Đối tượng Mơ đã nhiều lần mua giấy khám sức khoẻ giả của một số bệnh viện, sau đó bán lại cho người có nhu cầu để kiếm lời.
Thấy nhiều người có nhu cầu mua giấy khám sức khỏe nên mua về bán lại lấy lãi
Theo thông tin của Trung tá Đoàn Văn Đông - Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết, thời gian gần đây, trên địa bàn quận xuất hiện các đối tượng có hành vi làm giả giấy khám sức khỏe của các bệnh viện như Bệnh viện E, Bệnh viện Nam Thăng Long, Bệnh viện Giao thông vận tải... rồi bán cho sinh viên, người đi làm có nhu cầu. Sau nhiều ngày theo dõi đối tượng, chiều 11/6, tổ công tác Công an quận Bắc Từ Liêm phát hiện tại khu vực ngã tư Nhổn, phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm 1 nam thanh niên ngồi trên xe mô tô đang cầm trên tay một tập tài liệu để trong túi nilon trong suốt. Bí mật quan sát, tổ công tác xác định bên trong túi nhiều giấy khám sức khỏe khổ giấy A4, chưa có thông tin người khám nhưng đã có kết luận và hình dấu màu đỏ có chữ “Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông vận tải”. Tổ công tác đã tiến hành kiểm tra hành chính và nam thanh niên trình bày tên là Nguyễn Thành N, đang tạm trú tại phường Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm. N khai là shipper, giao hàng gồm những giấy khám sức khỏe do một người phụ nữ ở khu vực Trung Kính, quận Cầu Giấy, Hà Nội thuê. Tổ công tác đã đưa Nguyễn Thành N về trụ sở, lập biên bản để điều tra làm rõ. Tại cơ quan công an, N thừa nhận người phụ nữ thuê mình là Phạm Thị Hoa Mơ (SN 1996) hiện thuê trọ ở phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Đối tượng Phạm Thị Hoa Mơ tại cơ quan công an.
Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm đã triệu tập Mơ về trụ sở cơ quan công an để đấu tranh làm rõ. Tại đây, Mơ thừa nhận đã thuê N chuyển 20 giấy khám sức khỏe cho khách ở khu vực ngã tư Nhổn. Ngoài ra, Mơ còn tự nguyện giao nộp thêm 9 Giấy khám sức khỏe khổ A4 có dấu đỏ ghi Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông vận tải và 2 giấy khám sức khỏe khổ A3 đã dán ảnh có dấu đỏ ghi Bệnh viện E. Tất cả số giấy khám sức khỏe trên đều chưa điền thông tin của người khám nhưng đã điền thông tin kết quả các mục khám. Phạm Thị Hoa Mơ khai nhận, cuối tháng 4/2019, có nhu cầu mua giấy khám sức khỏe để đi xin việc nên đã lên mạng xã hội để tìm mua. Mơ đã tìm thấy facebook “Anh Lan” đăng bài bán giấy khám sức khỏe nên mua về để sử dụng. Sau đó, Mơ thấy nhiều người có nhu cầu mua giấy khám sức khỏe nên nảy ý định mua về để bán lại lấy lãi. Mơ trao đổi với người có nick Facebook “Anh Lan” để đặt hàng mỗi tuần. Theo đó, mỗi lần Mơ sẽ mua từ 10 - 20 giấy khám sức khỏe tùy vào lượng khách đặt. Mơ mua các loại giấy khám sức khỏe khổ A4 giá 25.000 đồng và bán ra với giá 50.000 đồng, giấy khám sức khỏe khổ A3 không giáp lai ảnh với giá 40.000 đồng và bán ra với giá từ 70.000-80.000 đồng; giấy khám sức khỏe khổ A3 có ảnh của khách với giá 80.000-90.000 đồng/tờ và bán ra với giá từ 120.000-140.000 đồng.
Giấy khám sức khỏe giả bị cơ quan công an thu giữ.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi mua bán giấy khám sức khoẻ giả
Liên quan đến vụ việc này, Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm tiến hành trưng cầu giám định mẫu dấu, mẫu chữ ký, chữ viết, chữ số trên các tài liệu thu giữ. Kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự CATP Hà Nội xác định dấu tròn “Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông vận tải trên mẫu cần giám định là giả, hình dấu tròn “Bệnh viện E” trên các mẫu cần giám định với hình dấu tròn “Bệnh viện E” trên mẫu so sánh không phải do cùng một con dấu đóng ra. Quá trình điều tra xác định, từ tháng 5/2019 đến thời điểm bị bắt, Phạm Thị Hoa Mơ đã 7 lần mua bán Giấy khám sức khỏe giả, thu lời bất chính gần 10 triệu đồng. Theo các điều tra viên, việc làm giả tài liệu, con dấu và buôn bán giấy khám sức khỏe giả không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành y tế mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi những giấy tờ giả đó được tiêu thụ trót lọt. Các cơ quan, tổ chức đã bị đánh lừa và không hề biết tình trạng sức khỏe thật sự của người lao động mà mình sử dụng. Ngoài ra, theo Điều 341-BLHS, nếu người mua biết đó là giấy tờ giả mà vẫn sử dụng thì có thể bị khởi tố hình sự. Để ngăn chặn được tình trạng rao bán giấy khám sức khoẻ giả tràn lan trên mạng xã hội, ngoài sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng thì mỗi người dân cần phải thay đổi nhận thức. Người có nhu cầu làm giấy khám sức khoẻ nên đến bệnh viện trực tiếp khám và làm đầy đủ các xét nghiệm. Đây không những là việc làm tốt cho bản thân mình mà còn đảm bảo quyền lợi cho mọi người.
Theo Luật sư Đào Xuân Hùng thuộc Đoàn luật sư TP. Hà Nội, những người sản xuất giấy khám sức khỏe giả có thể bị xem xét xử lý hình sự nếu đủ căn cứ cấu thành tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Với tội danh này, theo Bộ luật Hình sự 2017 thì người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.