Theo TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, khi đốt rơm rạ, một lượng bụi mịn có đường kính 1/30 sợi tóc sẽ đi sâu vào phổi, máu của người hít phải, gây nên các bệnh về đường hô hấp cấp tính và mạn tính. Nếu như với ô nhiễm bụi bình thường, dùng khẩu trang có thể ngăn chặn được, còn với bụi mịn, khẩu trang cũng vô ích.
Khói rơm rạ hủy hoại sức khỏe con người
Năm nào cũng vậy, vào khoảng tháng 6 - 7, cứ bắt đầu vào vụ thu hoạch lúa, nhiều cánh đồng ven Hà Nội lại nghi ngút khói do việc đốt rơm rạ của người dân, gây nên tình trạng ô nhiễm bởi khói mù lan rộng trong những ngày hè nóng bức. Hiện tượng này không chỉ xảy ra tại Hà Nội mà ở cả nhiều tỉnh lân cận như Hà Nam, Bắc Ninh, Hưng Yên...
Theo phản ánh của nhiều người dân sống ở Hà Nội khu vực Mỹ Đình, đại lộ Thăng Long, đường Trần Duy Hưng..., từ khoảng 19h tối cho đến càng về đêm, màn khói này càng thêm đậm đặc, gây cảm giác ngột ngạt, cay mắt. Khói mù “tấn công” các tuyến đường giao thông, khu dân cư, khu đô thị mới, công trình công cộng... Hiện tượng này có thể nhận thấy rõ nhất khi đứng trên các khu nhà cao tầng.
Theo tìm hiểu của phóng viên về lý do đốt rơm rạ vào những ngày hè này, một số nông dân cho biết, vì không có nhu cầu sử dụng rơm rạ, nên đốt để lấy tro bón cho đồng ruộng vào mùa tiếp theo. Người dân tận dụng việc đốt rơm rạ để tránh lãng phí.
Khói bụi do đốt rơm rạ ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Nhiều nông dân cũng cho rằng, việc đốt rơm rạ mang lại nhiều tiện lợi như không tốn công xử lý rơm rạ trên đồng ruộng sau khi thu hoạch, đồng thời tiêu diệt được mầm mống dịch hại... Tuy nhiên, việc đốt rơm, rạ ngay trên đồng ruộng không chỉ làm ảnh hưởng tới môi trường sống, sức khỏe con người mà còn gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông, làm mất chất dinh dưỡng của đất, tiêu diệt các loại thiên địch có ích, dẫn đến phát sinh nhiều dịch bệnh hại lúa.
Nói về tác hại của khói bụi do đốt rơm, rạ đối với sức khỏe của con người, TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết: Trong khói đốt rơm, rạ có các hạt bụi nhỏ, bồ hóng muội than, khí CO, CO2, SO2, NO2... Khói rơm rạ có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, khiến người hít khói rơm rạ dễ bị ho, hắt hơi, buồn nôn, ngạt thở... Khói do đốt rơm rạ thường cháy không thành ngọn lửa nên sinh ra rất nhiều khí CO (gọi là khí monoxide carbon). Đây là loại khí rất độc có thể gây chết người. Người hít nhiều và kéo dài có thể biến đổi cấu trúc của bộ máy hô hấp, dễ mắc nhiễm trùng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi...
Về lâu dài, khói bụi, khí độc hít phải sẽ gây tổn thương khó nhận thấy nhưng nguy hiểm vì nó từ từ phá hủy bộ máy hô hấp. Trước hết là mũi họng, thanh quản bị viêm thường xuyên. Dấu hiệu ban đầu chỉ là hắt hơi, sổ mũi nhưng sau đó dẫn đến viêm mạn tính đường hô hấp trên.
Người bị bệnh luôn thiếu ôxy dẫn đến suy giảm sức khỏe và dễ mắc các bệnh khác như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản, viêm phổi và ung thư phổi. Khi đường hô hấp trên bị tấn công và phá hủy dần, sẽ không còn khả năng ngăn chặn những bụi bặm vi trùng tấn công sâu hơn vào phế quản và phổi. Bị viêm lâu ngày, khí quản phải chống lại bằng cách tăng tiết nhiều đờm gây cản trở lưu thông bình thường ở đường thở. Tắc nghẽn này gây khó thở và ứ đọng đờm dãi, trở thành môi trường cho các vi khuẩn sinh sôi và dần đẩy người bệnh vào suy hô hấp, suy tim, suy nhược cơ thể và tử vong. Không những gây hại cho sức khỏe con người, lửa từ các đống rơm, rạ còn có thể gây cháy ruộng, cháy nhà, gây tai nạn giao thông...
Các giải pháp thay thế cho việc đốt rơm rạ hiệu quả
Đánh giá về tình trạng này Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra các giải pháp cho bà con nông dân:
Vùi rơm rạ vào đất: Giúp duy trì N (đạm) và C trong đất. Việc vùi phế phẩm rơm rạ giúp nhiều N hơn từ vật chất hữu cơ trong đất. Lượng N thêm vào sẽ được giữ lại trong đất và vật chất hữu cơ trong đất trở thành nguồn quan trọng của N sẵn có cho vụ lúa tiếp theo. Vì thế, vùi rơm rạ vào đất có thể trở thành lợi ích bền vững lâu dài về nguồn cung cấp N.
Dùng làm thức ăn gia súc: Yêu cầu đồng ruộng phải dọn sạch rơm rạ cho việc chuẩn bị cây trồng vụ tới. Vì vậy, chỉ có 2 phương pháp chủ yếu là trộn rơm rạ vào đất và đốt. Đốt là cách làm nhanh nhất, không tốn kém công và còn tiêu hủy mầm bệnh nhưng hiện nay phải tuân theo quy định nghiêm ngặt. Sự trộn rơm rạ vào đất làm chậm hơn, tốn thêm chi phí và có thể gây ra một số bệnh cho lúa. Vì thế, những phương pháp truyền thống này đều không cho là lý tưởng. Cho nên, phương pháp thay thế được cho là vững chắc bằng một trong những sự sử dụng khác của rơm rạ là làm thức ăn gia súc, nơi thức ăn gia súc khan hiếm.
Sản xuất ethanol từ rơm rạ: Nông dân có thể tích trữ rơm rạ để cung cấp cho các công ty sản xuất ethanol, vừa có thêm nhiên liệu vừa giải quyết được rơm rạ còn thừa.
Sản xuất giấy từ rơm rạ: ở Việt Nam hiện nay chưa có công nghệ này nên các ngành chức năng và doanh nghiệp cần quan tâm phát triển.
Trồng nấm rơm.