Ngày 22/5/2019, tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã khai trương phòng khám SHP, triển khai dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).
TS Phan Thị Thu Hương- Phó cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS phát biểu tại Lễ khởi động
PrEP là một biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV dành cho những người không bị nhiễm HIV nhưng có nguy cơ lây nhiễm cao bằng việc uống thuốc kháng vi-rút đều đặn. Nếu một người chưa nhiễm HIV khi dùng PrEP sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục không an toàn hoặc sử dụng ma túy do thuốc kháng vi rút sẽ hoạt động để ngăn không cho virút gây ra nguy cơ lây nhiễm HIV. PrEP đã được chứng minh rất hiệu quả khi tuân thủ và dùng đúng cách, có thể giảm nguy cơ nhiễm HIV từ 92% trở lên.
Hiện ở nước ta, tỷ lệ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục (đặc biệt trong nhóm MSM, phụ nữ mại dâm) tăng gấp hơn ba lần so với thời điểm 10 năm trước đây. Tỷ lệ trung bình toàn quốc khoảng 10-11%. Tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tỷ lệ này lên tới 13-16%. Con số này đòi hỏi đặt ra những mô hình tiếp cận mới với các dịch vụ dự phòng HIV/AIDS mới bên cạnh cách dự phòng truyền thông là dùng baoo cao su và bơm kim tiêm sạch…
Phòng khám SHP triển khai điều trị dự phòng PrEP
Việt Nam là một trong 7 nước đầu tiên cam kết triển khai chương trình điều trị PrEP. Trong hai năm (2016-2017) triển khai thí điểm với 2000 nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), được theo dõi liên tục , không có một trường hợp nào lây nhiễm HIV mới nào. Năm 2019, Bộ Y tế đã mở rộng việc triển khai điều trị PrEp ra 11 tỉnh, thành phố, có tình hình dịch lây nhiễm qua quan hệ tình dục cao trong cả nước, bao gồm: TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang, Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng.
Phát biểu tại Lễ khởi động dịch vụ, TS Phan Thị Thu Hương, phó cục trưởng Cục phòng, chống HIV/ AIDS cho biết, đến nay ở Việt Nam đang có khoảng 255 người được điều trị bằng PrEP và đến cuối năm nay 2019 sẽ là 5.700 người.