424 công trình nghiên cứu, khai quật khảo cổ đã được thực hiện trong năm 2009 - đó là con số vừa được Viện Khảo cổ học Việt Nam công bố tại Hội nghị báo cáo khảo cổ học thường niên lần thứ 44. Năm nay, tuy "được mùa" về cả số lượng di chỉ đã khai quật cũng như hàng loạt phát hiện có giá trị song ngành khảo cổ học nước nhà vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều nỗi lo và không ít vấn đề chưa được tháo gỡ.
Nhiều phát hiện mới...
Con số 424 không hề nhỏ hơn so với những năm trước cùng với nhiều thông tin có giá trị được đưa ra trong các bản báo cáo tiến hành tại khắp các tỉnh thành trong cả nước đã cho thấy sự phong phú, bề dày của các di tích, di vật, các nền văn hóa dưới lòng đất cũng như công lao của đội ngũ các nhà khảo cổ học nước ta trong năm qua. Đáng chú ý nhất phải kể đến những phát hiện mới tại các di chỉ lớn như 3 vòng đàn bằng đá tại đàn Nam Giao (Thanh Hóa), 16 ngôi mộ cổ tại Bãi Cọi (Hà Tĩnh), kiến trúc dạng vòm tại Trường Dục Tú (Đông Anh, Hà Nội), văn minh Chăm Pa ở Bình Định... hay phát hiện thêm nhiều di chỉ mới trong các cuộc khai quật di dời tại lòng hồ thủy điện Sơn La, Trung tâm chính trị Ba Đình, địa chỉ 62, 64 Trần Phú (Hà Nội)... Kết quả thu được từ hàng trăm di vật đã góp phần khôi phục bức tranh chân xác của lịch sử văn hóa, văn minh dân tộc Việt từ thời tối cổ cho đến thời cận hiện đại.
Giếng cổ được khai quật tại di chỉ Đàn Nam Giao (Thanh Hóa). Ảnh: T.Thanh |
Song song với công tác khai quật, ngành khảo cổ còn đẩy mạnh việc nghiên cứu liên ngành, đa ngành và chuyên sâu nên đã nhận diện được chính xác và khách quan hơn giá trị của từng di sản. Những hoạt động tích cực này đã giúp các nhà quản lý lập quy hoạch chi tiết để bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, xếp hạng, khai thác di tích di sản đồng thời có kế hoạch cụ thể trong việc di dời các di tích ra khỏi vùng có các dự án kinh tế xã hội lớn, thực hiện tốt nhiệm vụ vừa bảo vệ giá trị di sản vừa phục vụ sự phát triển của đất nước.
Nhưng nỗi lo cũ vẫn còn
Có thể nói, so với các ngành khoa học xã hội khác, khảo cổ học Việt Nam luôn được giới chuyên môn trong khu vực đánh giá cao về tần suất khai quật cũng như các giá trị khai thác được, đặc biệt là về độ sâu và sự phong phú của các tầng văn hóa. Tuy nhiên, qua các hội nghị báo cáo khảo cổ học thường niên, vẫn thấy khá nhiều vấn đề nổi cộm của ngành đã tồn tại từ năm này sang năm khác mà chưa được tháo gỡ. Chẳng hạn, còn nhiều cuộc khai quật bị bỏ dở, những nghiên cứu chưa được tiến hành "dứt điểm" do thiếu nhân lực và kinh phí đầu tư. Hay sự hạn chế của các phòng thí nghiệm trong nước khiến cho công tác nghiên cứu, thẩm định di chỉ gặp nhiều khó khăn, luôn bị chậm trễ trong việc đưa ra các chứng cứ khoa học xác đáng. Lấy ví dụ với cuộc đào thám sát bãi cọc Bạch Đằng (vốn là địa danh "gắn bó" với nhiều cuộc chiến chống ngoại xâm của nhiều thời đại khác nhau, như thời Ngô Quyền thế kỷ X, hay nhà Trần thế kỷ XIII). Các phòng thí nghiệm trong nước không đủ phương tiện xét nghiệm tìm niên đại nên đã phải gửi sang phòng thí nghiệm của New Zealand. Tuy nhiên kết quả phân tích đồng tử C14 tại đây đưa ra tới 7 niên đại, trong đó có những niên đại rất chênh lệch, khiến chưa thể kết luận cọc Bạch Đằng ấy thuộc thời đại nào. Chúng ta sẽ phải tiếp tục gửi đi "kiểm tra" lại ở những phòng thí nghiệm khác tiên tiến hơn.
Sự thiếu hụt nguồn nhân lực khiến những người làm khảo cổ học lo lắng, trăn trở. Theo TS. Lâm Thị Mỹ Dung, ĐH Quốc gia Hà Nội, ngành khảo cổ đang... hụt hơi vì thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực trẻ. Năm 2008 - 2009, chỉ có 4 sinh viên tốt nghiệp bộ môn Khảo cổ học, chương trình đào tạo sau đại học chỉ có 2 người tham gia. ĐH Quốc gia Hà Nội đã và đang tiến hành một số biện pháp để thu hút sinh viên theo ngành khảo cổ. Tuy nhiên, điều kiện làm việc và mức thu nhập hiện nay của các viện nghiên cứu, các bảo tàng khó có thể thu hút sinh viên giỏi theo học. Để bổ sung nguồn nhân lực, nhiều bảo tàng lớn đành phải tuyển cả những người học ngành sử học, sinh học vào làm việc.
Theo Viện trưởng Viện Khảo cổ học Tống Trung Tín, một vấn đề lớn và "muôn thủa" mà ngành khảo cổ học tiếp tục phải đối mặt là nạn đào phá di tích và các di chỉ để tìm kiếm cổ vật. Nhiều di tích vừa mới được khai quật khảo cổ học 1, 2 lần, nếu cơ quan quản lý của tỉnh không quan tâm thì một thời gian sau quay lại di tích đã biến mất. Chuyên viên khảo cổ không thể suốt ngày đêm ngồi đó mà trông coi di tích. "Có những người đào được cả tấn hiện vật, thì chứng tỏ đã có biết bao di tích bị phá hủy. Di vật rời khỏi di chỉ sẽ giảm giá trị đi rất nhiều", PGS. Tín than thở. Ông cho rằng: Nếu không bảo vệ được các di tích, di chỉ có nghĩa là ngành khảo cổ học sẽ "chết". Vì vậy ông kêu gọi các giới nghiên cứu liên quan và những người yêu di sản hợp tác cùng giới khảo cổ học để ngăn chặn tình trạng đào phá di chỉ đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Hy vọng rằng Luật Di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung được thông qua trong năm 2009 và có hiệu lực từ 1/1/2010 sẽ tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để các cấp, các ngành, các cơ quan có thẩm quyền tham gia tốt hơn vào công tác bảo vệ các di chỉ khảo cổ và bảo tồn một cách đầy đủ nhất các di vật quý giá mà cha ông để lại.
Hoàng Linh