Hà Nội

Khối lồng ruột của bé 10 tháng tuổi quá chặt buộc phải dùng kỹ thuật nội soi

13-03-2021 13:04 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Do khối lồng ruột quá chặt nên các bác sĩ quyết định tháo lồng ruột cho bệnh nhi bằng phương pháp phẫu thuật nội soi....

Thầy thuốc Khoa Ngoại Nhi tổng hợp, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ vừa thực hiện phẫu thuật nội soi điều trị thành công cho một bé trai 10 tháng tuổi bị lồng ruột cấp, thể lồng hồi đại tràng.

Bé trai V.Đ.T (trú tại xã Hoàng Cương, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) được gia đình đưa vào khám tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ trong tình trạng quấy khóc theo cơn, thể trạng yếu.

Sau khi thăm khám cho bệnh nhi kết hợp với các kết quả cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị lồng ruột.

Để tháo khối lồng ruột, các bác sĩ thực hiện bơm hơi vào đại tràng qua hậu môn của bệnh nhi để đẩy khối lồng ra.

Tuy nhiên, do khối lồng quá chặt nên các bác sĩ quyết định tháo lồng ruột cho bệnh nhi bằng phương pháp phẫu thuật nội soi.

Hình ảnh nội soi tháo khối lồng ruột cho bệnh nhi.

ThS.BS. Nguyễn Đức Lân – Trưởng Khoa Ngoại Nhi tổng hợp, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho biết, trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện bệnh nhi bị lồng ruột thể lồng hồi hồi đại tràng.

Khối lồng rất chặt, các quai ruột phù nề, xung huyết nhiều.

Qua ngả nội soi, các bác sĩ cố gắng giải phóng phần ruột bị mắc kẹt của bệnh nhi.

Sau tháo lồng, các bác sĩ kiểm tra thấy quai ruột tưới máu tốt, không có vị trí thủng ruột, phần quai ruột bị lồng cũng được bảo tồn.

Sau phẫu thuật, bệnh nhi được theo dõi tại khoa, sử dụng kháng sinh, nhịn ăn và nuôi dưỡng tĩnh mạch ngày đầu.

Ngày thứ 2 sau mổ, bệnh nhi trung tiện được, bụng mềm nên được cho ăn qua đường miệng.

Bác sĩ thăm khám cho trẻ sau phẫu thuật.

Hiện tại, sau 6 ngày được phẫu thuật, tình trạng sức khỏe bệnh nhi hoàn toàn ổn định và được cho xuất viện.

Theo các bác sĩ, lồng ruột là một bệnh lý nghiêm trọng, trong đó 80-90% các bệnh nhân là trẻ dưới 1 tuổi, là nguyên nhân hàng đầu gây tắc ruột ở trẻ em.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đoạn ruột bị lồng vào nhau sẽ bị hoại tử, dẫn đến thủng ruột và gây viêm phúc mạc (màng bụng).
Trẻ có biểu hiện đau bụng từng cơn, khóc thét đột ngột, dữ dội, trẻ ưỡn người, xoắn vặn...
Cơn đau bụng có thể làm trẻ ngừng chơi, bỏ bú; Nôn: ở giai đoạn đầu lồng ruột, trẻ bị nôn ra thức ăn. Ở giai đoạn muộn, trẻ có thể nôn ra dịch xanh hoặc dịch vàng; Đại tiện ra máu: thường xuất hiện ở giai đoạn muộn, trẻ có thể đại tiện ra máu đỏ hoặc nâu, phân có nước nhầy; Với những trẻ đang bị sốt, ho, nhiễm siêu vi hay những trẻ đã từng bị lồng ruột thì triệu chứng trẻ đột ngột quấy khóc từng cơn cũng là một dấu hiệu nghi ngờ bị lồng ruột...
Do lồng ruột diễn biến rất nhanh nên ngay khi trẻ có biểu hiện khóc thét, bỏ bú và nôn ói nhiều, phụ huynh cần đưa trẻ đi cấp cứu ngoại khoa.
Các bác sĩ sẽ xác định bệnh qua thăm khám, siêu âm, chụp X-quang ruột, chụp CT.

 


Hà Nguyệt
Ý kiến của bạn