Hỏi: Ở tuyến tụy nếu có khối u thì có thể là u lành tính không? Theo những gì tôi biết thì hay gặp ung thư tụy, cách thức để nhận biết u lành?
(La Văn Thành - Bình Phước)
Trả lời: Khối u của tuyến tụy thường hay được hiểu là ung thư tụy, bởi trên thực tế lâm sàng thường gặp khối u của tụy ngoại tiết (ung thư của tuyến tụy tiết men tiêu hóa). Ung thư tụy ngoại tiết cũng là bệnh thường gặp trong các bệnh ung thư đường tiêu hóa (chiếm 10%). Tuy nhiên tuyến tụy gồm hai phần: tụy ngoại tiết (loại ung thư hay gặp) và tụy nội tiết (bài tiết hoóc-môn). Khối u của tụy nội tiết phần thì ít gặp và ít được nhà chuyên môn đề cập đến nên hay bị bỏ qua cho đến khi bệnh tiến triển giai đoạn cuối.
Chúng ta biết tụy là một cơ quan giống hình chiếc búa gồm 3 phần: đầu, thân và đuôi. Tụy có trọng lượng khoảng 80g, kích thước trung bình dài 15 cm, cao 6cm, dày 3cm. Tụy nằm phía dưới dạ dày và trước cột sống. Ở tụy có hai nhóm tế bào: tế bào tụy ngoại tiết (tiết ra các men đổ vào ruột non để tiêu hóa thức ăn) và tế bào tụy nội tiết (tiết ra nhiều loại hoóc-môn đổ vào máu đến tác động ở cơ quan đích). Các tế bào tiết ra hoóc-môn của tụy tạo thành nhóm và được gọi là đảo Langerhans. Các khối u xuất phát từ các tế bào đảo Langerhans được gọi là khối u nội tiết thần kinh tuyến tụy hay u tụy nội tiết, nếu ác tính thì gọi là carcinoma tế bào đảo hay carcinoid tụy. Khối u nội tiết thần kinh tuyến tụy có thể có triệu chứng hoặc không có triệu chứng gì. Người ta chia ra hai nhóm: nhóm khối u chức năng và nhóm khối u không có chức năng. Khối u chức năng: tiết ra một hoặc nhiều hoóc-môn có chức năng nên gây ra triệu chứng lâm sàng (như: gastrin, insulin, glucagon, somatostatin, …). Loại này thường là khối u lành tính (không phải ung thư). Khối u không có chức năng: cũng tiết ra các chất nào đó nhưng không có tác động nào với cơ quan, triệu chứng chỉ có khi khối u phát triển và di căn. Loại này thường là khối u ác tính (ung thư).
Đối với việc chẩn đoán khối u tụy nội tiết, ngoài triệu chứng lâm sàng còn phải xác định bằng những xét nghiệm định lượng hoóc-môn trong máu và những kỹ thuật hình ảnh học: siêu âm, chụp cắt lớp điện toán (CT Scanner), cộng hưởng từ nhân (MRI), PET-CT, xạ hình…
BS.CKII. ĐẶNG MINH TRÍ