Hà Nội

Khởi tố 9 đối tượng sản xuất tân dược và thực phẩm chức năng giả

05-08-2019 06:24 | Pháp luật
google news

SKĐS - Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Công an TP. Hồ Chí Minh đã ra Quyết định khởi tố vụ án; khởi tố bị can với 2 đối tượng cầm đầu đường dây sản xuất thuốc giả “khủng” ở TP. Hồ Chí Minh cùng 7 bị can khác vì có liên quan đến vụ án về tội “sản xuất buôn bán hàng giả là thực phẩm”, “sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”.

Cụ thể, 9 bị can bị khởi tố gồm: Nguyễn Đình Lạc Thư, Nguyễn Đình Thái Dương, Trần Thị Châu Thanh, Thạch Đết, Nguyễn Đình Kính Như, Lê Văn Khối, Nguyễn Thành Xuân, Dương Văn Toản và Nguyễn Đình Bảo. Trong đường dây này, chủ mưu cầm đầu là Nguyễn Đình Lạc Thư - Phó Giám đốc Công ty TNHH TM Asia Pharmacy (trụ sở tại phường Tân Quy, quận 7) và Lê Văn Khôi - Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Đông Dược Việt (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh).

Đối tượng vi phạm ký vào biên bản tại hiện trường.

Đối tượng vi phạm ký vào biên bản tại hiện trường.

Theo Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, qua điều tra, khoảng cuối năm 2018, các trinh sát Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP.HCM phát hiện 1 đường dây làm thuốc giả cực “khủng” nên đeo bám củng cố hồ sơ để triệt phá. Ngày 25/7, tổ công tác của Đội 7 - Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TP.HCM phát hiện Nguyễn Văn Thanh Tuấn (SN 1972, ngụ huyện Bình Chánh) lái xe ôtô chở 20 thùng carton (chứa 4.000 hộp thực phẩm chức năng giả) giao cho đối tượng Nguyễn Đình Thái Dương (SN 1978) tại một căn nhà trong hẻm 64 đường Hòa Bình, phường 5, quận 11. Khám xét căn nhà trên, tổ công tác phát hiện 2 đối tượng đang sản xuất tân dược giả.

Cùng thời điểm trên, một mũi trinh sát khác kiểm tra tại Công ty Đông Dược Việt (tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh), phát hiện bên trong nhà xưởng đối tượng Lê Văn Khôi, Nguyễn Thành Xuân cùng 4 công nhân đang sản xuất thực phẩm chức năng (TPCN) giả nhiều nhãn hiệu.

Mở rộng khám xét 6 địa điểm liên quan đến đường dây sản xuất, chứa trữ, tiêu thụ TPCN và tân dược giả, cơ quan chức năng thu giữ nhiều phương tiện, dụng cụ dùng để sản xuất hàng giả gồm: 2 máy cán UV dùng để cán dấu bóng lên tem, nhãn của sản phẩm thuốc lợi gan, mật nhãn hiệu Bar, 1 khuôn kim loại để sản xuất vỏ chai nhựa và số lượng lớn tân dược, TPCN giả thành phẩm cùng hàng trăm kg nguyên liệu. Ước tính, tổng giá trị hàng hóa tân dược, TPCN giả bị tạm giữ trị giá tương đương hàng chục tỷ đồng (so với hàng thật).

Kết quả xác minh ban đầu xác định, đây là đường dây sản xuất, buôn bán các loại tân dược, TPCN giả nhãn hiệu các loại với quy mô lớn, phạm vi hoạt động tại nhiều quận, huyện tại TP.HCM và các tỉnh miền Tây với phương thức hoạt động rất tinh vi. 2 kẻ chủ mưu cầm đầu có nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất, mua bán tân dược và TPCN. Thư và Khôi đã tổ chức sản xuất sản phẩm của các công ty trong nước đang bán chạy trên thị trường.

Các loại tân dược, TPCN giả trong đường dây bị Công an TP. Hồ Chí Minh phát hiện, bắt giữ.

Các loại tân dược, TPCN giả trong đường dây bị Công an TP. Hồ Chí Minh phát hiện, bắt giữ.

Trong đường dây này, Nguyễn Đình Lạc Thư sử dụng địa điểm đặt hộ kinh doanh cá thể của mình trên đường Hòa Bình, phường 5, quận 11 để tổ chức sản xuất tân dược giả. Nguyễn Đình Ánh Dương, Nguyễn Đình Kính Như (SN 1983), Thạch Đết (SN 1992) và Trần Thị Châu Thanh (SN 1982) đều làm thuê cho Thư; Nguyễn Đình Bảo (ngụ quận 8), Dương Văn Toản (ngụ quận 10) là những đầu mối tiêu thụ tân dược và TPCN giả của Thư. Còn với đối tượng Lê Văn Khôi - Giám đốc Công ty Đông Dược Việt và Nguyễn Thành Xuân (nhân viên công ty) thực hiện sản xuất các loại TPCN giả để cung cấp cho Thư.

Cơ quan điều tra còn xác định, Công ty Asia Pharmacy có sản xuất các sản phẩm dạng bán thành phẩm, làm nguyên liệu cho Thư sản xuất hàng giả và các sản phẩm không đăng ký công bố tại Cục An toàn thực phẩm, có dấu hiệu giả sản phẩm của nhiều doanh nghiệp khác, như: sản phẩm viên giải rượu, sâm nhung bổ thận, Nga Phụ khang, Bảo Xuân, hoạt huyết dưỡng não... Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra làm rõ.

Liên quan đến vụ việc này, trước đó, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở Y tế TP.HCM yêu cầu kiểm tra xác minh.Theo đó, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh báo cáo cụ thể tình hình việc phát hiện, bắt giữ thuốc tân dược giả nêu trên về Cục Quản lý Dược. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh nội dung phản ánh nêu trên, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nếu có, báo cáo kết quả về Cục Quản lý Dược trước ngày 20/8/2019.

Theo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, qua rà soát cho thấy, Công ty TNHH Thương mại Asia Pharmacy (ở Quận 7) và Công ty TNHH dược phẩm Đông Dược Việt (ở huyện Bình Chánh) hiện không có đăng ký sản xuất kinh doanh dược. Tức là chưa được Sở Y tế cấp giấy chứng nhận thực hành tốt, phân phối thuốc GPP và chưa đủ điều kiện kinh doanh thuốc. Còn để xác định thuốc giả hay TPCN giả, cơ quan này sẽ phải phối hợp với cơ quan điều tra để xác minh.Hiện nay, Sở đang triển khai mạng kết nối các nhà thuốc, tăng cường bán thuốc kê đơn toàn thành phố, do đó sẽ góp phần hướng nhà thuốc đến việc phải mua thuốc có nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng và ổn định giá thuốc. Thời gian qua, mặc dù đã cố gắng kiểm soát nhưng hiện tượng mua bán thuốc giả, kém chất lượng vẫn tràn lan do việc chấp nhận các loại thuốc không có hóa đơn, giấy tờ xuất xứ. Đây chính là một kẽ hở để thuốc giả lưu hành.


Thanh Quang
Ý kiến của bạn