Một số quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động Việt Nam về cơ bản đã khống chế được sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, từng bước nới lỏng các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội để khởi động lại và tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế, trong đó có việc tiếp nhận trở lại lao động nước ngoài vào làm việc.
Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các DN hoạt động dịch vụ đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài xác lập tình trạng bình thường mới.
Thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Công văn số 1945/LĐTBXH-QLLĐNN yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, xác định trạng thái bình thường mới, từng bước khôi phục và thúc đẩy hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước nước ngoài theo hợp đồng.
Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trên tinh thần tập trung đẩy mạnh các hoạt động phục hồi kinh tế, xác lập tình trạng bình thường mới trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng.
Yêu cầu các doanh nghiệp dịch vụ nghiêm túc thực hiện các hướng dẫn của cơ quan chức năng địa phương về phòng, chống dịch COVID-19 trong công tác tư vấn, tuyển chọn, đào tạo người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Kết hợp đào tạo trực tuyến đối với người lao động chưa thể tập trung đào tạo trực tiếp.
Doanh nghiệp cũng phải chủ động trao đổi với đối tác nước ngoài trên cơ sở chính sách, quy định sở tại về xuất, nhập cảnh và tiếp nhận lao động nước ngoài để đảm bảo người lao động nhập cảnh hợp pháp, an toàn, đảm bảo tối đa quyền lợi của người lao động trong trường hợp phải thực hiện cách ly sau khi nhập cảnh.
Bên cạnh đó, thực hiện đầy đủ các chế độ tiền lương, sinh hoạt của người lao động theo hợp đồng đã ký và quy định sở tại trong trường hợp phải khám, chữa bệnh; giãn, giảm giờ làm, nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu chậm nhất 5 ngày trước ngày người lao động xuất cảnh, doanh nghiệp cập nhật thông tin về người lao động trên hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời báo cáo cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài để phối hợp, theo dõi.
Trước đó, vào cuối tháng 2 năm 2020, trước diễn biến phức tạp mới của dịch COVID-19, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã yêu cầu các doanh nghiệp dịch vụ không đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tại các khu vực có dịch COVID-19.
Doanh nghiệp phải đảm bảo việc khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế cho người lao động trong trường hợp nghi nhiễm, nhiễm bệnh; Triển khai thông tin đầy đủ, rõ ràng tới người lao động các chính sách người lao động được hưởng, trách nhiệm người lao động phải thực hiện liên quan đến phòng chống dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, doanh nghiệp cần quán triệt người lao động chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về y tế của cơ quan chức năng Việt Nam và nước, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động. |