Khơi thông dòng chảy cho bất động sản

30-03-2013 23:38 | Thời sự
google news

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP. Hà Nội, cho đến nay, toàn thành phố còn gần 6.000 căn hộ tồn đọng tại các dự án phát triển nhà.

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP. Hà Nội, cho đến nay, toàn thành phố còn gần 6.000 căn hộ tồn đọng tại các dự án phát triển nhà. Trong khi đó, theo Bộ Xây dựng, hàng trăm nghìn hộ gia đình tại Hà Nội có nhu cầu về nhà ở xã hội nhưng mới triển khai xây dựng khoảng 15.000 căn, trong đó bán ra khoảng 5.000 căn hộ. Như vậy, nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ là rất lớn. Theo ông Trương Hải Long - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, nguyên nhân chủ yếu của sự tồn đọng này là việc giải quyết bài toán cung cầu không tốt, trong thời gian qua, lượng cung hàng lớn nhưng chủ yếu tập trung vào dự án thương mại, dự án căn hộ chung cư, nhà ở thấp tầng, diện tích lớn giá cao. Bởi vậy, lượng sản phẩm chỉ đáp ứng cho số lượng ít khách hàng có khả năng tài chính. Trước bối cảnh đó, Thông tư 02 của Bộ Xây dựng hướng dẫn chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ có hiệu lực từ ngày 22/4/2013 - 31/12/2014 được kỳ vọng là tín hiệu khả quan, hỗ trợ giải cứu thị trường bất động sản. Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả thông tư này, cần có lộ trình cụ thể trong việc thực hiện, xác định vị trí cũng như cơ cấu số căn hộ cần chuyển đổi.

Thị trường bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn với lượng căn hộ còn tồn đọng tại các dự án phát triển nhà hiện nay là khá lớn. Điều đó đang đặt ra yêu cầu với các doanh nghiệp bất động sản cần điều chỉnh sản phẩm cung ra thị trường phù hợp nhu cầu người sử dụng. Trước tình hình đó, Thông tư số 02/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành ngày 8/3/2013 được các chuyên gia kinh tế cho rằng là “cứu cánh” để giải quyết vấn đề tồn đọng căn hộ nhà ở thương mại hiện nay.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra phải nắm bắt được nhu cầu của người dân, phải điều tra nhu cầu nhà ở một cách tương đối để xác định được lượng nhà ở xã hội như thế nào cho phù hợp. Liên quan đến vấn đề này, TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, căn hộ giá thấp thì không phải nơi nào cũng có người mua, vì thế phải điều tra xem ai mua, có người mua rồi thì mới tính được cầu và cung...

Việc chuyển đổi này đang được cho là giải pháp phù hợp với nhu cầu thực tế, vừa bảo đảm kích cầu giao dịch bất động sản, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vừa đáp ứng nhu cầu số đông của người dân. Tuy nhiên, để Thông tư 02 phát huy được hiệu quả, giải quyết khó khăn của doanh nghiệp thì việc cần thiết đầu tiên là triển khai thủ tục hành chính làm sao để đẩy nhanh đưa thông tư vào thực tiễn, thứ hai khi chuyển đổi dự án thương mại sang dự án nhà xã hội thì Nhà nước cần sớm hỗ trợ tài chính cho sự chuyển đổi này, đây là nguồn vốn góp phần cho chủ đầu tư triển khai dự án nhanh hơn để đưa vào sử dụng. Thông tư 02 của Bộ Xây dựng ra đời hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu dự án, các khu đô thị dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội hoặc các công trình dịch vụ khác là sự kỳ vọng lớn của thị trường nhằm giải tỏa lượng căn hộ còn tồn đọng hiện nay, giải quyết nhu cầu nhà ở của người dân. Tuy nhiên, để kiểm chứng được tính hiệu quả cần thời gian nhất định, cần sự nỗ lực của các bên có liên quan để từ chính sách đi vào cuộc sống nhanh và hiệu quả.

Mạnh Hùng


Ý kiến của bạn