Khối u tuyến giáp khổng lồ nặng 1kg suýt lấy đi mạng sống người phụ nữ

20-06-2022 14:22 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Chủ quan với nhân tuyến giáp và quyết định không đụng dao kéo, chỉ sau 2 năm khối u phát triển nhanh chóng đạt kích thước 30cm và nặng 1kg. Nếu không được phẫu thuật kịp thời bệnh nhân có nguy cơ tử vong.

Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, vừa phẫu thuật bóc tách thành công khối bướu cổ khổng lồ cho một nữ bệnh nhân sau 2 năm chủ quan biết bệnh nhưng từ chối can thiệp bằng dao kéo.

Từ chối điều trị nhân tuyến giáp, sau 2 năm phát triển thành khối u khổng lồ

Cụ thể, bệnh nhân là bà L.K.N. (50 tuổi, ngụ Q.11, TP.HCM). Theo bệnh nhân chia sẻ, trước đây đã biết mình bị bướu cổ nhưng do chưa ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe nên không điều trị. Sau hai năm dịch COVID-19, khối bướu bỗng phát triển nhanh, to như trái dưa gây ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày.

Trước khi tới Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, bà N. đã kiểm tra ở một vài bệnh viện khác. Các bác sĩ ở những cơ sở y tế trên đều đưa ra hướng can thiệp là phẫu thuật nhưng có rủi ro lớn do khối u quá to. Nếu không cẩn thận, bệnh nhân sẽ có nguy cơ tử vong ngay trên bàn mổ vì suy hô hấp bởi không thể tiến hành đặt nội khí quản gây mê được như bình thường do đường thở đã bị biến dạng.

Khi nghe phân tích về những rủi ro, người bệnh và gia đình lo sợ nên quyết định "không đụng đến dao kéo". Tới đầu tháng 6/2022, do bị khối bướu chèn ép gây khó thở, đặc biệt không thể nằm ngủ, không thể cúi đầu xuống bởi khối u quá to. Lúc này bệnh nhân mới tới khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.

Khối u tuyến giáp khổng lồ nặng 1kg suýt lấy đi mạng sống người phụ nữ - Ảnh 1.

Khối u tuyến giáp nặng 1kg với đường kính 30cm chỉ sau 2 năm

TS.BS Trần Thanh Vỹ - Trưởng khoa Lồng ngực mạch máu đã đưa ra chẩn đoán đây là khối u tuyến giáp có đường kính gần 30cm. Bệnh nhân đã được siêu âm, chụp CT, chọc hút tế bào ra thử. Kết quả kiểm tra cho thấy đây là khối u lành tính, khí quản của bệnh nhân đã bị khối u này đè xẹp, các mạch máu cũng bị chèn ép gây phù ở dưới da vùng cổ.

Tất cả cấu trúc quan trọng như đường thở, thực quản, các tĩnh mạch và động mạch nuôi dưỡng não của bệnh nhân đều bị chèn ép và biến dạng ít nhiều. Nếu không phẫu thuật cắt bỏ khối u thì nguy cơ bệnh nhân suy hô hấp, tử vong là khó tránh khỏi.

Bóc tách khối u khổng lồ nặng 1kg, đường kính 30cm gặp nhiều khó khăn

ThS.BS Lê Hồng Chính - Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM nhận định: "Trường hợp này nếu không phẫu thuật thì bệnh nhân có thể sống thêm vài tháng hoặc một năm. Nếu phẫu thuật mà khâu đặt nội khí quản trục trặc thì bệnh nhân có nguy cơ mất luôn trên bàn mổ".

Quá trình khảo sát đường thở để tiến hành đặt nội khí quản cho bệnh nhân N. ghi nhận cấu trúc đường thở trên của bệnh nhân tại vùng hầu họng bị thay đổi. Đường thở dưới cũng biến dạng, lệch trục, khối u chèn vào từ hai bên khiến nhiều đoạn chít hẹp. Bệnh nhân không thể ngửa cổ ra cũng như há miệng to. Khiến cho việc đặt nội khí quả trở nên khó khăn hơn.

Các bác sĩ đã cho bệnh nhân chụp CT, MRI phổi và lồng ngực để đánh giá tình trạng lâm sàng.

TS.BS Phan Tôn Ngọc Vũ - Trưởng khoa Gây mê hồi sức của bệnh viện đã đưa ra quyết định đặt nội khí quản cho ca này dưới sự hướng dẫn của ống nội soi mềm, bệnh nhân được an thần và gây tê bề mặt. Khi nội soi phế quản, bác sĩ gây mê sẽ xem xét ống nội soi có đi qua được chỗ bị chít hẹp ở đường thở hay không, căn cứ vào đó thay đổi kích thước ống nội khí quản cho phù hợp.

"Nếu không đặt được nội khí quản cho bệnh nhân thì chỉ còn một cách cuối cùng là gây mê dưới sự hỗ trợ của máy ECMO. Nếu phải dùng tới phương pháp này chi phí sẽ rất lớn, lên tới hơn 1 tỷ đồng", bác sĩ Chính chia sẻ.

May mắn là, bác sĩ đã luồn được ống nội khí quản lách qua những chỗ chít hẹp đường thở của bệnh nhân, vì mô của khối u vẫn còn độ đàn hồi, nếu khối u xơ cứng thì chưa chắc đã luồn ống qua được. Ca phẫu thuật bóc tác khối u khổng lồ nặng 1kg đã diễn ra trong bốn tiếng đồng hồ.

Hiện, bệnh nhân đã hoàn toàn hồi phục, nói chuyện được, bảo toàn được tất cả các chức năng, đủ điều kiện xuất viện.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân, không nên chủ quan khi thấy sức khỏe có dấu hiệu bất thường. Nếu được can thiệp điều trị sớm từ khi khối u mới chỉ là nhân tuyến giáp, kích thước nhỏ thì sẽ đơn giản hơn rất nhiều. 

Không tái khám sau phẫu thuật u tuyến giáp, bệnh thêm trầm trọngKhông tái khám sau phẫu thuật u tuyến giáp, bệnh thêm trầm trọng

SKĐS - Sau phẫu thuật u tuyến giáp cần phải dùng thuốc thay thế hormon tuyến giáp trong suốt phần đời còn lại để tránh các biến chứng cho sức khỏe.


P.Thương
Ý kiến của bạn