• Cơ sở để khởi tố ông Vũ “nhôm” tội “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước”
• Ông Vũ “nhôm” đối diện mức án nào?
Cơ quan ANĐT cũng đã ra quyết định truy nã ông Vũ “nhôm” sau khi xác định ông không có mặt tại nơi cư trú ở Đà Nẵng. Liên quan đến tội danh “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước” các chuyên gia pháp lý đã phân tích cơ sở để khởi tố cũng như các mức án mà ông Vũ “nhôm” có thể phải đối diện.
Cơ quan ANĐT - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Phan Văn Anh Vũ về tội “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước”.
Theo TS. Đinh Thế Hưng, Trưởng phòng Pháp luật Hình sự (Viện Nhà nước và Pháp luật) cho biết, việc Cơ quan ANĐT - Bộ Công an khởi tố và phát lệnh truy nã đối với ông Phan Văn Anh Vũ là hoàn toàn có cơ sở, cho thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc. Điều 263 Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định rõ về tội “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” mà ông Vũ “nhôm” bị khởi tố, theo đó, ông Vũ “nhôm” có thể phải đối diện với những mức án sau: Phạt tù từ 1-7 năm: Người nào cố ý làm lộ bí mật Nhà nước hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật Nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 80 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 2-7 năm; Phạt tù từ 5-10 năm: Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5-10 năm; Phạt tù từ 10-15 năm: Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10-15 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm. Như vậy, căn cứ vào các quy định trên thì có thể thấy mức phạt cao nhất cho tội “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước” gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là 15 năm tù. Ở đây, cơ quan điều tra sẽ xem xét hành vi của ông Vũ gây ra hậu quả thuộc mức nào thì căn cứ vào đó sẽ định mức khung hình phạt cụ thể, TS. Đinh Thế Hưng cho biết.
Liên quan đến vụ việc này, Luật sư Nguyễn Tiến Thủy (Trưởng Văn phòng Luật sư Việt Lý, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, bước đầu Cơ quan ANĐT - Bộ Công an ra quyết định khởi tố đối với ông Vũ “nhôm” về tội “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước”, phạm vào Điều 263 BLHS. Nhiều người thắc mắc ông Vũ “nhôm” là một doanh nhân vậy sao lại bị khởi tố về tội danh này? Theo luật thì những chủ thể nào có thể bị xử lý tội danh này? Luật sư Nguyễn Tiến Thủy cho rằng, về mặt chủ thể của tội phạm, đối với hành vi cố ý làm lộ bí mật Nhà nước thì phải là người có trách nhiệm quản lý bí mật Nhà nước. Nhưng đối với hành vi chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật Nhà nước thì bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định cũng phải chịu trách nhiệm. Ông Vũ “nhôm” có thể bị truy tố một trong các hành vi thuộc phạm vi quy định tại Điều 263 BLHS. Do đó việc ông không là người giữ chức vụ, quyền hạn gì trong cơ quan Nhà nước vẫn có thể bị truy tố với tội này là điều bình thường.
Trước đó, theo thông tin từ Cơ quan ANĐT - Bộ Công an, ngày 20/12, Cơ quan ANĐT, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Phan Văn Anh Vũ về tội “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước”. Căn cứ Quyết định khởi tố bị can số 47/ANĐT-P5 ngày 20/12/2017 của Cơ quan ANĐT - Bộ Công an đối với Phan Văn Anh Vũ, đã có hành vi “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước”, phạm vào Điều 263 BLHS. Sau khi xác định bị can không có mặt tại nơi cư trú ở số 82, Trần Quốc Toản, phường Hải Châu và không biết bị can ở đâu, Cơ quan ANĐT - Bộ Công an đã ra quyết định truy nã đối với Phan Văn Anh Vũ. Bị can Phan Văn Anh Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79; nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79 (nay là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Chấn Phong).
Vào chiều tối 21/12, Cơ quan ANĐT - Bộ Công an phối hợp với Công an TP. Đà Nẵng thực hiện lệnh khám xét nhà ông Vũ “nhôm”. Khoảng giữa năm 2017, dư luận có thông tin về thực trạng tại một số dự án của TP. Đà Nẵng, trong đó có những thương vụ bán nhà công sản có dấu hiệu sai phạm. Ngày 20/9, Bộ Công an có công văn đề nghị UBND TP. Đà Nẵng phối hợp với Bộ Công an để làm rõ vụ bán nhà công sản mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận. Bộ Công an yều cầu UBND TP. Đà Nẵng cung cấp thông tin, tài liệu quy định về quy trình, thủ tục, hồ sơ xin cấp phép, phê duyệt dự án xây dựng, giao nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước cho các tập thể, cá nhân của UBND TP. Đà Nẵng từ năm 2006 đến nay. Ngoài ra, Cơ quan ANĐT cũng đề nghị lãnh đạo địa phương cung cấp hồ sơ liên quan đến 9 dự án mua, thuê 31 nhà công sản tại Đà Nẵng.
Cụ thể, 9 dự án được xác định gồm: Dự án công viên An Đồn (năm 2010); Dự án khu đô thị Harbour Ville của Công ty Đầu tư Mega (năm 2008); Khu đất tại đường 2/9 Phan Thành Tài đường quy hoạch (năm 2012); Dự án Phú Gia Compoud (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, năm 2007); Khu dịch vụ du lịch nhà hàng Café-Bar và bến du thuyền khu vực trước Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP. Đà Nẵng phía Tây Cầu Rồng (năm 2015); Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước (giai đoạn 1: 181ha, năm 2008); Lô 12 Khu B4.1 thuộc Khu dân cư An Cư mở rộng (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, năm 2009); Khu đô thị sinh thái Phú Gia ven sông (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, năm 2010); Khu du lịch ven biển đường Trường Sa của công ty I.V.C (4,5ha, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, năm 2007). Hiện vụ án vẫn đang được Cơ quan ANĐT - Bộ Công an tiếp tục làm rõ.