Thực tế, các buổi hòa nhạc giao hưởng ở Việt Nam thời gian qua thường vắng người xem so với những show nhạc bolero, rock, pop, EDM... Do đó, cần có sân chơi để khơi dòng chảy, lan tỏa nhạc giao hưởng tới cộng đồng được nhiều người đánh giá là việc làm cần thiết.
Có nhiều lý do để công chúng, đặc biệt là giới trẻ không mặn mà với các chương trình nhạc giao hưởng. Theo giới chuyên môn, nhạc giao hưởng là sự kết hợp của nhiều loại nhạc cụ riêng biệt và phong phú, vì vậy đòi hỏi người nghe phải có chút kiến thức nhất định để phân biệt và thấu hiểu. Đồng thời, việc nghe nhạc giao hưởng phụ thuộc rất nhiều vào bản sắc văn hóa và trình độ văn hóa của từng dân tộc. Bên cạnh đó, để thưởng thức một buổi hòa nhạc, khán giả phải giữ im lặng và tập trung vào màn trình diễn chỉ hấp dẫn về phần nghe nhiều hơn phần nhìn. Trong khi đó, ở các buổi biểu diễn khác như nhạc Rock, EDM..., công chúng có thể thoải mái nhún nhảy lắc lư theo điệu nhạc hoặc vô tư chuyện trò khác hẳn với buổi hòa nhạc giao hưởng. Và một yếu tố khiến nhạc giao hưởng có tính bác học và hàn lâm trầm lắng vì các thể loại âm nhạc mới đủ phong cách, lạ về phần nghe lẫn phần nhìn phù hợp với số đông xuất hiện ngày càng nhiều ở nước ta.
Dù có nguồn gốc từ phương Tây nhưng khi du nhập Việt Nam từ những năm 20 của thế kỷ XX, nhạc giao hưởng nước ta đã có nhiều tác giả tên tuổi như nhạc sĩ: Nguyễn Văn Thương, Tạ Phước, Nguyễn Đình Phúc, Vũ Nhật Tân, Trần Kim Ngọc, Nguyễn Đình Tấn, Đức Trịnh, Đàm Linh, La Thăng, Chu Minh, Doãn Nho, Hoàng Vân, Nguyễn Văn Nam, Nhật Lai, Vĩnh Cát, Đỗ Hồng Quân, Nguyễn Thị Nhung, Ca Lê Thuần, Trọng Bằng, Quang Hải, Trần Quý...Nhiều bản giao hưởng đậm bản sắc, văn hóa và tinh thần Việt đã ra đời, được các nghệ sĩ trình diễn phục vụ công chúng như tác phẩm Quê hương, Thành đồng Tổ quốc, Đất nước anh hùng, Dáng đứng Việt Nam, Rhapsodie Việt Nam, Trăm sông đổ về biển Đông, Non sông một dải, Khát vọng, Tuổi trẻ, Thơ Kiều...; concerto cho piano và dàn nhạc Tổ quốc tôi, concerto cho đàn tranh và dàn nhạc giao hưởng Quê tôi giải phóng...
Dù còn gặp nhiều thách thức nhưng vẫn có các sự kiện, buổi hòa nhạc tại Việt Nam chất lượng, từ đó khơi dòng chảy cho nhạc giao hưởng.
Thực tế, số ít buổi hòa nhạc giao hưởng vẫn diễn ra tại các thành phố lớn nước ta, có thể là nghệ sĩ, nhạc công Việt thể hiện tác phẩm của nước ngoài và ngược lại. Tuy nhiên nhiều chương trình không được biết đến do khâu truyền thông chưa hiệu quả. Đáng nói hơn, khác với những chương trình âm nhạc của ca sĩ trẻ sôi động từ những cuộc họp báo đến cảnh mua - bán vé, thậm chí “cháy” vé có thể bị đẩy lên cả chục triệu đồng/vé trước buổi diễn; các buổi hòa nhạc giao hưởng ở nước ta Ban tổ chức nhiều khi phát vé mời, dàn nhạc biểu diễn miễn phí nhưng cũng rất thưa vắng khán giả.
Tuy nhiên, không để nhạc giao hưởng khuất lấp trước sự bùng nổ của các loại hình văn hóa giải trí thời đại mới, một số buổi hòa nhạc, lễ hội âm nhạc về dòng nhạc này đã, đang được tổ chức tại nước ta. Đặc biệt, gần đây chương trình hòa nhạc Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert 2018 do UBND. Thành phố Hà Nội tổ chức, Dàn nhạc Giao hưởng London (Vương quốc Anh) biểu diễn tại phố đi bộ Hồ Gươm thu hút hàng nghìn người xem. 95 nghệ sĩ đến từ Dàn nhạc Giao hưởng London đã giới thiệu đến công chúng 8 tác phẩm đặc sắc, tiêu biểu có Tiến quân ca (Văn Cao), Vũ khúc Slovanic (Antonin Drovak), Bản giao hưởng số 5 (Jean Sibelius)... Những bản giao hưởng kinh điển trong và ngoài nước vang lên trong khung cảnh cổ kính, thanh bình của Thủ đô nghìn năm văn hiến đã mang đến cho khán giả Hà Nội và cả các du khách nước ngoài những giây phút khó quên, thăng hoa cùng âm nhạc.
Đáng chú ý, Hội Nhạc sĩ Việt Nam vừa cho biết, từ 24 - 28/11 tại Hà Nội và Ninh Bình, “Festival quốc tế Âm nhạc Mới Á - Âu 2018” quy tụ 200 nghệ sĩ của hơn 30 quốc gia trên thế giới sẽ diễn ra. Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, sự kiện gồm 5 chương trình hòa nhạc được lựa chọn từ 200 tác phẩm của các nhà soạn nhạc chuyên nghiệp từ nhiều quốc gia gửi đến. Các tác phẩm biểu diễn tại Festival là sáng tác có tính mới lạ, tính dân tộc, chủ yếu là nhạc giao hưởng, thính phòng, độc tấu; các tác phẩm giao hưởng cho dàn nhạc phương Tây kết hợp với nhạc cụ dân tộc châu Á... “Các buổi hòa nhạc thính phòng, giao hưởng rất độc đáo khi có những tác phẩm được Dàn nhạc Thính phòng quốc tế biểu diễn kết hợp với đàn bầu của Việt Nam, qua đó mang đến cho khán giả nhiều tiết mục phong phú và hấp dẫn” - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết.
Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng đánh giá, “Festival quốc tế Âm nhạc Mới Á - Âu 2018” sẽ là diễn đàn nghệ thuật để chúng ta tiếp tục khẳng định thành tựu của nền nhạc mới Việt Nam, giới thiệu tác phẩm mới của các nhạc sĩ Việt Nam với bạn bè quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực thính phòng, giao hưởng.