Sáng ngày 17/6, tại thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, dự án trọng điểm quốc gia, tuyến cao tốc trục ngang đầu tiên tại ĐBSCL, kết nối khu vực với hệ thống đường cao tốc quốc gia.
Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ giai đoạn 1 có tổng chiều dài 188,2 km đi qua 4 tỉnh, thành: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Điểm đầu kết nối Quốc lộ 91 thuộc TP Châu Đốc, tỉnh An Giang. Điểm cuối giao quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (Sóc Trăng).
Dự án có tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương. Giai đoạn 1, dự án được đầu tư quy mô phân kỳ 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được đầu tư quy mô 6 làn xe.
Theo nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án của Quốc hội, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 sẽ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.
Dự án được chia làm 4 dự án thành phần do 4 địa phương có dự án đi qua làm cơ quan chủ quản.
Trong đó, dự án thành phần 1 chiều dài hơn 57 km thuộc địa phận tỉnh An Giang và TP. Cần Thơ do UBND tỉnh An Giang là cơ quan chủ quản. Sơ bộ tổng mức đầu tư 13.799 tỷ đồng.
Dự án thành phần 2 dài hơn 37 km thuộc địa phận TP Cần Thơ do UBND TP. Cần Thơ là cơ quan chủ quản. Sơ bộ tổng mức đầu tư 9.845 tỷ đồng.
Dự án thành phần 3 chiều dài gần 37 km thuộc địa phận tỉnh Hậu Giang do UBND tỉnh Hậu Giang là cơ quan chủ quản. Sơ bộ tổng mức đầu tư 9.927 tỷ đồng.
Dự án thành phần 4 có chiều dài gần 57 km thuộc địa phận tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng do UBND tỉnh Sóc Trăng là cơ quan chủ quản. Sơ bộ tổng mức đầu tư 11.120 tỷ đồng.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là tuyến cao tốc trục ngang đầu tiên tại ĐBSCL kết nối khu vực với hệ thống đường cao tốc quốc gia có tổng mức đầu tư gần 44,7 nghìn tỷ đồng. Dự án được kỳ vọng là một trong 6 tuyến cao tốc thay đổi ĐBSCL, đồng thời kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng ĐBSCL với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.
Xem thêm video được quan tâm:
Nắng Nóng Nhiều, Mưa Ít, Lượng Nước Về Thủy Điện Hòa Bình Thiếu Hụt Đến 80% | SKĐS