Hà Nội

Không bảo vệ được nhân viên y tế, Indonesia sẽ gặp khó khăn trong phòng chống dịch

19-07-2021 12:49 | Quốc tế
google news

SKĐS - Đây là thực tế mà nhiều quốc gia trong tâm dịch như Indonesia đang phải trải qua. Số các nhân viên y tế mắc bệnh và tử vong gia tăng, gây áp lực cực lớn lên hệ thống y tế vốn đang “điêu đứng” vì dịch bệnh.

Theo Hiệp hội các bác sĩ  Indonesia  (IDI), số ca tử vong do COVID-19 của các bác sĩ  ở Indonesia  tăng mạnh trong nửa đầu tháng 7. Nguyên nhân được cho là do biến thể Delta khiến số ca bệnh gia  tăng ở khắp các tỉnh trên cả nước. Tính trung bình 7 ngày, số ca mắc COVID-19 ở Indonesia đang ở top đầu, và đứng sau Brazil về số người tử vong do COVID-19.  Biến thể Delta được cho là dễ lây lan hơn chủng virus gốc, nó ảnh hưởng tới không chỉ người dân bình thường mà  cả những nhân viên y tế. Họ cũng   trở thành những nạn nhân của COVID-19.

Hơn 500 bác sĩ Indonesia đã tử vong vì COVID-19

Những ca tử vong của các nhân viên y tế ở  Indonesia  tăng lên cùng với số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại  quốc gia đông dân thứ tư thế giới này. IDI cho biết, trong thời gian từ 1-17/7, ghi nhận 114 bác sĩ tử vong, mức cao nhất  trong khoảng thời gian tương đương. Tính đến nay Indonesia đã ghi nhận 545 bác sĩ tử vong do COVID-19 kể từ đầu đại dịch. Tuy nhiên, theo  Tổ chức phi chính phủ Lepor COVID-19,  chuyên theo dõi diễn biến dịch COVID-19 cho rằng, có 1.231 nhân viên y tế đã chết kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Một trong số đó là cô Risma Dwi Annisa, một nhân viên  của Hội Chữ thập đỏ, làm việc tại đơn vị chăm sóc y tế Surakarta ở miền  Trung Java. Cô Annisa năm nay  mới 25 tuổi và đang mang thai. Cái chết của cô đang làm dấy lên nhiều lo ngại về việc đảm bảo môi trường lao động an toàn cho nhân viên y tế.

Nhiều nơi, các bác sĩ Indonesia phải làm việc trong điều kiện thiếu trang thiết bị bảo hộ

Mặc dù tỷ lệ tiêm chủng ở  nhân viên y tế tại Indonesia đạt  95%, nhưng số ca tử vong tăng lên đặt ra câu hỏi về việc liệu vắc xin có hiệu quả với biến thể Delta hay không. Chính phủ đã áp đặt các biện pháp hạn chế vào ngày 3/7 nhưng theo các chuyên gia, các biện pháp này chưa đủ mạnh để làm chậm sự lây lan của dịch bệnh.

Trong khi  lượng bệnh nhân tăng đột biến, cộng thêm việc các y bác sĩ phải làm việc trong điều kiện thiếu thốn cả các trang thiết bị phòng hộ cá nhân và phương tiện cách ly đã khiến lực lượng tuyến đầu này bị “trọng thương”.  Các chuyên gia cảnh báo, nếu không giữ được tuyến phòng thủ này thì Indonesia sẽ “thất thủ” trước đại dịch.

Trưởng nhóm giảm nhẹ tại Hiệp hội Y tế Indonesia, ông Adib Khumaidi cho biết, tháng trước Chính phủ đã phải bổ sung thêm giường điều trị  cho các cơ sở y tế. Theo ông Khumaidi, các biện pháp “hạn chế vi mô”  ở cấp khu phố hoặc thành phố  không ngăn được sự gia tăng của các ca bệnh ở các địa phương, nhất là ở những nơi cơ sở y tế và nhân viên chăm sóc sức khoẻ thiếu trầm trọng.

Trước đại dịch, Indonesia chỉ có 1  bác sĩ cho mỗi 1.000 dân và hiện nay, với số ca bệnh tăng vùn vụt mỗi ngày, trong khi thiết bị phòng hộ không đủ, tất yếu sẽ khiến tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở các nhân viên y tế tăng lên.

Ứng phó nhằm bảo vệ nhân viên y tế

Chia sẻ tại một cuộc họp trực tuyến, quan chức cấp cao của Hiệp hội các bác sĩ  Indonesia  (IDI)  Mahesa Paranadipa  cho biết,  hiệp hội lo ngại rằng hệ thống y tế của nước này có thể không đủ khả năng đối phó với những diễn biến của dịch bệnh.

"Chúng tôi lo lắng về nguy cơ xảy ra sự cố. Số liệu về ca tử vong ở nhân viên y tế  là những số liệu công bố, chưa phải là con số thực tế", chuyên gia Paranadipa nói.

Để đối phó với các biến thể của virus và bảo vệ sức khoẻ của nhân viên y tế, giữ được hệ thống y tế trong nước, Chính phủ Indonesia  đã đề xuất tiêm liều thứ ba cho các bác sĩ và y tá. Loại  vắc xin được đề xuất tiêm bổ sung cho nhân viên y tế là vắc xin Moderna.  Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết, thông qua chương trình COVAX, Indonesia đã nhận  được hơn 3 triệu liều Moderna, trong đó sẽ dành cho nhân viên y tế là 1,47 triệu liều.

Theo các chuyên gia, sự gia tăng các trường hợp nhiễm mới tại Indonesia  sự xuất hiện của các biến thể mới, còn có quá nhiều người Indonesia không tuân thủ duy trì khoảng cách xã hội do tập quán, lối sống của quốc gia này, thường sống trong những đại gia đình lớn. Để giảm tải cho hệ thống y tế, không có cách nào khác hơn là Indonesia phải bổ sung và siết chặt  thêm các biện pháp phòng chống dịch, các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo.


Hải Yến
Ý kiến của bạn