Khởi sắc phim điện ảnh về cộng đồng LGBT

28-08-2019 09:26 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Nỗ lực kéo khán giả tới rạp, phim điện ảnh Việt gần đây có nhiều tác phẩm có đề tài gần gũi với đời sống tạo được hiệu ứng và thành công.

Trong đó, các nhà làm phim đã, đang có những tác phẩm về đề tài LGBT (cộng đồng người đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới) đem lại nhiều cảm xúc và góc nhìn mới với người xem.

Nhiều màu sắc

Chủ đề về cộng đồng LGBT ở Việt Nam vẫn là một đề tài mà giới làm phim “ngại” đưa lên màn ảnh bởi sự nhạy cảm. Tuy nhiên, đây luôn là đề tài hấp dẫn cho người làm nghệ thuật. Bởi trước hết so với các đề tài khác đây là mảnh đất màu mỡ còn nhiều góc khuất để người làm phim tha hồ tìm tòi, sáng tạo. Không phải khán giả nào cũng hiểu đồng tính, song tính là gì, người chuyển giới khác người đồng tính như thế nào? Tình yêu cùng giới khác tình yêu nam nữ ra sao? Do đó khai thác đề tài này, người làm nghệ thuật nếu làm tốt sẽ giúp khán giả tiếp cận và hiểu hơn về cộng đồng LGBT vốn sống khép kín, ít sẻ chia với xã hội.

Thưa mẹ con đi - phim khai thác về đề tài LGBT ra mắt khán giả gần đây và được nhiều người yêu thích.

Thưa mẹ con đi - phim khai thác về đề tài LGBT ra mắt khán giả gần đây và được nhiều người yêu thích.

Có thể nói, phim điện ảnh dành cho cộng đồng LGBT đã xuất hiện trong nhiều năm trở lại đây. Nhưng không ít đạo diễn e ngại vì nếu phim về cộng đồng LGBT “sai một ly đi một dặm”, sẽ bị phản ứng và tẩy chay từ khán giả. Trên thực tế, nhiều phim điện ảnh Việt từng ra rạp dù chỉ “pha” yếu tố về người đồng tính nhằm tăng tính giải trí nhưng vì làm chưa tới hoặc quá đà, lố và chọc cười là chính nên người xem mất cảm tình. Các phim điện ảnh Để mai tính 2, Nàng men chàng bóng, Cảm hứng hoàn hảo, Hot boy nổi loạn… dù doanh thu phòng vé không phải tệ song đã từng bị người xem bức xúc vì có những hình ảnh, chi tiết thiếu chuẩn mực về cộng đồng LGBT. Nhưng bên cạnh đó, một số phim ra rạp về đề tài LGBT gần đây cũng được đánh giá cao bởi cách làm nhân văn, sâu sắc như Lô tô, Lạc giới, Yêu...

Theo chia sẻ của một quản lý truyền thông của Trung tâm ICS (Tổ chức Bảo vệ và thúc đẩy quyền cho người LGBT Việt Nam), đề tài về giới LGBT nở rộ trong nghệ thuật những năm gần đây là xu hướng tất yếu, phản ánh hiện thực xã hội. Trải qua thời gian, cái nhìn của xã hội cũng thoáng hơn trước. Đây là cơ hội để những nhà làm phim tận dụng, mạnh tay khai thác đề tài vốn bị cho là nhạy cảm này. Không chỉ trong giới nghệ thuật mà ở hầu hết các lĩnh vực, người LGBT vẫn luôn hiện hữu và ngày càng có cuộc sống tích cực, cởi mở. Đó chắc chắn là nguồn cảm hứng để phim về đề tài này ra đời.

Liên tiếp “ghi điểm”

Phim điện ảnh Việt về cộng đồng LGBT tiếp tục nối dài và đang cho thấy dấu hiệu khởi sắc bởi cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2019, 2 bộ phim Việt về đề tài này đến với khán giả: Thưa mẹ con đi (đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh) và Ngôi nhà bươm bướm (đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh). Dù có cách thể hiện khác nhau, nhưng 2 phim điện ảnh này trong các suất chiếu sớm đã nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của khán giả.

Bộ phim Ngôi nhà bươm bướm được chuyển thể thành và lấy cảm hứng từ vở hài kịch La Cage aux Folles nổi tiếng tại Pháp (1973). Phim này khi được Việt hóa có một kịch bản ý nghĩa: Ai cũng có quyền được hạnh phúc. Khởi điểm từ một vở hài kịch đậm tính giải trí, nhưng nội dung thú vị đã tạo nên động lực cho các nhà sản xuất hóa phép cho nguyên tác. Ngôi nhà bươm bướm xoay quanh ngôi nhà có 2 người đàn ông - ông Cường (Quang Minh thủ vai) và ông Hân (NSƯT Thành Lộc) sống cùng nhau đã hơn 20 năm. Họ yêu thương, cùng nhau nuôi dạy con trai ruột của ông Cường là Hoàng (Liên Bỉnh Phát) như một gia đình dị tính với người bố và người mẹ. Hoàng một mực yêu thương dì Hân, người mà anh xem như mẹ ruột của mình trong 20 năm qua. Hoàng sau đó phải đứng trước một sự khó xử lớn: bố mẹ bạn gái muốn gặp gỡ gia đình Hoàng để bàn chuyện sui gia... Mượn câu chuyện cưới xin của đôi trẻ Hoàng và Mai, Ngôi nhà bươm bướm đặc tả chuyện tình cảm của 2 người đàn ông đồng tính lớn tuổi nhưng vẫn rất chung tình với nhau, đồng thời mang đến ý nghĩa gia đình là nơi có bố và mẹ và con, không kể đến giới tính của họ.

Trong khi đó, Thưa mẹ con đi là câu chuyện xoay quanh 2 nhân vật nam chính là Văn và Ian. Văn là Việt kiều Mỹ, từng theo học và đang làm việc tại xứ sở cờ hoa. Ian là người Việt quốc tịch Mỹ, theo gia đình sang đó định cư từ khi con nhỏ. Số phận rui rủi cả hai gặp gỡ và nảy sinh tình cảm với nhau, họ đã có với nhau những kỷ niệm thật đẹp cho đến khi Ian quyết định theo Văn về quê nhân dịp bốc mộ cha và ông nội... Theo nhiều khán giả đã xem Thưa mẹ con đi, kịch bản của phim khá tròn trịa, xây dựng nhân vật với tính cách rõ ràng, dẫn dắt tình tiết thuyết phục, thoại tự nhiên. Bộ phim không chỉ khắc họa tình cảm chân thành của 2 nhân vật chính mà còn xây dựng được quá trình đối mặt của họ đối với gia đình và định kiến xã hội đè nặng. Xem phim, khán giả không chỉ cảm thấy được tình yêu, mà cao cả là tình thân, tình cảm giữa người với người. Thưa mẹ con đi không chỉ truyền tải đến thông điệp cho cộng đồng LGBT hãy bước ra với thế giới bên ngoài để có thể sống thật với chính mình, mà còn cho những đứa con thấy được tình yêu thương bao la của người mẹ, cảm nhận được tình yêu, tình thân, tình cảm giữa người với người.


Sơn Tùng
Ý kiến của bạn