Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã khởi động một dự án mới nhằm cải thiện hệ thống bảo hiểm xã hội trong bối cảnh những thay đổi lớn về cơ cấu dân số ở Việt Nam, tỷ lệ người lao động có bảo hiểm thấp và thực thi luật còn hạn chế.
Dự án “Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống bảo hiểm xã hội ở Việt Nam thông qua cải thiện khung pháp lý về bảo hiểm xã hội” sẽ hỗ trợ quá trình cải cách Luật Bảo hiểm Xã hội, dự kiến được Quốc hội thông qua trong năm tới. ILO sẽ cung cấp những hỗ trợ kỹ thuật nhằm giải quyết những lĩnh vực quan trọng như quỹ lương hưu đang dần cạn kiệt, thực thi luật, cải thiện những gói bảo hiểm ngắn hạn, và bảo vệ người lao động trong nền kinh tế không chính thức thông qua việc kết hợp giữa bảo hiểm tự nguyện và trợ cấp xã hội.
Giám đốc ILO Việt Nam Gyorgy Sziraczki cho biết: “Sửa đổi và cải thiện Luật Bảo hiểm Xã hội là một nhiệm vụ cấp bách. Đó không chỉ là hành động cho hôm nay mà còn phục vụ cho tương lai. Chúng ta cần xem xét tác động của cơ cấu dân số lên hệ thống an sinh xã hội và triển vọng việc làm trong tương lai”.
Mặc dù hiện nay giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu thanh niên nam nữ gia nhập thị trường lao động mỗi năm là ưu tiên trong ngắn hạn, quá trình già hóa dân số nhanh chóng của Việt Nam đặt ra một thách thức nghiêm trọng về lâu dài. Năm 2012, Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số, nghĩa là khi nhóm người trên 60 tuổi chiếm hơn 10% tổng dân số, sớm hơn 5 năm so với dự kiến. Với số lượng thanh niên trong độ tuổi lao động giảm đi và chế độ lương hưu “hào phóng”, quỹ lương hưu sẽ cạn kiệt nếu quá trình cải cách không đưa ra được những biện pháp cấp thiết.
Ông Sziraczki khuyến nghị cuộc cải tổ mới này cần bảo vệ được người lao động khi về hưu bằng cách đảm bảo rằng cả người sử dụng lao động và người lao động đóng bảo hiểm xã hội dựa trên tổng thu nhập, thay vì lương cơ bản, theo quy định của Bộ Luật Lao động sửa đổi.
Theo Thứ trưởng LĐTBXH Phạm Minh Huân, nhiệm vụ sửa đổi Luật Bảo hiểm Xã hội đồng thời cần mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm xã hội và đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm trên nguyên tắc “đóng và hưởng”. Mặc dù nguồn thu bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng từ 6,3 nghìn tỷ năm 2001 lên 89,6 nghìn tỷ năm 2012, chỉ 47% tổng số doanh nghiệp đóng bảo hiểm bắt buộc (trong năm 2010).
Giám đốc ILO Việt Nam nhận định: “Cuộc cải tổ nên đưa ra những giải pháp để tăng độ bao phủ sang cả những đối tượng trong nền kinh tế không chính thức như Nghị quyết 15 về “các chính sách xã hội” đã đề ra.” Sự kết hợp giữa trợ cấp xã hội, động lực của chính người đóng bảo hiểm, cải thiện việc chi trả bảo hiểm và quyết tâm chính trị là những yếu tố cần thiết giúp nhanh chóng giúp đưa bảo hiểm xã hội đến với 80% lực lượng lao động hiện vẫn chưa được bảo vệ trước những nguy cơ tiềm tàng.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Huân thừa nhận rằng sửa đổi Luật Bảo hiểm Xã hội “là một nhiệm vụ khó khăn vì động chạm tới từng con người và nhiều vấn đề khác của nền kinh tế xã hội”. “Cuộc cải tổ có thành không hay không phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm của chúng ta,” ông nói.
• Luật Bảo hiểm Xã hội được thông qua năm 2006 và có hiệu lực từ 1/1/2007.
• Có 10,4 triệu người lao động được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong năm 2012, tương đương với 19,5% lực lượng lao động.
• 139,643 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong năm 2012, tương đương 0,3% lực lượng lao động.
• Trong số tiền đóng góp bảo hiểm xã hội cho một người lao động, 83% dành cho quỹ hưu trí và tử tuất, 12% cho ốm đau và thai sản và 5% còn lại cho tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
• Thu bảo hiểm xã hội bắt buộc trong năm 2012 là 89,6 nghìn tỷ đồng. |
Dương Hải