Khói hương - Nguồn cơn gây hen phế quản

17-01-2012 11:48 | Y học 360
google news

Thắp hương trên bàn thờ tổ tiên là một nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong các dịp giỗ chạp, lễ Tết.

Thắp hương trên bàn thờ tổ tiên là một nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong các dịp giỗ chạp, lễ Tết. Tuy nhiên, khói hương lại chứa các hoạt chất độc hại như benzen, toluene, xylenes… là nguyên nhân trực tiếp gây kích ứng đường hô hấp, có thể dẫn đến hen, ung thư hoặc tử vong.

Một ngày cuối tháng 12/2011, bà Hà Thị N. (51 tuổi, ở Cẩm Khê, Phú Thọ) được người nhà đưa vào Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốt cao, tức ngực, khó thở, ho nhiều, lồng ngực co kéo, huyết áp cao (180/100mHg), dùng thuốc cắt cơn hen phế quản nhưng không đỡ. Đây là một trong nhiều lần bà N. được đưa đến Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng để điều trị cùng một biểu hiện bệnh nhưng lần này bệnh tình lại nặng và nguy kịch.
 
Theo lời kể của bà N. thì cách đây khoảng 20 năm, bà lập điện thờ tại nhà, hàng ngày thắp hương cúng, lễ. Nhưng khoảng vài năm gần đây, bà bắt đầu xuất hiện các cơn khó thở, càng ngày bệnh càng nặng. Sau nhiều lần khám và điều trị, các bác sĩ đã xác định được thủ phạm gây ra căn bệnh của bà N. là do dị ứng khói hương.

Tại sao khói hương gây bệnh?

Lý giải về nguyên nhân gây nên hiện tượng dị ứng với khói hương, PGS.TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Trung tâm Dị ứng và miễn dịch lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trước đây, các nguyên liệu làm hương đa số có nguồn gốc từ  cây trầm. Nhưng hiện nay, do thị hiếu rất ưa chuộng loại hương cuốn tàn (loại hương khi thắp lên, thân cuốn cong) vì quan niệm của nhiều người cho rằng như vậy mới có lộc. Để có được loại hương cuốn tàn này, một số nhà sản xuất đã tẩm hóa chất axít phosphoric (H3PO4) để ngâm tăm hương, nhiều trường hợp bột làm thân hương được trộn lẫn mùn cưa và một số hóa chất có mùi hương tự nhiên.
 
Khi bị đốt cháy, hóa chất có trong tăm hương và bột làm than hương sẽ theo khói hương tỏa ra, nếu hít phải nhiều lần trong phòng kín có thể gây khởi phát cơn hen. TS. Đoàn cho biết: Hen phế quản là một bệnh có rất nhiều nguyên nhân gây nên như: yếu tố di truyền; dị ứng và cơ địa dị ứng; nhiễm khuẩn đường hô hấp; ô nhiễm môi trường; nghề nghiệp; khói thuốc lá; thức ăn; thời tiết. Ngoài ra còn có các dị nguyên làm khởi phát cơn hen như: bụi nhà, nấm mốc, các chất thải sinh hoạt, phấn hoa, lông súc vật... Đáng lưu ý, khói hương cũng là nguyên nhân gây ra chứng khó thở, là dấu hiệu khởi phát của cơn hen phế quản ở những người có cơ địa dị ứng với khói hương hoặc ở người sẵn có bệnh hen phế quản. Bệnh nhân N. là một trong rất nhiều trường hợp bị dị ứng với khói hương mà bệnh viện đã tiếp nhận khám và điều trị.
 Lòng phế quản bị chít hẹp dần trong bệnh hen phế quản.

Hạn chế tiếp xúc

 

Để hạn chế tình trạng khởi phát cơn hen, điều quan trọng nhất đối với người bệnh là không tiếp xúc với dị nguyên. Bà N. phải nhập viện nhiều lần để điều trị tình trạng khó thở và một loạt các biểu hiện nghiêm trọng khác kèm theo của bệnh hen phế quản có thể do bà vẫn thường xuyên tiếp xúc với yếu tố kích phát là khói hương. Điều này không chỉ làm cho bệnh kéo dài dai dẳng, ngày càng nặng hơn mà còn ảnh hưởng đến những bộ phận khác của cơ thể. Hiện nay, khí hậu lạnh ẩm là một trong những yếu tố rất dễ gây khởi phát cơn hen. V
 
ì vậy, theo lời khuyên của các chuyên gia dị ứng miễn dịch lâm sàng, để kiểm soát tốt bệnh hen phế quản, trước tiên, người bệnh cần giữ ấm cơ thể, cần tránh và hạn chế tiếp xúc với các yếu tố gây kích phát cơn hen như: dị nguyên (lông, chất thải của các vật nuôi, gián và nấm mốc, phấn hoa, khói bụi), hóa chất và một số thuốc;  bỏ hút thuốc, tránh khói thuốc, giảm hoặc tránh ô nhiễm nghề nghiệp, tránh dùng các thức ăn hoặc thuốc gây dị ứng; phòng tránh và điều trị triệt để các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp… để giảm nguy cơ khởi phát cơn hen. Điều quan trọng là các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, hãy là “thầy thuốc của chính mình”.
 
Người bệnh hen phải thực hiện kiểm soát tốt theo chỉ dẫn để tránh cơn hen ác tính có thể nguy hiểm tính mạng. Bên cạnh đó, còn cần có chế độ sinh hoạt, làm việc và dinh dưỡng hợp lý để nâng cao thể trạng. Khi có các biểu hiện bất thường, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. 

 

Theo kết quả nghiên cứu của Dự án phòng chống hen phế quản của Bộ Y tế (2004-2010) cho thấy: Nước ta hiện có khoảng 3,6 triệu người mắc hen, trong đó khoảng 70% bệnh nhân hen phế quản chưa được điều trị dự phòng; mỗi năm tử vong từ 3.000-4.000 người; tỉ lệ tử vong do hen cao nhất ở Nghệ An (16,72%), kế đến là Tuyên Quang (5,45%), Nam Định (4,18%). Nguyên nhân nằm ở mức độ trầm trọng của bệnh tật một phần, còn phần lớn do sự lơ là điều trị dự phòng hen trong cộng đồng.

Vũ Khánh Hồng


Ý kiến của bạn