Ngày 20/10, Công an huyện Kim Bôi (Hòa Bình) đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam Bùi Đức Duy (SN 2007) và Bùi Thị Ngọc Ảnh (SN 2003, cùng trú tại xã Nuông Dăm, huyện Kim Bôi) về tội Gây rối trật tự công cộng.
Theo cơ quan công an, tối ngày 11/10, Ảnh, Duy cùng các đối tượng (Tài và Hùng) điều khiển xe mô tô nhiều lần đi qua Tổ công tác tuần tra, kiểm soát giao thông của Công an huyện Kim Bôi đang làm việc tại Km25, thuộc địa phận Thị trấn Bo – Kim Bôi – Hòa Bình.
Khi đi qua Tổ công tác, các đối tượng không đội mũ bảo hiểm, không chấp hành hiệu lệnh của Tổ công tác, phóng nhanh, lạng lách, đánh võng để thể hiện bản thân, thách thức tổ công tác gây mất an ninh trật tự, nguy hiểm cho các phương tiện khác tham gia giao thông và cho Tổ công tác.
Đến 0h25 ngày 12/10, Công an xã Nuông Dăm, huyện Kim Bôi đã truy bắt được các đối tượng và tạm giữ phương tiện vi phạm. Theo hồ sơ, Duy và Ảnh đều không có nghề nghiệp ổn định, thường xuyên đi làm ăn xa.
Đối với 2 đối tượng khác (Tài và Hùng), Cơ quan CSĐT Công an huyện Kim Bôi đang tiếp tục điều tra củng cố thông tin, tài liệu để xử lý theo quy định của pháp luật.
Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Thanh Nga cho biết, đây là những hành vi không những vi phạm trật tự an toàn giao thông mà còn gây nguy hiểm cho những người xung quanh. Các đối tượng đều biết là pháp luật cấm các hành vi như không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, lạng lách, đánh võng, thách thức CSGT, nhưng do thiếu ý thức chấp hành pháp luật nên họ vẫn thực hiện.
Bà Nga cho rằng, các đối tượng này thường là thanh thiếu niên, mà thanh thiếu niên thì luôn hiếu động, giàu năng lượng, thích cảm giác mạnh, thích thể hiện mình để chứng tỏ bản lĩnh hay đẳng cấp với người xung quanh, ưa đàn đúm theo nhóm có cùng sở thích...
Ngoài ra, nhu cầu được trải nghiệm cảm giác mạnh khi đối diện với nguy hiểm là đặc điểm tâm lý có thật ở một số người. Hoạt động mạo hiểm như đua xe giúp con người thỏa mãn nhu cầu đó.
Mặt khác, hạ tầng giao thông hiện nay ở nhiều địa phương rất tốt, phương tiện xe máy cá nhân đã phổ cập, tạo điều kiện cho những ai muốn cảm giác mạnh khi thực hiện hành vi đua xe.
Một nguyên nhân quan trọng khác đó là tình trạng nuông chiều, thiếu sự giám sát, buông lỏng quản lý con cái khá phổ biến ở nhiều gia đình. Cha mẹ không thường xuyên nắm bắt được tư tưởng, hành vi, sinh hoạt hàng ngày của con mình để giáo dục, uốn nắn. Chẳng hạn, nếu quan tâm đến con, bố mẹ sẽ nhận ra chiếc xe máy của con đã được thay đổi kết cấu... Đó là dấu hiệu của việc con tham gia đua xe, để kịp thời ngăn chặn.
Qua theo dõi hiện tượng tiêu cực này, có thể thấy các đối tượng tham gia đua xe trái phép phần lớn thuộc các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, thiếu sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ. Việc các gia đình giao xe cho các con khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe, con 12-14 tuổi mà đêm khuya vẫn chưa về nhà, là có phần trách nhiệm của cha mẹ.
Ở các trường học và trong các cộng đồng dân cư, việc tuyên truyền giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao.
Thời gian qua, công an các tỉnh đã tăng cường tổ chức truy bắt các quái xế đua xe trái phép nhưng chỉ dừng lại ở mức xử lý hành chính nên tác dụng răn đe, giáo dục chưa cao, các đối tượng "nhờn luật", tiếp tục vi phạm.