Khởi động triển khai thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày

05-04-2021 10:52 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Việc cấp thuốc Methadone nhiều ngày sẽ mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân: Tiết kiệm chi phí, giúp duy trì và tuân thủ điều trị, bệnh nhân có nhiều thời gian dành cho công việc và cuộc sống hơn... nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người bệnh...

Ngày 5/4/2021, Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với Sở Y tế tỉnh Lai Châu đã tổ chức sự kiện “Khởi động cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện” tại tỉnh Lai Châu. Như vậy, Lai Châu cùng với Điện Biên và Hải Phòng là ba tỉnh/thành phố chính thức được lựa chọn khởi động triển khai thí điểm và bắt đầu cấp thuốc Methadon cho người bệnh mang về cùng một thời điểm.

TS Nguyễn Hoàng Long phát biểu tại sự kiện. 

Nghiện ma túy nói chung và nghiện các chất dạng thuốc phiện nói riêng hiện được coi là bệnh mạn tính của não bộ, chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị. Trong khi đó, các giải pháp cai nghiện hiệu quả chưa cao, tỷ lệ tái nghiện trên 90%. Trên thế giới, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đang được coi là giải pháp ưu việt nhất, đã được triển khai từ năm 1965 và mở rộng ra trên 80 quốc gia.

Tại Việt Nam, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã được triển khai từ năm 2008. Tính đến nay cả nước có hơn 52.000 người bệnh đang được điều trị Methadone ở hơn 330 cơ sở điều trị tại 63 tỉnh/thành phố. Tỷ lệ tuân thủ điều trị sau 6 tháng đạt tới 83%, được đánh giá xếp loại tốt (theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới là 80%).

Tuy nhiên, sau hơn 12 năm triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cũng đã bộc lộ một số hạn chế: Tỷ lệ tiếp cận điều trị còn thấp cũng như tuân thủ điều trị rất khác nhau giữa các khu vực, tỷ lệ người bệnh bỏ điều trị khá cao. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bỏ trị là do người bệnh không đủ kiên trì để tiếp tục điều trị khi phải đến cơ sở y tế uống thuốc hàng ngày trong một thời gian liên tục nhiều năm. Một số người bỏ trị do đặc thù công việc như: Công nhân không có thời gian đi uống thuốc hàng ngày trong giờ hành chính; hoặc lái xe, ngư dân phải đi làm việc xa nhà thường xuyên không thể đến uống thuốc hàng ngày; hoặc một số người bệnh không thể tuân thủ điều trị do phải đi công tác, du lịch hoặc có việc đột xuất… Để giảm vấn đề bỏ trị do phải đến cơ sở y tế uống thuốc hàng ngày, các quốc gia trên thế giới đã triển khai cho người bệnh tuân thủ điều trị tốt được mang thuốc Methadone về sử dụng tại nhà.

Việc cho người bệnh mang thuốc Methadone nhiều ngày sẽ giảm thời gian đi lại, giảm các chi phí liên quan đến đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh được tiếp cận, duy trì và tuân thủ điều trị mà vẫn đảm bảo thời gian cho công việc, sinh hoạt, từ đó giúp cải thiện việc điều trị cho người bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng sự hài lòng của bệnh nhân và gia đình đối với cơ sở điều trị Methadone. Việc cấp thuốc Methadone cho người bệnh mang về cũng rất có ý nghĩa trong tình hình có nhiều dịch bệnh mới nổi như COVID -19, làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người bệnh và hoạt động của cơ sở y tế nhất là khi người bệnh bị cách ly hay cơ sở điều trị Methadone bị phong tỏa do dịch bệnh.  

Ông Kidong Park: COVID-19 là một thách thức lớn nhưng cũng là một cơ hội lớn để triển khai phương pháp tiếp cận mới cho việc cấp phát methadone nhiều ngày.

Ông Kidong Park, Trưởng Đại diện của Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia kiểm soát dịch COVID-19 tốt nhất trên thế giới, nhưng chúng ta vẫn cần chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó với sự bùng phát của COVID-19 có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chúng ta cần thông minh hơn và sáng tạo hơn trong việc cung cấp các dịch vụ y tế để đảm bảo tính liên tục của các dịch vụ thiết yếu bao gồm cả cung cấp dịch vụ phòng và điều trị HIV. Cho đến nay, Việt Nam đã thực hiện rất tốt và không có gián đoạn các dịch vụ HIV. Như chúng ta thấy, COVID-19 là một thách thức lớn nhưng cũng là một cơ hội tuyệt vời để triển khai phương pháp tiếp cận mới cho việc cấp phát methadone. Một số nước như Maroc và Ấn Độ, Nêpan có chính sách dùng thuốc Methadone và Buprenorphine tại nhà trong 1-2 tuần cho bệnh nhân ổn định. Tôi tin rằng đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam thể hiện sức mạnh và quyết tâm của mình trong việc ứng phó và kiểm soát COCIVD-19, đồng thời đảm bảo tính liên tục của các dịch vụ thiết yếu thông qua việc cung cấp dịch vụ, qua các sang kiến và phương pháp tiếp cận lấy bệnh nhân làm trung tâm.

 

Ông Nguyễn Thế Phong, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu  phát biểu cam kết thực hiện chương trình.

 Phát biểu tại buổi diễn ra sự kiện, TS Nguyễn Hoàng Long, cục trưởng cục Phòng, chống HIV/AIDS đề nghị: Các cấp Ủy đảng, chính quyền UBND quan tâm chỉ đạo, triển khai đề án thí điểm này, nhất là công tác phối hợp liên ngành giữa ngành Y tế, công an và lao động thương binh xã hội để việc thí điểm được triển khai thuận lợi; ngành y tế tăng cường công tác truyền thông về lợi ích của việc cấp thuốc nhiều ngày, các tiêu chí để được cấp thuốc nhiều ngày, tạo điều kiện cho tất cả những người có đủ các tiêu chí được tham gia cũng như có các biện pháp nhằm tăng cường tuân thủ các quy định của Bộ Y tế đối với người bệnh tham gia chương trình thí điểm này.

 Đối với những người nghiện các chất dạng thuốc phiện, cục trưởng đề nghị: Hãy tin tưởng, kiên trì tham gia điều trị lâu dài bằng Methadone, phấn đấu để đủ điều kiện tham gia chương trình cấp thuốc Methadone nhiều ngày. Với những người đã được tham gia chương trình cấp thuốc nhiều ngày, cần tiếp tục tuân thủ điều trị và tuân thủ các quy định của ngành y tế để tham gia chương trình lâu dài vì cho đến nay Methadone vẫn được các Tổ chức quốc tế coi là tiêu chuẩn vàng trong điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện.

Cục Phòng, chống HIV/AIDS cam kết luôn sát cánh cùng với Sở Y tế các tỉnh và các đối tác để việc thí điểm hoàn thành đúng thời gian. Hy vọng thời gian tới, sẽ mở rộng việc cấp thuốc Methadone nhiều ngày ra tất cả các tỉnh thành phố trong cả nước.

Trao túi thuốc methadon về n hà cho bệnh nhân

Trao túi đựng thuốc Methadon về nhà cho những bệnh nhân đủ tiêu chuẩn.

Tiêu chí người bệnh được mang thuốc Methadone nhiều ngày

TS Nguyễn Hoàng Long cho biết, người có đầy đủ các tiêu chuẩn dưới đây sẽ được cân nhắc cho mang thuốc về sử dụng:

-Đã đạt liều điều trị duy trì từ 2 tháng trở lên;

-Không phát hiện sử dụng thêm chất dạng thuốc phiện hoặc các loại ma túy khác trong 2 tháng gần đây;

-Không bỏ liều điều trị Methadone nào trong 2 tháng gần đây mà không có xin phép hoặc báo cáo với cơ sở điều trị;

-Không vi phạm các quy định của cơ sở điều trị Methadone, không phát hiện hành vi vi phạm pháp luật nào khác trong 12 tháng gần đây.

Nếu có 1 trong các điểm sau, người bệnh sẽ không được cấp phát thuốc về nhà:

- Trong quá trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã từng xảy ra ngộ độc do quá liều với bất cứ chất gây nghiện nào;

-Người bệnh hiện có các rối loạn tâm thần chưa điều trị hoặc đang điều trị mà chưa ổn định;

- Bản thân người bệnh không có nơi bảo quản thuốc an toàn (như hòm/tủ có khóa…).
 

>> Xem thêm: Bác sĩ “cõng” methadon về bản

Mở rộng điều trị cai nghiện bằng methadon

Khắc phục tác dụng phụ khi dùng methadone

Thuốc thay thế buprenorphine: Thêm lựa chọn cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện

COVID-19: Hướng dẫn cấp phát thuốc Methadone/Buprenorphine trong điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện


Thu Hương
Ý kiến của bạn