Dự án đầu tiên mang tên “Nhân rộng mô hình cộng đồng quản lý chất thải sinh hoạt và nhựa tại 5 thành phố” (DWP5C) nhằm mục đích xây dựng các mô hình tích hợp quản lý rác thải sinh hoạt và nhựa cấp địa phương tại năm địa điểm Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Định, Bình Thuận, và Bình Dương. Dự án sẽ hợp tác với các tổ chức địa phương như Hội nông dân và Hội phụ nữ để tăng cường phân loại, thu gom, tái chế rác và làm phân compost, và đẩy mạnh thị trường các nguyên liệu thứ cấp, đồng thời hợp tác với các doanh nghiệp để giới thiệu biện pháp tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn và thúc đẩy đầu tư vào các công nghệ xanh. Ngoài ra, UNDP sẽ phối hợp chặt chẽ với các chính quyền địa phương để xây dựng và thực hiện các quy định về rác thải.
Dự án thứ hai là “Thử thách sáng tạo giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa” (EPPIC), nhằm mục đích giải quyết các vấn đề về ô nhiễm nhựa tại các khu vực ven biển của Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Lời kêu gọi đề xuất các giải pháp sáng tạo sẽ được phát động tại tất cả các nước ASEAN vào ngày 25/6. Vào năm 2020, trong giai đoạn đầu tiên của dự án, thử thách sẽ diễn ra tại khu Di sản Thế giới UNESCO - Vịnh Hạ Long (Việt Nam) và địa điểm du lịch nổi tiếng Koh Samui (Thái Lan). Các bên đoạt giải sẽ nhận được hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của UNDP để tiếp tục nhân rộng các giải pháp của họ, sau đó các giải pháp này sẽ được triển khai tại các địa điểm dự án với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các chính quyền địa phương.
Việc gia tăng sử dụng nhựa theo cấp số nhân và việc quản lý rác thải không đầy đủ dẫn đến việc rác thải đe dọa đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái dễ bị tổn thương. Các quốc gia ASEAN là nguồn thải nhựa lớn nhất ra đại dương; chỉ riêng Việt Nam đã tạo ra 1,8 triệu tấn rác thải nhựa hàng năm, tăng 16% mỗi năm trong khi hiện chỉ có 27% lượng rác thải được tái chế. Cả nước có hơn 900 bãi chôn lấp rác, trong đó hơn 70% số bãi rác này không tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường.
Nước rỉ từ rác thải được quản lý không đúng cách gây ô nhiễm không khí, đất và nước, phá hủy môi trường và đe dọa sức khỏe con người. Ước tính đến năm 2050 sẽ có nhiều nhựa hơn cá trong đại dương, nếu những hành động nhanh chóng không được triển khai.
Cung cấp thiết bị bảo hộ cá nhân cho công nhân thu gom rác thải.
“Là các quốc gia có biển, Na Uy và Việt Nam hiểu rõ hơn bất kỳ ai khác tầm quan trọng của đại dương đối với nền kinh tế của chúng ta. Đại dương luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự hợp tác quốc tế của Na Uy. Rác thải đại dương là một trong những mối quan tâm về môi trường đang nổi lên nhanh chóng trên thế giới, và Na Uy, với tư cách là một đối tác lâu dài, đang tích cực nêu vấn đề này trên nhiều diễn đàn khu vực và toàn cầu bao gồm Liên Hợp Quốc và ASEAN. Chúng tôi rất mong muốn hợp tác với Việt Nam và UNDP để cùng nhau giải quyết thách thức về rác thải đại dương thông qua hai Dự án này. Chúng tôi tin rằng những thách thức toàn cầu đòi hỏi các giải pháp toàn cầu và nỗ lực kết hợp. Điều này đã được chứng minh là đúng trong đại dịch Covid-19 hiện nay”. Bà Grete Lochen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam và CHDCND Lào cho biết.
Theo bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, nhựa đang phá hủy cuộc sống thủy sinh và đang làm ô nhiễm trái đất của chúng ta. Giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa cần sự ứng phó kết hợp của các quốc gia với sự tham gia của các chính phủ, người dân, doanh nghiệp ở cấp địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Để thể hiện sự hỗ trợ liên tục đối với các nỗ lực phục hồi của Việt Nam sau đại dịch COVID-19, các đại diện của UNDP, Đại sứ quán Na Uy, Ủy ban nhân dân thành phố Hạ Long đã cung cấp các trang thiết bị bảo hộ cá nhân cho những công nhân thu gom rác thải tại năm thành phố mục tiêu của dự án DWP5C.