Khơi dậy tình cảm thiêng liêng của khán giả với Tổ quốc

23-08-2019 07:36 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Nếu như phim tài liệu đã khẳng định được thế mạnh và cho ra đời nhiều tác phẩm về chủ đề biển đảo Tổ quốc có sức lan tỏa, thì phim truyện về đề tài này gần đây cũng có không ít tác phẩm ghi dấu ấn với khán giả.

Nhiều người tin tưởng, phim truyện về biển đảo sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai, khơi dậy tình cảm thiêng liêng của khán giả với Tổ quốc.

Có thể nói, phim tài liệu là thể loại có nhiều tác phẩm về chủ đề biển đảo nhất và cũng để lại ấn tượng đối với người xem. Trong đó phải kể tới những phim tài liệu nổi tiếng: Đầu sóng ngọn gió, Trường Sa tháng 4/1988, Bọt biển và sóng ngầm, Đảo Lý Sơn, André Menras - Một người Việt và biển của người Việt, Liệt sỹ Trường Sa, Tổ quốc nơi đầu sóng, Cảnh sát biển Việt Nam, Những cột mốc người, Biển của người Việt, Trường Sa - Hoàng Sa: nơi ghi dấu hồn thiêng đất Việt, Bạch Đằng - vang mãi khúc tráng ca… Dù có những cách thể hiện khác nhau nhưng nội dung các phim tài liệu kể trên đều đưa ra những tài liệu, bằng chứng thuyết phục khẳng định chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Đồng thời, các bộ phim tài liệu cũng thể hiện nét đẹp tình quân dân nơi đảo xa; sự kiên cường, dũng cảm của các chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió vẫn ngày đêm thực thi nhiệm vụ bảo vệ bờ cõi quê hương...

Không chỉ có phim tài liệu, thể loại phim truyện thời gian gần đây cũng đã có những tác phẩm về đề tài biển đảo tạo sức hút và sự quan tâm đối với khán giả. Từ trung tuần tháng 8/2019, bộ phim truyền hình Đảo Khát 20 tập (biên kịch, đạo diễn Phương Nam) chuyển thể từ truyện ngắn Thương lắm rau răm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã được trình chiếu tới khán giả cả nước. Đây là bộ phim truyền hình mới nhất về chủ đề biển đảo, nội dung phim đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Đó là câu chuyện quá khứ về những dòng họ đã vượt biển ra khẩn hoang lập ấp nơi hòn đảo này. Không những cư dân ở đây phải đối mặt với thiên nhiên, mà họ còn phải chống chọi với kẻ cướp và kẻ thù xâm lược. Đó là câu chuyện kể về những ngôi mộ gió, nơi chôn cất vong linh những con người đã giong buồm ra khơi với sứ mạng xác lập và giữ gìn chủ quyền biển đảo. Và xuyên suốt trong câu chuyện quá khứ là tình yêu của chàng trai vạn chài tên Hai Nghĩa và cô thôn nữ tên Thắm. Tình yêu của họ gắn liền với cuộc sống và sự đấu tranh sinh tồn của ngư dân đảo thời khẩn hoang lập ấp, gắn liền với sứ mạng giữ gìn chủ quyền Tổ quốc thiêng liêng...

Khơi dậy tình cảm thiêng liêng của khán giả với Tổ quốcCảnh trong phim Đảo Khát – phim truyện về đề tài biển đảo vừa đến với khán giả cả nước.

Bên cạnh quá khứ, câu chuyện hiện tại được xây dựng trên hiện thực cuộc sống của cư dân Đảo Khát, mà giữa con người và thiên nhiên luôn diễn ra cuộc đấu tranh sinh tồn. Nơi đây, việc bảo vệ môi trường biển, khai thác bền vững cùng các giá trị văn hóa, lịch sử đang là vấn đề thiết thực, sống còn đối với cư dân Đảo Khát. Và còn câu chuyện về mối tình của Mịn, một thôn nữ dành cho Văn, một bác sĩ tình nguyện ra đảo; câu chuyện về mối tình đơn phương nhưng chân thật của chàng trai miền biển Hai Hên dành cho Mịn... Điểm nhấn khi theo dõi Đảo Khát, càng về sau, khán giả sẽ được nghe kể lại những câu chuyện về thế kỷ thứ 17, thời nhà Nguyễn đã đưa một đội hùng binh ra để giữ biển tại Hoàng Sa. Ngoài ra, bộ phim này còn mượn câu chuyện xưa để nhắc về câu chuyện nay, thông qua những hoạt động của người dân ở làng chài để thể hiện khát vọng vươn ra đảo xa, giữ chủ quyền biển đảo...

Trước đó, nhiều phim truyện cũng đã thành công và tạo tiếng vang khi khai thác chủ đề biển đảo. Đó là bộ phim Mộ gió (kịch bản Lê Mạnh Thường, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần) và Đảo ngọt (kịch bản và đạo diễn Châu Huế -  Hùng Vỹ). Nếu như Đảo ngọt là câu chuyện nhẹ nhàng về tình cảm, hoài bão của các chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền của đất nước thì Mộ gió lại sâu sắc, dâng trào cảm xúc đối với người xem. Cũng là câu chuyện về bám biển, nhưng Mộ gió đã nói lên được tình yêu ngàn đời của người dân Việt Nam với biển, dù biết bao người đã nằm lại với biển khơi, được người thân tưởng nhớ bằng những ngôi mộ gió. Mộ gió thật sự chạm đến cảm xúc người xem khi đặc tả cảnh các chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam bất chấp mưa bão ra khơi làm nhiệm vụ bảo vệ tàu cá Việt Nam khi bị “tàu lạ” tấn công. Lòng tự hào dân tộc, khao khát bám biển ra khơi và ước nguyện hòa bình của muôn triệu người dân nước Việt như trỗi dậy trong tiếng còi hiệu triệu và bước chân giục giã của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Đó là điều mà khán giả đã cảm nhận được từ phim truyện Mộ gió.

Dù phim truyện về biển đảo có số lượng còn ít so với phim tài liệu, song những tác phẩm kể trên được xem là lá cờ đầu, dẫn lối cho các nhà làm phim nước nhà thực hiện về đề tài này trong tương lai. Những phim truyện như  Đảo Khát, Mộ gió, Đảo ngọt luôn được khán giả đón nhận và đánh giá cao bởi với ngôn ngữ nghệ thuật của mình, các tác phẩm này đã làm được điều mà nhiều bộ phim truyện khác chưa làm được, đó là khơi dậy tình cảm thiêng liêng của mỗi người dân với quê hương đất nước, với biển đảo - một phần không thể tách rời của đất mẹ Việt Nam.


Phạm Quỳnh
Ý kiến của bạn