Khởi tố đối tượng mua bán thận trái phép

31-01-2020 7:39 AM | Pháp luật

SKĐS - Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Quý Thiết (SN 1987, trú tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) về tội “Mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người” theo quy định tại Điều 154 - Bộ luật Hình sự.

Thực hiện môi giới mua bán thận do nhận thấy lợi nhuận cao

Trước đó, qua tài liệu của cơ quan điều tra, vào tháng 12/2019, Cục Cảnh sát hình sự (CSHS) - Bộ Công an nhận được đơn tố cáo của anh Đào Thanh An (SN 1984, trú tại tỉnh Bình Định) về việc Nguyễn Quý Thiết có hành vi chiếm đoạt số tiền 160 triệu đồng thông qua việc bán 1 quả thận của An. Tháng 1/2020, tổ công tác của Phòng 7 - Cục CSHS đã làm rõ xác định, do hoàn cảnh khó khăn, ngày 18/4/2019, Nguyễn Quý Thiết đã bán 1 quả thận cho ông Trần Văn Kim (SN 1963, địa chỉ tại huyện Thường Tín, TP. Hà Nội) với giá 300 triệu đồng tại bệnh viện. Nhận thấy việc môi giới cho các cặp hiến và ghép thận có thu nhập cao nên Thiết đã tham gia vào việc mua, bán thận.

Trong thời gian nằm bệnh viện, Thiết đã quen biết nhiều người có nhu cầu ghép thận, trong đó, có chị Phạm Thị Trang (SN 1993, trú tại tỉnh Thái Bình). Khoảng đầu tháng 5/2019, chị Trang cần ghép thận có gửi các thông tin, chỉ số của mình cho Thiết và nhờ đối tượng tìm người hiến thận có chỉ số phù hợp. Cùng thời gian này, Thiết vào tỉnh Thừa Thiên Huế chơi và gặp một nam giới tên là Hoàng (chưa rõ địa chỉ cụ thể) đã trao đổi về việc tìm người hiến thận có chỉ số phù hợp với chị Trang... Khoảng 2 ngày sau, Hoàng điện thoại cho Thiết thông báo đã tìm được người hiến thận là anh Đào Thanh An và đòi Thiết phải trả 60 triệu đồng tiền môi giới; đồng thời cũng phải trả cho An 220 triệu đồng tiền bán 1 quả thận. Ngay sau đấy, Thiết liên hệ với anh Nguyễn Cao Hưng (chồng chị Trang) yêu cầu phải trả 360 triệu đồng cho 1 quả thận để ghép, anh Hưng đồng ý. Thỏa thuận được tiền, Hoàng cho số điện thoại của An để Thiết liên lạc bảo anh này ra Hà Nội gặp. Tại Hà Nội, Thiết thuê 1 phòng ở chung cư Thanh Hà, quận Hà Đông cho An và bố trí người đưa anh này đi xét nghiệm tại bệnh viện. Mọi chi phí ăn, ở của An tại Hà Nội do Thiết chi trả. Sau khi xét nghiệm, thấy các chỉ số của An phù hợp với chị Trang nên Thiết điện thoại cho anh Hưng đưa vợ lên Hà Nội vào bệnh viện làm các thủ tục pháp lý rồi ghép thận. Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, Thiết đã làm giả đơn xin hiến thận của An để việc mua, bán thận được thuận lợi. Ngày 25/6, sau khi chị Trang ghép thận thành công, anh Hưng gặp Thiết ở khu vực trước cổng bệnh viện và trả cho Thiết số tiền 360 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, Thiết trả cho Hoàng 60 triệu đồng; mua thuốc điều trị cho anh An hết 20 triệu đồng và chuyển vào tài khoản của em gái An 60 triệu đồng để trả cho An; chi phí làm xét nghiệm cho An hết 30 triệu đồng, số tiền còn lại Thiết chi tiêu cá nhân.

Khởi tố đối tượng mua bán thận trái phépĐối tượng Nguyễn Quý Thiết.

Bước đầu cơ quan công an làm rõ, ngoài việc mua bán thận nêu trên, đối tượng Thiết còn liên quan đến ca ghép thận giữa Chu Khánh Dương, tỉnh Thái Nguyên bán thận cho Trần Văn Dũng, quê ở tỉnh Quảng Ninh. Sau khi ghép thận xong, Thiết được gia đình Dũng cho 40 triệu đồng do Thiết đã giới thiệu Dũng cho Dương.

Nhiều thủ đoạn “né” pháp luật

Theo lực lượng CSHS, trong quá trình điều tra các vụ án liên quan đến việc mua bán thận trái phép, các trinh sát phải đối mặt với một áp lực rất lớn đó là chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng và đồng phạm, xử lý theo quy định của pháp luật. Với thủ đoạn tinh vi và sự am hiểu về các quy định của pháp luật liên quan đến việc cấy và ghép thận, đối tượng điều hành đường dây mua, bán thận có nhiều chiêu trò tinh vi để qua mắt lực lượng chức năng, trong đó có việc hợp thức hóa việc mua bán nội tạng bằng các bộ hồ sơ hiến tặng.

Trong khi đó, ở nhiều vụ án, giữa người mua và người bán luôn có sự đồng thuận với nhau. Người bán thì cần tiền còn người mua thì có nhu cầu được thay thận. Vì thế, để thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ, chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng cũng như vai trò của các mắt xích khác không dễ dàng. Ngoài việc sử dụng thông tin cá nhân giả để lập tài khoản facebook, các đối tượng mua bán mô hoặc bộ phận cơ thể người còn có nhiều mánh khóe tinh vi để qua mắt lực lượng chức năng. Theo lời khai của các đối tượng, có những thủ thuật riêng để có thể xác định được đâu là người có nhu cầu mua nội tạng thực sự, đâu là không... Vì thế, chỉ những người thực sự có nhu cầu mua và bán thận, các đối tượng mới tiến hành giao tiếp. Quy trình lách luật cũng rất tinh vi. Sau khi tìm được người mua, tiến hành các thủ tục xét nghiệm theo quy định, các đối tượng yêu cầu gia đình họ viết giấy tờ, đơn xin được hiến thận. Trong trường hợp bị công an phát hiện đưa về đấu tranh, chúng thường khai là hiến tặng; tự nguyện cho thận. Còn số tiền giao dịch là để cảm ơn, bồi dưỡng... Được biết, theo quy định của pháp luật, hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người bị nghiêm cấm. Vì thế, để tránh bị các đối tượng móc túi, có nguy cơ trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người có nhu cầu hiến tặng và người bệnh cần đến các cơ sở y tế để tiến hành các thủ tục theo quy định.


Thế Vinh
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH