Hà Nội

Khói rơm rạ 'tấn công' người dân

09-05-2024 09:42 | Xã hội
google news

SKĐS - Tình trạng đốt rơm rạ tự phát khiến nhiều tuyến đường ở Thừa Thiên Huế bị khói “bủa vây”. Cơ quan chức năng cho rằng, việc đốt rơm vừa gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, thoái hóa đất canh tác.

Ghi nhận của PV những ngày đầu tháng 5, tại dọc tuyến Quốc lộ 1A (qua thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) và các tuyến Quốc lộ 49, Phú Mỹ - Thuận An, Tố Hữu, Hoàng Quốc Việt…người dân đốt rơm rạ, khói bao trùm gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Việc đốt rơm rạ tràn lan, đồng loạt diễn ra tạo thành những đám khói như sương mù "bủa vây" các tuyến đường, làm giảm tầm nhìn, tạo nên một bầu không khí ngột ngạt, khó chịu.

Khói rơm rạ 'tấn công' người dân- Ảnh 1.

Người dân đốt đồng gây bụi mù mịt.

Thường xuyên lưu thông trên Quốc lộ 49, anh Trần Công Định (trú huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) cho biết, thời tiết nắng nóng gay gắt lại thêm việc người dân đốt rơm rạ tạo nên những đám khói mù mịt  khiến không khí thêm ngột ngạt và rất khó chịu.

"Vẫn biết phải chia sẻ, thông cảm cho người nông dân nhưng không vì thế mà làm ảnh hưởng đến môi trường chung và người khác. Cơ quan chức năng cần có giải pháp tuyên truyền, vận động, cũng như có chế tài xử lý mạnh tay trong vấn đề này", anh Định nói.

Khói rơm rạ 'tấn công' người dân- Ảnh 2.

Dù các địa phương tăng cường tuyên truyền, có chế tài xử lý tuy nhiên tình trạng đốt đồng vẫn xảy ra.

Trao đổi với PV, lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, theo quan niệm của người dân, việc đốt rơm rạ có nhiều cái lợi như không tốn công, chi phí xử lý rơm, đồng thời giúp tiêu diệt được mầm mống dịch hại và một phần cỏ dại có trên đồng ruộng.

Tuy nhiên, thực tế việc làm này gây ra những tác hại lớn hơn gấp nhiều lần so với những lợi ích mà nó mang lại. Cụ thể, việc đốt rơm vừa gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân vừa gây lãng phí nguồn tài nguyên, làm thoái hóa đất canh tác.

Khói rơm rạ 'tấn công' người dân- Ảnh 3.

Theo cơ quan chức năng, việc đốt rơm rạ tạo khói, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, thoái hóa đất canh tác.

Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường cho hay, trong những lúc cao điểm của mùa gặt tại các địa phương, phần lớn rơm rạ sau thu hoạch được bà con xử lý bằng cách đốt. Khắp các ngả đường từ làng quê đến thành phố khói bao trùm.

"Với lượng khói dày đặc, mù mịt sẽ làm giảm tầm nhìn, khó khăn cho các phương tiện khi tham gia giao thông. Khói từ đốt rơm khi trùng với những ngày nắng nóng oi bức khiến cho không khí càng ngột ngạt hơn", lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường nói.

Khói rơm rạ 'tấn công' người dân- Ảnh 4.

Tuyến đường bị khói từ việc đốt đồng "bủa vây".

Ông Lý Thành Trung, Phó Chi cục Bảo vệ môi trường cho hay, qua ghi nhận thực tế năm nay ở nhiều địa phương đã đầu tư máy cuốn rơm rạ nên việc đốt có giảm hơn trước.

"Nghị định 45 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Hành vi đốt rơm rạ, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân sẽ bị xử phạt. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 41 của Nghị định quy định, xử phạt tiền từ 2,5-3 triệu đồng đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính", ông Trung cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế có văn bản hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi đốt rơm, rạ sau thu hoạch. Lực lượng chức năng yêu cầu các địa phương tăng cường thu gom, tận dụng tối đa lợi ích của rơm, rạ, các phụ phẩm từ cây trồng sau thu hoạch vào các mục đích khác nhằm tăng hiệu quả sử dụng và thân thiện với môi trường.

Video người dân đốt đồng khiến nhiều tuyến đường bị khói "bủa vây".

Những hệ luỵ nghiêm trọng từ khói đốt rơm ra: Xử lý thế nào?Những hệ luỵ nghiêm trọng từ khói đốt rơm ra: Xử lý thế nào?

SKĐS - Đã có 8 chuyến bay trong ngày 24/3 đến Điện Biên buộc phải quay đầu do khói đốt rơm rạ. Việc đốt rơm rạ gây ra loạt hệ luỵ, không chỉ gây mất an toàn giao thông mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường, sức khoẻ.


Hoàng Dũng
Ý kiến của bạn