Khởi tố 5 đối tượng rao bán giấy khám sức khỏe giả

06-03-2020 07:40 | Pháp luật
google news

SKĐS - Ngày 5/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSÐT) - Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 5 đối tượng trong đường dây làm giả giấy khám sức khỏe của các bệnh viện.

Đầu tư 3-5 triệu đồng/ngày “chạy” quảng cáo để tiếp cận khách hàng

Cơ quan CSĐT - Công an quận Hoàn Kiếm đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 5 đối tượng gồm: Nguyễn Khắc Thật (SN 1988); Nguyễn Viết Quân (SN 1995); Nguyễn Khắc Tường (SN 1984), cùng trú tại xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, Hà Nội; Nguyễn Trường Quang (SN 1981, trú tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội); Trịnh Thanh Hường (SN 1984, trú tại xã Hồng Thái, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương).

Theo tài liệu của cơ quan công an, qua công tác nắm tình hình địa bàn và thu thập thông tin trên mạng xã hội, Công an quận Hoàn Kiếm phát hiện một trang web rao bán giấy khám sức khỏe của Bệnh viện Giao thông Vận tải với giá bán từ 50.000 đồng - 150.000 đồng/ giấy tùy loại. Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định Nguyễn Trường Quang cùng Trịnh Thanh Hường, là 2 đối tượng làm nhiệm vụ đi giao giấy khám sức khỏe cho khách hàng và trực tiếp thu tiền. Còn Thật và Quân sử dụng con dấu giả của Bệnh viện Giao thông Vận tải để sản xuất giấy khám và trực tổng đài điện thoại để trả lời khách hàng.Đáng chú ý, để tiếp cận nhiều khách hàng trên toàn quốc có nhu cầu làm giấy tờ giả, các đối tượng đã thuê quảng cáo trên mạng xã hội cho trang web với giá từ 3-5 triệu đồng/ngày.

Sau khi thu thập đầy đủ tài liệu chứng cứ, Công an quận Hoàn Kiếm đã bắt giữ các đối tượng. Cụ thể, ngày 8/11/2019, Cơ quan công an đã bắt quả tang Hường và Quang khi đang giao giấy khám sức khỏe cho khách, thu giữ 10 giấy khám sức khỏe đã dán ảnh đóng dấu giáp lai “Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông Vận tải”, nhưng không có thông tin của khách hàng; 1 điện thoại di động, 2 xe máy.

Qua đấu tranh, cơ quan công an xác định Nguyễn Khắc Thật và Nguyễn Viết Quân hiện đang thuê trọ tại phố Phan Đình Giót, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội để trực tiếp sản xuất giấy khám sức khỏe giả. Còn Quang và Hưởng hàng ngày sẽ đến phòng trọ của Thật lấy giấy khám sức khỏe đi giao cho khách. Tiến hành khám xét khẩn tại nơi ở của các đối tượng, thu giữ 1 con dấu ghi: “Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông Vận tải; 1 máy tính nhãn hiệu HP, 1 con dấu hình chữ nhật có ghi chữ “Đã thu tiền”; 21 giấy khám sức khỏe có xác nhận của bác sĩ, đóng dấu tròn Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông Vận tải”; 7 phiếu khám sức khỏe có dán ảnh, đóng dấu giáp lai và nhiều đồ vật, tài liệu khác có liên quan. Tiếp tục mở rộng vụ án, Công an quận Hoàn Kiếm đã bắt giữ Nguyễn Khắc Tường là anh trai ruột của Nguyễn Khắc Thật. Tường được phân công giữ các con dấu tên giả và đóng dấu tên bác sĩ, ký tên, viết kết quả vào giấy khám sức khỏe giả.

Khởi tố 5 đối tượng rao bán giấy khám sức khỏe giảTang vật một vụ mua bán giấy khám sức khỏe giả bị cơ quan công an thu giữ.

Thực trạng mua bán giấy khám sức khỏe giả chưa thuyên giảm

Theo cơ quan công an, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ mua bán giấy khám sức khỏe giả tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước nhưng trên thực tế, thực trạng này vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Theo các điều tra viên, việc làm giả tài liệu, con dấu và buôn bán giấy khám sức khỏe giả không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành y tế mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi những giấy tờ giả đó được tiêu thụ trót lọt. Đó là khi những người không đủ tiêu chuẩn sử dụng loại giấy này để được cấp giấy phép lái xe, giấy chứng nhận hành nghề, xin việc vào các cơ quan, đơn vị, thậm chí đi xuất khẩu lao động... Các cơ quan, tổ chức đã bị đánh lừa và không hề biết tình trạng sức khỏe thật sự của người lao động mà mình sử dụng. Để ngăn chặn được tình trạng rao bán giấy khám sức khỏe giả tràn lan trên mạng xã hội, ngoài sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng thì mỗi người dân cần phải thay đổi nhận thức. Người có nhu cầu làm giấy khám sức khỏe nên đến bệnh viện trực tiếp khám và làm đầy đủ các xét nghiệm.Đây không những là việc làm tốt cho bản thân mình mà còn đảm bảo quyền lợi cho mọi người.

Theo Luật sư Nguyễn Tiến Thủy - Văn phòng Luật sư Việt Lý (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo Bộ luật Hình sự 2017 thì người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.


Thế Vinh
Ý kiến của bạn