Theo các nhà khoa học, ăn chay đúng cách sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ. Chế độ ăn chay có ít cholesterol, ít chất béo bão hoà, nhiều chất béo không bão hoà, nhiều vitamin C, E... có tác dụng chống oxy hóa, giảm hàm lượng cholesterol trong máu và giúp ngăn ngừa được nhiều thứ bệnh như: bệnh tim mạch, bệnh ung thư vú và đại tràng, bệnh đái tháo đường týp 2, béo phì, tăng huyết áp, sỏi mật và táo bón…
Tuy nhiên, chúng ta cũng nên lựa chọn đa dạng thực phẩm và ăn chay đúng cách để cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể.
Một bữa cơm chay đủ rau đậu và các loại quả vừa đảm bảo đủ dưỡng chất vừa ngon miệng.
Những lưu ý khi ăn chay
Trong chế độ ăn chay, thực phẩm chủ yếu dựa vào ngũ cốc, rau quả nên thường thiếu một số chất khoáng như sắt, kẽm, vitamin B12... Cần chọn lựa, phối hợp thực phẩm và bổ sung các vitamin, chất khoáng một cách hợp lý để không bị thiếu các acid amin thiết yếu, vitamin B12, năng lượng, kẽm, sắt.
Tránh thiếu máu do thiếu sắt bằng cách ăn nhiều rau quả (đặc biệt là cam, chanh, dưa đỏ, ớt, cà chua, bông cải xanh...). Rau quả có nhiều vitamin C giúp tăng cường hấp thu sắt và lấn át cả tác dụng ngăn cản hấp thu sắt của acid phytic, acid oxalic, acid tannic...
Để tránh thiếu kẽm có thể bổ sung bằng cách uống viên kẽm hoặc viên chứa kẽm.
Thức ăn thực vật giàu đạm thường thiếu một số acid amin thiết yếu như lysin (gạo, bắp, lúa mỳ), threonin (gạo), tryptophan (bắp) và methionin (các loại đậu). Nhưng tình trạng mất cân đối các acid amin sẽ không xảy ra nếu chúng ta biết cách phối hợp các loại đạm thực vật theo cách sau:
Rau đậu và các loại hạt. Ví dụ: Cháo với mè và đậu.
Ngũ cốc và họ rau đậu. Ví dụ: Cơm với đậu, súp đậu với bánh mỳ...
Rau có thể ăn với cơm, các hạt có dầu, mầm lúa mỳ.
Cần lưu ý cung cấp đủ lượng calo cần thiết cho những người như trẻ em đang lớn, phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, người bệnh đang trong giai đoạn hồi phục bằng cách ăn thêm bữa phụ và sử dụng những thức ăn thực vật giàu năng lượng như các hạt có dầu, sữa đậu nành...