“Xù” viện phí - chuyện thường ngày
Mới đây, Khoa Cấp cứu BVĐK Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội tiếp nhận một bệnh nhân do người dân phát hiện nằm bất tỉnh trên đường và đưa vào BV. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng say xỉn, lơ mơ, gọi hỏi không đáp ứng... Và do không có giấy tờ tùy thân cũng như người thân đi cùng nên các bác sĩ làm thủ tục ghi hồ sơ bệnh án của nạn nhân là “vô danh”. Sau khi được các bác sĩ tiến hành sơ cứu và làm các xét nghiệm công thức máu như đường máu mao mạch, sinh hóa máu cơ bản... bệnh nhân được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc để tiếp tục theo dõi và điều trị. Hôm sau khi bệnh nhân hồi tỉnh các bác sĩ mới biết bệnh nhân tên là H.Đ.D, 50 tuổi, quê Bình Phước. Đáng quan tâm, khi bệnh nhân hồi tỉnh, khoa đã nhiều lần đề nghị bệnh nhân D. đóng tiền tạm ứng và thanh toán viện phí nhưng bệnh nhân thản nhiên kêu “không có tiền” với lý do quê ở xa, không có người thân ở Hà Nội nên không thể vay được tiền... Bó tay vì không thể đòi viện phí, các y tá đã phải làm đơn báo cáo thất thu cho trường hợp này, với số tiền gần 900 ngàn đồng để gửi tới lãnh đạo BV...
Trước đó, Khoa Cấp cứu - BVĐK Đức Giang, cũng tiếp nhận một trường hợp tương tự khác, bệnh nhân tên là T.V.C, 27 tuổi, thường trú tại Hà Nội. Bệnh nhân này nằm hôn mê ngoài đường, được người dân phát hiện và gọi xe cứu thương 115 đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm, sau đó được chuyển đến BVĐK Đức Giang trong tình trạng hôn mê, tỉnh chậm, không rõ liệt khu trú, phổi rì rào phế nang rõ, rales nổ 2 đáy phổi... được các bác sĩ chẩn đoán ngộ độc chất gây nghiện (ma túy). Sáng hôm sau, bệnh nhân được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc trong tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn, bị hôn mê, phản xạ ánh sáng chậm... Đến 10h10’ cùng ngày, bệnh nhân xuất hiện ngừng tuần hoàn, dù được phát hiện và cấp cứu khẩn trương nhưng bệnh nhân không có dấu hiệu có mạch trở lại và tử vong sau đó. Trường hợp này được BV trả về địa phương còn khoản viện phí lên đến 1,5 triệu đồng cũng không được người nhà của bệnh nhân thanh toán. Vì họ cho rằng người bệnh đã tử vong, các chi phí chữa trị kia là không cần thiết... Và đương nhiên khoản chi phí này cũng được đưa vào danh mục thất thu của BV. Theo ThS. Trần Minh Tuấn - Trưởng phòng Kế toán - Tài chính của BV: Tình trạng thất thu do người bệnh xù viện phí diễn ra khá thường xuyên, mỗi năm BV thất thu do vấn nạn này lên đến hàng trăm triệu đồng.
Các BS cấp cứu một ca tai nạn giao thông.
Cùng chung với tình trạng “xù” viện phí nói trên, không chỉ xảy ra ở BVĐK Đức Giang mà còn xảy ra tại nhiều bệnh viện công khác, chị Hoàng Lan - Kế toán trưởng Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội cho biết: Mỗi năm BV thất thu viện phí khoảng 20-30 triệu đồng do bệnh nhân bỏ trốn, đa phần là các đối tượng nghiện hút, giang hồ...
Không bao giờ bỏ mặc bệnh nhân
Khi vào khám tại bệnh viện, thông thường bệnh nhân phải trải qua thủ tục đầu tiên là ghi tên tuổi. Với bệnh nhân cấp cứu thì người đưa tới phải khai nhận tên tuổi. Tiếp theo, nếu bệnh nhân không xuất trình thẻ bảo hiểm y tế thì phải đóng một khoản tiền tạm ứng viện phí. Tuy nhiên, trong thực tế có không ít bệnh nhân, đa phần là những người bị tai nạn giao thông, đánh nhau, nghiện hút... thường đi cấp cứu trong tình trạng hiểm nghèo mà không có người nhà đi cùng hay giấy tờ tùy thân... Khi nhập viện, các đối tượng bệnh nhân này sẽ được các BV bỏ qua mọi thủ tục và tiến hành cấp cứu trước, mọi thứ khác sẽ tính sau.
Nói rõ hơn về vấn đề này, ThS. Tuấn chia sẻ: Hiện nay, trong lĩnh vực y tế các BV đã tự chủ tài chính rồi, có thể hiểu nôm na các hoạt động khám chữa bệnh là loại hình dịch vụ như một loại mặt hàng. Tuy nhiên, không giống với mặt hàng thông thường, khi anh muốn mua thì phải bỏ tiền thanh toán trước, người bán mới giao hàng. Còn mặt hàng dịch vụ y tế là đặc biệt, mang tính chất phúc lợi xã hội cao, việc bảo đảm tính mạng, an toàn sức khỏe cho người bệnh luôn được đặt lên hàng đầu và quan trọng nhất. Bất cứ thời điểm nào, bác sĩ cũng tập trung cấp cứu trước, không bỏ mặc bệnh nhân cho dù người bệnh đó chưa rõ nhân thân, có tiền hay không có tiền thanh toán viện phí... Cũng theo anh Tuấn, chính vì tính chất đặc thù này mà vấn nạn xù viện phí dù không mới nhưng đến nay vẫn chưa thể tháo gỡ như tại BVĐK Đức Giang chủ yếu diễn ra ở 2 khoa là Khoa Cấp cứu và Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Nhưng chúng tôi không coi viện phí là quan trọng, bởi nhiệm vụ quan trọng nhất của người thầy thuốc là tập trung để cứu người.
Thông báo thất thu của bệnh nhân tử vong tại BVĐK Đức Giang.
Thực tế cũng cho thấy, nhiều bệnh nhân không cố tình chây ỳ, xù viện phí, nhưng vì nghèo nên họ không đủ tiền thanh toán viện phí. Để hạn chế bớt tình trạng thất thu, nhiều bệnh viện đã mở các hòm từ thiện đặt tại các khoa, phòng hay kêu gọi các tổ chức cá nhân hảo tâm quyên góp nhằm có nguồn kinh phí hỗ trợ bệnh nhân nghèo. Bên cạnh đó, Phòng Công tác xã hội của các BV cũng làm rất tốt việc hỗ trợ cho các bệnh nhân nghèo. Đơn cử chỉ riêng tại Bệnh viện Thanh Nhàn, mỗi năm, BV quyên góp được khoảng 200 triệu đồng, bệnh nhân nghèo chỉ cần làm đơn, có xác nhận của địa phương sẽ được BV tạo điều kiện, hỗ trợ một khoản viện phí khám chữa bệnh.