Khỏi bệnh suy giãn tĩnh mạch mà không cần mổ mở, ra viện chỉ sau 1 ngày

13-05-2019 15:24 | Camera bệnh viện

SKĐS - Suy giãn tĩnh mạch ở chi dưới là căn bệnh gây khá nhiều biến chứng, có thể gây ra tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.

Tuy nhiên với phương pháp Laser nội mạch đang được áp dụng tại Trung tâm Khám chữa bệnh Chất lượng cao – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, người bệnh có cơ hội được điều trị hiệu quả căn bệnh này và có thể vận động bình thường sau khi bác sĩ can thiệp bằng thủ thuật.

Vào viện trong tình trạng suy giãn tĩnh mạch ở mức độ nhiều, anh Nguyễn Văn Nam, 38 tuổi, trú tại khu 9, Tiên Lương, Cẩm Khê, Phú Thọ cho biết: Anh bị giãn tĩnh mạch cách đây vài năm, ban đầu chỉ là 1 nốt nhỏ nổi lên trên bề mặt chân nhưng do chủ quan nên anh đã không để ý tới. Tuy nhiên, càng ngày mức độ lan càng rộng, anh bắt đầu cảm thấy tê mỏi chân .

Được biết đến tại Trung tâm KCB CLC – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã can thiệp thành công nhiều ca bệnh suy giãn tĩnh mạch nên anh đã quyết định làm can thiệp tại bệnh viện. Sau khi làm thủ thuật một ngày anh đã được ra viện.

Các bác sĩ tiến hành can thiệp cho bệnh nhân.

Hình ảnh bệnh nhân trước và sau khi phẫu thuật thành công tại BVĐK tỉnh Phú Thọ.

Theo ThS.BS Nguyễn Thị Cẩm Bình, trước kia người bệnh suy giãn tĩnh mạch sẽ phải mổ nhưng với phương pháp này người bệnh sẽ phải gây mê qua nội khí quản, thời gian nằm viện kéo dài, chảy máu, sẹo xấu, có thể gây biến chứng thần kinh về lâu dài.

Tuy nhiên với phương pháp Laser nội mạch là phương pháp đang được áp dụng nhiều ở các bệnh viện tuyến Trung ương có nhiều ưu việt.

"Phương pháp Laser nội mạch sẽ đem lại kết quả tức thì, loại bỏ phần lớn các triệu chứng suy giãn tĩnh mạch, độ an toàn cao, không cần gây mê, ít biến chứng, thời gian điều trị và phục hồi nhanh chóng. Bệnh nhânbkhông có sẹo mổ, đảm bảo về thẩm mỹ và ngay sau khi điều trị, người bệnh có thể sinh hoạt bình thường"- BS. Bình cho hay.

Cũng theo bác sĩ Bình, suy giãn tĩnh mạch thường liên quan đến các yếu tố như: Độ tuổi (Tần suất bệnh tăng dần theo độ tuổi), những người bị béo phì, yếu tố di truyền, tính chất công việc (Càng đứng nhiều nguy cơ mắc bệnh càng cao).

Suy giãn tĩnh mạch ngoài triệu chứng đau nhức, chuột rút, có thể gây phù nề, biến đổi màu sắc da chân, loét chân, nặng hơn nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng như hình thành cục huyết khối trong lòng tĩnh mạch giãn, có thể di chuyển  lên phổi gây tắc tĩnh mạch phổi, dẫn đến suy hô hấp, nặng có thể dẫn đến tử vong.

6 cấp độ suy giãn tĩnh mạch

Những lưu ý đối với người bệnh khi bị suy giãn tĩnh mạch:

- Duy trì mức độ cân nặng hợp lý.

- Đi bộ hàng ngày

- Giữ cân nặng cơ thê hợp lý

- Không hút thuốc lá

- Đặc biệt, người bệnh không được ngâm chân nước nóng vì sẽ làm tĩnh mạch bị giãn nhiều hơn, gây tình trạng đau nhức…



Lê Nguyên
Ý kiến của bạn