Festival Múa rối Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh lần đầu tiên được tổ chức hoặc chương trình “Đồng vọng rối Việt” diễn ra đầu năm 2018 cho thấy múa rối Việt vẫn không ngừng lan tỏa trong đời sống nghệ thuật nước nhà.
Từ khó khăn
Múa rối Việt (rối nước truyền thống, rối cạn) dù đã định vị được thương hiệu với khán giả trong và ngoài nước, tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.
Nhiều người trong nghề bày tỏ lo ngại, múa rối nước Việt là bộ môn nghệ thuật độc nhất vô nhị trên thế giới, tuy nhiên có một số tác phẩm chúng ta đã đưa người thật vào và diễn cả trên cạn làm cho múa rối nước bị mờ dần bản sắc. Bên cạnh đó, họa sĩ Ngô Quỳnh Giao từng cho rằng, trong thời đại cơ chế thị trường, múa rối đã trở thành sản phẩm du lịch, các buổi biểu diễn theo hợp đồng không đảm bảo về chất lượng; nó được làm hàng loạt, cẩu thả khiến sân khấu mất đi tính cầu kỳ, trang nghiêm, sự trân trọng với diễn viên. Ngoài ra, cũng có ý kiến đánh giá rối nước Việt chưa có nhiều không gian biểu diễn nên xảy ra hiện tượng rối nước được quốc tế quan tâm, nhưng khán giả trong nước lại ít chú ý tới.
Không chỉ rối nước truyền thống còn hạn chế, rối cạn Việt du nhập từ nước ngoài vào cũng bộc lộ không ít điểm yếu. Nhiều tiết mục rối cạn ở nước ta nếu không rơi vào sự mô phỏng sân khấu kịch người, bắt con rối biểu diễn tình cảm phức tạp, trò ít, lời nhiều, giáo lý khô khan không phù hợp với tâm sinh lý khán giả lại rơi vào hời hợt, dễ dãi. Chưa kể, nghệ thuật múa rối ở ta thiếu số lượng lớn đội ngũ kế thừa về biên kịch, đạo diễn, tạo hình. Khi những hạn chế về nhân lực và cơ sở vật chất cộng hưởng lại đã dẫn tới tình trạng diễn viên điều khiển con rối còn trơ, thậm chí còn “nói nhép”, “hát nhép”. Và những yếu tố này dẫn đến sự nhàm chán đối với người xem và không khơi dậy sức sáng tạo của các nghệ sĩ biểu diễn.
Một tiết mục biểu diễn tại Festival múa rối Việt Nam vừa diễn ra ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM).
Đến lan tỏa
Khó khăn, yếu kém của rối Việt kể trên là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, giới làm nghề không ngừng nỗ lực để khơi dậy sức sống của bộ môn nghệ thuật này. Mới đây, Festival Múa rối Việt Nam lần đầu tiên diễn ra ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP. Hồ Chí Minh) đã thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách quốc tế đến thưởng thức. Các tiết mục như: Hồn quê, Giai điệu quê hương, Phượt cùng bà lão đánh cá... do các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát nghệ thuật Phương Nam, Nhà hát Múa rối Hải Phòng, Trung tâm nghệ thuật Soul Music and Performing Arts Acedamy luôn chật kín khán giả.
Trong 3 đêm Festival vừa qua, các phần trình diễn rối que, rối tay, rối dây, rối bóng, rối mặt nạ, rối máy liên tục được các nghệ sĩ biểu diễn, đan xen tại 5 cụm sân khấu nhỏ và một sân khấu chính trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Qua Festival này, nhiều ý kiến đánh giá không chỉ là cách để chúng ta bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của múa rối Việt mà còn là cơ hội giới thiệu đến du khách “đặc sản” văn hóa dân tộc. Theo NSND Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, Festival nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của loại hình nghệ thuật truyền thống múa rối độc đáo của Việt Nam và là dịp để tiếp tục giới thiệu, quảng bá hình ảnh con người, đất nước, văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế. NSND Vương Duy Biên hy vọng Festival này sẽ tiếp tục được tổ chức trong những năm sau và trở thành “món ăn tinh thần” hấp dẫn, một thương hiệu văn hóa nghệ thuật, thu hút du khách đến với thành phố mang tên Bác.
Trong khi đó, từ đầu năm 2018 đến nay, Nhà hát Múa rối Việt Nam (361 Trường Chinh, Hà Nội) đã thực hiện tour du lịch nghệ thuật “Đồng vọng rối Việt” được khán giả trong và ngoài nước đánh giá cao. Đến với “Đồng vọng rối Việt”, khán giả hoàn toàn bị chinh phục bởi sự kết hợp hài hòa, đầy sáng tạo giữa rối nước và rối cạn cùng các màn trình diễn hát dân ca độc đáo. Những bài hát văn, hát phú mang giai điệu của âm nhạc dân gian kết hợp cùng các vũ điệu uyển chuyển, hấp dẫn, rực rỡ đã tạo nên một sự giao thoa đặc sắc giữa nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật đương đại. Nghệ thuật trang trí - sắp đặt với không gian kiến trúc Việt có thủy đình cổ kính lung linh giữa hồ nước cùng những mái ngói, cây đa, lũy tre, tạo nên khung cảnh gần gũi, mang đậm chất truyền thống của làng quê Việt.
Điểm đặc biệt của “Đồng vọng rối Việt” còn ở sự kết hợp giữa các tiết mục đặc sắc, đã từng đạt giải thưởng cao tại nhiều liên hoan múa rối uy tín quốc tế như: Rối chân, Đeo mặt nạ, Cô đôi thượng ngàn với các tiết mục múa rối truyền thống Chăn trâu, Chăn vịt, Sự tích Hồ Gươm... Chính vì thế, “Đồng vọng rối Việt” đã đem đến cho khán giả trong nước và du khách quốc tế một chương trình nghệ thuật tổng hợp độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.