Hoảng hốt ngỡ khối u lớn dưới niêm mạc dạ dày...
Trước đó, bệnh nhân N.T.T.H đã nội soi dạ dày bằng công nghệ thường quy, phát hiện niêm mạc phình vị bị phù nề, sung huyết, có tổn thương lồi kích thước khoảng 3cm. Bệnh nhân được chẩn đoán u dưới niêm mạc dạ dày.
U dưới niêm mạc đường tiêu hóa nói chung là bệnh lý nguy hiểm, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như chèn ép gây tắc, xuất huyết, và khả năng ung thư hóa chiếm tỷ lệ 15%. Trong trường hợp khối u lớn kích thước 3cm như bệnh nhân H. thì nguy cơ ung thư càng tăng cao.
Việc điều trị u dưới niêm mạc dạ dày tương đối phức tạp. Tùy vào bản chất và mức độ của khối u mà bác sĩ cần áp dụng các kỹ thuật như cắt niêm mạc, nội soi phẫu tích dưới niêm mạc, cắt u nội soi qua đường hầm, nội soi cắt toàn bề dày thành ống tiêu hóa, mổ mở cắt u, cắt dạ dày,... Đây đều là các kỹ thuật khó, khối u càng lớn càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai biến.
Thở phào khi khối u dạ dày "biến mất"
Khi đến kiểm tra lại tại Chuyên khoa Tiêu hóa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc TCI, bệnh nhân được chỉ định siêu âm nội soi [EUS] để đánh giá mức độ xâm lấn. Phương pháp này được thực hiện bằng cách đưa đầu ống nội soi có gắn thiết bị siêu âm vào bên trong dạ dày thông qua đường tiêu hóa trên và thực hiện siêu âm trực tiếp từ bề mặt của khối u. Kết quả siêu âm nội soi sau đó đã khiến khối u dạ dày "hiện nguyên hình". Đây thực tế là khối u máu gan trái đẩy lồi vào lòng dạ dày - bệnh lý được đánh giá là đơn giản hơn so với chẩn đoán ban đầu là u dưới niêm mạc dạ dày.
Cụ thể, Bác sĩ CKII Phạm Thái Sơn (Trưởng khoa Thăm dò chức năng - Nội soi TCI cơ sở 286 Thụy Khuê, Hà Nội) cho biết tổn thương trên hình ảnh nội soi thường quy có bề mặt nhẵn, màu sắc giống niêm mạc xung quanh, hoàn toàn tương tự với một khối u dưới niêm mạc dạ dày. Ở trường hợp này, nội soi ánh sáng trắng thông thường, ánh sáng dải tần hẹp NBI hay kể cả nội soi phóng đại nhuộm màu cũng không thể đánh giá được khối u xuất phát từ lớp nào của thành dạ dày và mức độ xâm lấn cụ thể.
Đây chính là lý do vì sao bác sĩ TCI cần tiến hành siêu âm nội soi. Điều bất ngờ là trên siêu âm phát hiện tại vị trí tổn thương có khối cấu trúc giảm âm đều kích thước 3,4 x 2cm từ ngoài đẩy lồi vào trong và một khối cấu trúc tăng âm liên tiếp với gan trái kích thước khoảng 2,6cm. Căn cứ vào kết quả này, bác sĩ TCI đưa ra kết luận theo dõi u máu gan trái. Hình ảnh chụp cắt lớp CT sau đó của bệnh nhân cũng khẳng định đây là khối u máu tại gan.
U máu gan là khối u gan lành tính, thường không có biểu hiện, nguy cơ biến chứng rất thấp, hầu hết trường hợp được chỉ định theo dõi. Việc điều trị chủ yếu áp dụng với khối u rất lớn và gây biến chứng.
Bác sĩ Sơn cũng cho biết, trước đó bệnh viện cũng tiếp nhận những trường hợp tương tự: "Có bệnh nhân đến với chúng tôi sau khi được chẩn đoán có khối u kích thước lớn tại dạ dày, tiên lượng cần phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày. Tuy nhiên sau khi nội soi lại và tiến hành siêu âm nội soi lại không phát hiện ra khối u nào mà thực chất đó là khối gan chèn vào và dạ dày bị đẩy lồi lên trông giống như một khối u".
Đối với chẩn đoán bệnh lý đường tiêu hóa, bác sĩ Sơn nhận định việc kết hợp các phương pháp nội soi hiện đại có vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán đúng bản chất khối u, từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp, không can thiệp nhầm lẫn.
Giá trị chẩn đoán "2 trong 1" của siêu âm nội soi
Nội soi dạ dày - đại tràng là thăm dò chức năng sử dụng dây soi gắn camera để quan sát bên trong ống tiêu hóa. Đây là phương pháp giúp chẩn đoán các tổn thương tại niêm mạc thực quản, dạ dày, đại trực tràng. Tuy nhiên, nội soi lại không xác định được mức độ xâm lấn của tổn thương cũng như gặp khó khăn trong việc phát hiện những bất thường nằm dưới lớp biểu mô phủ. Còn siêu âm ổ bụng lại có hạn chế về nhiễu ảnh, dễ bỏ sót các tổn thương tại ống tiêu hóa do cơ quan này có cấu tạo gập góc với nhiều vị trí khuất.
Kết hợp giữa siêu âm và nội soi tiêu hóa, sự ra đời của siêu âm nội soi đã mang đến giải pháp hiệu quả khắc phục hạn chế của cả hai kỹ thuật nói trên. Theo đó, thiết bị có khả năng thu phát sóng siêu âm được gắn lên đầu dây nội soi, áp sát vị trí cần thăm dò và tiến hành siêu âm từ lòng ống tiêu hóa. Hình ảnh siêu âm thu được qua nội soi có chất lượng và độ chính xác cao do đầu dò có thể tiếp cận gần nhất với các mô cần kiểm tra. Siêu âm nội soi cũng được sử dụng để kiểm tra các cơ quan gần đường tiêu hóa gồm: gan, mật, tụy,... Đặc biệt phương pháp này có ý nghĩa to lớn trong việc phát hiện các khối u nằm sâu trong ổ bụng với mức độ xâm lấn tối thiểu, đồng thời góp phần chẩn đoán và điều trị ung thư đường tiêu hóa từ giai đoạn sớm.
Tại Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI, giá trị của siêu âm nội soi còn được tối ưu hơn nữa khi kết hợp với nội soi phóng đại nhuộm màu, được gọi là phương pháp nội soi MCU, giúp chẩn đoán ung thư dạ dày đại tràng sớm trong một ngày.