Hàng trăm trường học ở Indonesia đã phải đóng cửa vì khói bụi độc hại từ các đám cháy rừng đang gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Các khu rừng nhiệt đới rộng lớn ở Sumatra và Borneo, Indonesia đang bùng cháy . Đây là một trong các khu rừng nhiệt đới lớn nhất ở khu vực. Theo Cơ quan thảm họa quốc gia Indonesia cho biết, số lượng các đám cháy rừng ở Indonesia đã tăng gần 7 lần lên 6.312 vụ trong khoảng thời gian chỉ 4 ngày đầu tháng 9.
Nguyên nhân cháy rừng được cho là những nông dân Indonesia đã dùng lửa đốt nương trên các đồn điền chuẩn bị cho mùa vụ. Tuy nhiên hoạt động này biến thành các đám cháy rừng nghiêm trọng, nhất là trong thời tiết hanh khô như hiện nay. Các vụ cháy rừng Amazon ở Nam Mỹ hiện nay cũng xuất phát từ nguyên nhân người dân đốt nương làm nông nghiệp, nhưng hậu quả để lại rất thảm khốc.
Các chuyên gia môi trường cho rằng, các đám cháy rừng kéo dài hàng tuần ảnh hưởng nghiêm trọng đến khí hậu toàn cầu. Một số tỉnh ở Indonesia đã công bố mức cảnh báo số 3, cao nhất trong thang cảnh báo về ô nhiễm.
Indonesia đã huy động tới 9000 người để dập các đám cháy rừng tuy nhiên chưa thể dập tắt các đám cháy lớn ngay lập tức. Thời tiết khô hanh khiến cho lửa còn âm ỉ, có nguy cơ cháy trở lại ở những nơi được coi là đã hoàn toàn khống chế được “bà hỏa”.
Theo Chính phủ Malaysia , chất lượng không khí trong và ngoại thành thủ đô Kuala Lumpur đã giảm xuống mức “không lành mạnh”. Bằng mắt thường, người ta có thể nhìn thấy đường chân trời bị che phủ bởi màn sương khói dày đặc. Trong không khí đầy mùi cháy khét của lá cây. Người dân phàn nàn về các vấn đề hô hấp, ngứa và có dấu hiệu đau mắt. Theo nghiên cứu của Mỹ, các vụ hỏa hoạn năm 2015 đã gây ra hơn 100.000 trường hợp tử vong do các bệnh hô hấp và các bệnh khác.
Theo chính quyền địa phương Malaysia, khoảng 400 trường học đã bị đóng cửa hôm 10/9 tại 9 quận của bang Sarawak, Malaysia trên đảo Borneo. Hơn 150.000 học sinh bị ảnh hưởng. Một số trường mẫu giáo ở Jambi nằm trên đảo Sumatra cũng bị đóng cửa đến hết tuần. Chỉ số ô nhiễm không khí API tại Kuala Lumpur đã tăng từ 119-140. Theo quy định, khi chỉ số ô nhiễm tới 100, tất cả các hoạt động ngoài trời của học sinh sẽ bị hủy bỏ.
Ô nhiễm nghiêm trọng khiến nhiều trường học phải đóng cửa
Thị trưởng Jambi kêu gọi người dân đeo khẩu trang khi ra đường. Cơ quan quản lý thảm họa quốc gia Malaysia cho biết, họ sẽ gửi tới Sarawak nửa triệu chiếc khẩu trang cho người dân.
Malaysia kêu gọi Indonesia dập tắt khẩn cấp các đám cháy rừng ở quốc gia này vì lo ngại sự khuếch tán của khói bụi. Bộ trưởng Năng lượng, Khoa học, Công nghệ, Môi trường và Biến đổi khí hậu Malaysia Yeo Bee Yin cho biết: "Việc khẩn cấp bây giờ là Indonesia cần dập các đám cháy và chính phủ Malaysia sẵn sàng cung cấp mọi sự hỗ trợ cần thiết để giúp đỡ Indonesia ở các đảo Kalimantan và Sumatra" .
Thủ đô Kuala Lumpur bao phủ bởi màn sương khói và bụi
Malaysia còn tính tới việc làm mưa nhân tạo giúp làm sạch không khí. Tuy nhiên theo một số chuyên gia môi trường, hành động này chưa chắc đã đem lại hiệu quả. Theo hãng thông tấn Bernama, việc "gieo" mây sẽ được thực hiện sớm nhất là vào ngày 12-9, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết. Cục Khí tượng Malaysia cảnh báo tình trạng khói bụi tồi tệ ở phía Tây bang Sarawak sẽ kéo dài cho đến khi các đám cháy ở đảo Kalimantan được dập tắt.
Tại Singapore, Cơ quan Môi trường Quốc gia (NEA) cho biết, chất lượng không khí đang nhích tới mức “không lành mạnh. Nếu các đám cháy rừng ở Indonesia không được kiểm soát, các quận phía Nam và phía Đông thành phố sẽ bị ảnh hưởng.
Hàng nghìn người được huy động để dập các đám cháy rừng
Trước sức ép trong nước cũng như các nước láng giềng, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cảnh báo các quan chức Indonesia sẽ bị cách chức nếu không dập tắt được các đám cháy rừng.
Trung tâm Khí tượng Chuyên ngành ASEAN (ASMC) cảnh báo rằng "tình hình khói mù xuyên biên giới có thể trở nên tồi tệ hơn" trong những ngày tới, với những cơn gió dự kiến sẽ tiếp tục thổi từ phía nam xuống tới Malaysia.
Vào tháng 9/2015 Indonesia cũng từng phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Sumatra sau khi các đám cháy rừng tạo ra một lớp khói bụi dày đặc khắp khu vực, bao phủ cả Singapore và Malaysia. Giám đốc điều hành của Trung tâm chính sách xã hội và y tế Galen, Azrul Mohd Khalib cho biết, so với năm nay, tình trạng không nghiêm trọng bằng, duy chỉ có thời tiết khô hanh làm việc dập tắt đám cháy rừng khó khăn hơn.