Khởi tố “bộ sậu” công ty kinh doanh đa cấp chiếm đoạt 700 tỷ đồng

02-06-2017 13:20 | Pháp luật
google news

SKĐS - Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 4 lãnh đạo Công ty TNHH Nhượng quyền thương mại Thăng Long...

Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 4 lãnh đạo Công ty TNHH Nhượng quyền thương mại Thăng Long (gọi tắt là Công ty Thăng Long) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đáng chú ý, Công ty Thăng Long đã dẫn dụ hàng vạn người tham gia mạng lưới đa cấp của mình và lợi dụng việc kinh doanh đa cấp thu của người tham gia khoảng 700 tỷ đồng, đến nay không có khả năng trả lại.

Nhiều sai phạm

Cụ thể, Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Phạm Ngọc Tuân, Giám đốc Công ty Thăng Long; Lê Văn Quang và Vũ Đình Hùng là Phó Giám đốc Công ty về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị can thứ 4 bị khởi tố cũng về hành vi nêu trên là Hoàng Hải Yến, Kế toán trưởng Công ty Thăng Long được cho tại ngoại.

Một buổi trao thưởng của Công ty TNHH Nhượng quyền thương mại Thăng Long.

Một buổi trao thưởng của Công ty TNHH Nhượng quyền thương mại Thăng Long.

Theo hồ sơ của Cơ quan công an, Công ty Thăng Long có địa chỉ trụ sở chính tại Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. Công ty Thăng Long được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp từ ngày 26/12/2014 và đã từng có tới hơn 20 đại lý trên phạm vi toàn quốc với hàng vạn người tham gia mạng lưới. Theo cơ quan chức năng, Công ty Thăng Long đã thu hút hàng vạn người tham gia mạng lưới đa cấp, lợi dụng việc kinh doanh (KD) đa cấp, từ đó thu được khoảng 700 tỷ đồng, đến nay không có khả năng trả lại.

Công ty đã tổ chức các chương trình bán hàng, trả thưởng theo mô hình kim tự tháp, cam kết thời gian thanh toán trong vòng 1 năm với các chương trình bán hàng như “Thăng Long năm pháo hoa”. Tuy nhiên, số tiền mà người tham gia được thu về, được thưởng rất thấp, không như tuyên bố của công ty.

Trước đó, vào ngày 2/8, Công ty Thăng Long đã bị Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương phạt 460 triệu đồng do hàng loạt vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp như: Không làm thủ tục sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp khi có thay đổi, bổ sung liên quan đến hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp... Công ty này cũng thực hiện ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp với cá nhân không đủ điều kiện tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật; duy trì nhiều hơn một hợp đồng bán hàng đa cấp đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp, không thực hiện nghĩa vụ thông báo đến Sở Công Thương nơi tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo theo quy định của pháp luật, vi phạm quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP. Đặc biệt, một trong những vi phạm nghiêm trọng khác của Công ty Thăng Long là đã đưa thông tin sai lệch, gây nhầm lẫn cho khách hàng về công dụng của hàng hóa như các sản phẩm: Nutrion 1, 2, 3, thực phẩm giải rượu MV...; và cản trở người tham gia bán hàng đa cấp trả lại hàng hóa...

Kể từ ngày 5/9/2016, Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương đã chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty Thăng Long trên phạm vi toàn quốc và yêu cầu công ty này phải có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ đối với người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật. Vụ án hiện đang được Cơ quan điều tra tiếp tục điều tra mở rộng.

Vi phạm kinh doanh đa cấp có thể bị phạt tù 5 năm

Liên quan đến những vi phạm KD đa cấp, Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 trình Quốc hội sáng 24/5 đã bổ sung tội “Vi phạm quy định về KD theo phương thức đa cấp”. Cụ thể, Điều 217a trong dự thảo luật quy định: “Người nào tổ chức hoạt động KD theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm: “Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; Gây thiệt hại cho người khác từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại cho người khác 1.500.000.000 đồng trở lên; Quy mô mạng lưới người tham gia từ 100 người trở lên. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Báo cáo giải trình về việc bổ sung tội “Vi phạm quy định về KD theo phương thức đa cấp”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, nếu KD theo phương thức đa cấp mà vi phạm quy định của pháp luật thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ra hậu quả rất lớn. Thực tế vừa qua, nhiều vụ KD đa cấp vi phạm quy định của pháp luật đã gây thiệt hại cho hàng chục nghìn người, chủ yếu là người dân nghèo ở các vùng nông thôn. Đa số ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung 1 điều luật mới về Tội vi phạm quy định về KD theo phương thức đa cấp để xử lý hình sự hành vi KD đa cấp trái phép, tránh để xảy ra hậu quả rồi mới xử lý về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như một số vụ án liên quan đến KD đa cấp vừa qua.


Hải Phong
Ý kiến của bạn