Mùa tuyển sinh năm 2023, ngoài phương thức xét tuyển truyền thống như dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển học bạ, tuyển thẳng, nhiều trường đại học lớn tự tổ chức các kỳ thi riêng như đánh giá tư duy, đánh giá năng lực để xét tuyển đại học hệ chính quy, mở thêm cơ hội cho người học.
Tính đến nay, ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT còn có đến 10 kỳ thi khác được tổ chức, sử dụng kết quả để xét tuyển đại học, tăng thêm 3 kỳ thi riêng so với năm ngoái.
Ngoài một số kỳ thi được tổ chức với quy mô rộng như các đợt thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội, thì Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM lần đầu tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh và chỉ tiêu cho phương thức này chiếm từ 10% đến 15%. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng lần đầu tổ chức kỳ thi chuyên biệt. Kết quả kỳ thi này được 8 trường sư phạm sử dụng để xét tuyển. Trường ĐH Cửu Long cũng tổ chức thi riêng ba môn Toán, Hóa, Sinh để xét tuyển cho các ngành dược, điều dưỡng và kỹ thuật xét nghiệm y học. Trường ĐH Việt Đức cũng tổ chức tuyển sinh đầu vào với số lượng chỉ tiêu cho phương thức này chiếm khoảng 70% tổng chỉ tiêu...
Việc có quá nhiều kỳ thi riêng để xét tuyển đại học liệu có gây áp lực cho thí sinh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, hiện nay có 10 kỳ thi khác nhau nhưng phân bổ ở 2 miền và chia theo các lĩnh vực khác nhau nên thực tế thí sinh không phải lựa chọn tham gia nhiều kỳ thi, thường là một hoặc cùng lắm là 2 kỳ thi.
Như kỳ thi đánh giá năng lực của 2 Đại học Quốc gia mang tính phổ quát rộng hơn; Kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa tập trung vào lĩnh vực tự nhiên, khoa học kỹ thuật, công nghệ; Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội cũng tập trung vào khối ngành sư phạm…
"Tôi vẫn khuyên thí sinh không nhất thiết phải tham gia nhiều kỳ thi. Các em chỉ cần tham gia 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT và 1 kỳ thi riêng là đủ. Bên cạnh đó, kỳ thi nào cũng sẽ tập trung đánh giá năng lực, kết quả học tập bậc phổ thông, do đó không phải tham gia nhiều kỳ thi sẽ tạo thêm áp lực cho thí sinh".
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, tiến tới cũng sẽ không có quá nhiều kỳ thi diễn ra, bởi các trường khi tổ chức cũng cần tính đến hiệu quả, chất lượng của kỳ thi này. Để tổ chức kỳ thi hiệu quả không hề dễ dàng, cách tốt nhất là các trường hợp tác, liên kết theo nhóm, cùng xây dựng, cùng tổ chức một số kỳ thi, nếu chỉ dừng lại ở 1 -2 kỳ thi là tốt nhất.
Với ngành đặc thù như Y Dược, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, chúng ta đang đặt quá nhiều yêu cầu vào các ngành đặc thù. "Tuyển sinh đầu vào ngành Y Dược cũng dựa trên những môn khoa học cơ bản, không nhất thiết ngành Y Dược sẽ phải tổ chức kỳ thi riêng, bởi đây không phải kỳ thi sau khi tốt nghiệp, mà là yêu cầu đầu vào cho nên không thể mỗi lĩnh vực lại có 1 kỳ thi riêng".
Hiện nay, nhóm trường Y Dược chủ yếu vẫn xét điểm thi tốt nghiệp bởi kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi duy nhất được tổ chức thống nhất trong cả nước, thí sinh mọi vùng miền đều có thể tiếp cận. Kết quả của kỳ thi này là thước đo chung, các trường có thể tin tưởng, sử dụng để xét tuyển.
Với Trường Đại học Y Hà Nội, GS. Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, dự kiến phương thức tuyển sinh năm nay tương tự năm ngoái. Theo đó, trường xét tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, chiếm khoảng 25% chỉ tiêu. Phần còn lại xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Nếu có điểm IELTS từ 6,5 trở lên hoặc tương đương, thí sinh được cộng tối đa 3 điểm.
Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, do Bộ GD&ĐT đã đảm bảo tính khách quan, chính xác và có thể phân loại thí sinh của kỳ thi tốt nghiệp THPT, việc các trường vẫn sử dụng kết quả từ kỳ thi này để xét tuyển là điều dễ hiểu, còn kỳ thi riêng có thể diễn ra hay không phụ thuộc vào sự sẵn sàng của các trường.
Một số điều chỉnh trong quy chế tuyển sinh đại học năm nay
Bộ GD&ĐT cho biết, quy chế tuyển sinh đại học năm nay cơ bản giữ ổn định như năm ngoái, một số điều khoản có hiệu lực từ năm 2023 như điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ giảm dần.
Năm 2023, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các cơ sở đào tạo phân tích, thống kê kết quả của các phương thức xét tuyển; đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo phương thức xét tuyển; loại bỏ các phương thức xét tuyển không hiệu quả; có phương án xét tuyển để đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển; phải đưa đúng, đủ, chính xác thông tin thí sinh trúng tuyển sớm theo quy định; nghiên cứu sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT làm điều kiện sơ tuyển…
Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện quy trình tuyển sinh, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1 để sinh viên có thể nhập học ngay đầu tháng 9. Bộ GD&ĐT tiếp tục nâng cấp hệ thống áp dụng công nghệ để hạn chế các nhầm lẫn của thí sinh; tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh, hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá tình đăng ký xét tuyển, đơn giản hoá giao diện đăng ký xét tuyển. Thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống chỉ theo ngành đào tạo.
Bộ GD-ĐT cũng bổ sung chức năng để các cơ sở đào tạo cập nhật kết quả điểm đánh giá năng lực, đánh giá tư duy… (nếu có) lên hệ thống. Các cơ sở đào tạo có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển, giảm thiểu tối đa việc phải tổ chức xét tuyển sớm. Đơn giản hoá việc đăng ký xét tuyển, thí sinh đăng ký xét tuyển theo mã xét tuyển/ngành, giảm tối đa nhầm lẫn.