khống chế.
Tại huyện miền núi Thạch Thành, từ đầu năm đến nay ghi nhận 17 ca mắc SXH, tập trung chủ yếu từ cuối tháng 7. Các ca bệnh đều được giám sát, phát hiện sớm và kịp thời triển khai các biện pháp khoanh vùng, khống chế dịch nên không để lây lan thứ phát.
Cùng với đó Trung tâm y tế huyện Thạch Thành đã phối hợp với trạm y tế xã, thị trấn chủ động các biện pháp giám sát dịch tễ ca bệnh, vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt muỗi, định kỳ hàng tháng thực hiện tổng vệ sinh môi trường, tổ chức thu gom và xử lý triệt để rác thải phòng, chống dịch bệnh.
Trước tình hình dịch SXH đang diễn biến phức tạp trên cả nước, ngành Y tế Thanh Hóa chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường biện pháp phòng, chống dịch, tổ chức giám sát chặt chẽ các ổ dịch SXH, xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi phát hiện.
Các đơn vị, địa phương đẩy mạnh chiến dịch vệ sinh môi trường, nhà cửa, đường làng ngõ xóm sạch sẽ, khơi thông cống rãnh, lật úp các dụng cụ chứa nước, diệt loăng quăng, bọ gậy. Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại các điểm nóng, khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch bệnh...
Để kiểm soát, không để dịch lây lan ngành y tế Thanh Hóa khuyến cáo bệnh SXH đến nay chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh hiệu quả là diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt. Vì vậy, để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế, rất cần có sự vào cuộc, chung tay của cả cộng đồng.