Khóc ròng vì thương lái ngoại

11-06-2012 21:28 | Thời sự

Từ lâu nay, tình trạng thương lái Trung Quốc thu gom hàng nông lâm, thủy sản dưới mọi hình thức đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) và nông dân điêu đứng.

(SKDS) -  Từ lâu nay, tình trạng thương lái Trung Quốc thu gom hàng nông lâm, thủy sản dưới mọi hình thức đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) và nông dân điêu đứng. Để có thể gom được hàng với số lượng lớn, các thương lái Trung Quốc luôn đẩy giá lên cao hơn so với giá thị trường rồi đột ngột không thu mua nữa. Điều này không chỉ làm rối loạn thị trường mà còn dẫn đến nhiều hệ luỵ khác nghiêm trọng hơn.

Những “chiêu” mua bán của thương lái Trung Quốc

Trong những ngày này, nhiều hộ sản xuất ở Bến Tre rơi vào cảnh khốn đốn, ngưng hoạt động do thương lái Trung Quốc. Theo Hiệp hội Dừa Bến Tre, hiện 90% thạch dừa trong tỉnh do thương lái Trung Quốc (TQ) bao tiêu nên họ quyết định giá cả, sản lượng. Theo một chủ cơ sở thạch dừa tại Mỹ Thạnh An, ban đầu, các thương lái TQ đến từng hộ sản xuất gom thạch dừa thô với giá cao.
 
 Dừa khô ở Bến Tre được thu gom cho thương lái nước ngoài. Ảnh: T.Dân.
Họ mở đại lý thu mua ồ ạt, dẫn đến cơn sốt thạch dừa tại địa phương. Thấy có lời, nhiều hộ dân lao vào làm thạch dừa xuất khẩu. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn thu mua giá cao, thương lái TQ bắt đầu hạ giá thạch dừa xuống tận đáy. Từ chỗ mua thạch thô giá xấp xỉ 4.000 đồng/kg, đến nay họ đã hạ giá chỉ còn 1.300 đồng/kg. Đến lúc này, người sản xuất thạch dừa ở Bến Tre rơi vào thế lỡ làng, thua lỗ và gánh nặng nợ nần vì đã lỡ đầu tư sản xuất.

Cũng liên quan đến việc lách luật để thu mua nông sản. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, các DN có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (DN FDI) đã chiếm lĩnh 50% tổng sản lượng cà phê của Việt Nam. Mặc dù luật không cho phép các DN nước ngoài được mở mạng lưới gom cà phê trực tiếp nhưng trên thực tế, DN FDI núp bóng các DN, HTX mang danh nghĩa Việt Nam để lách luật, thu mua trực tiếp cà phê của nông dân.
Điều đáng nói, khi các DN FDI tăng thị phần, chiếm thị phần áp đảo thì khả năng cạnh tranh của các DN cà phê trong nước nguy cơ thua trên sân nhà. Nguyên nhân do khung hành lang pháp lý cho việc cấp phép cho DN FDI kinh doanh cà phê còn chưa chặt chẽ, khả năng giám sát hoạt động của các DN FDI còn lỏng nên xảy ra tình trạng lách luật, cạnh tranh thiếu minh bạch, gây khó cho DN trong nước. 
Không chỉ tại Bến Tre, trong những tháng đầu năm nay, hoạt động mua bán tại một số cảng cá trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bỗng nhiên sôi động hẳn lên khi xuất hiện tình trạng các chủ vựa và các đầu nậu người Việt Nam ào ạt thu mua hải sản để bán lại cho các thương lái TQ.

Việc thương lái TQ thu mua hải sản trong bối cảnh nguồn cung hàng khan hiếm đang là một sức ép lớn, gây xáo trộn thị trường; đồng thời, còn khiến cho nhiều DN chế biến hải sản tại Bà Rịa - Vũng Tàu như "ngồi trên lửa" do thiếu nguồn nguyên liệu, do không cạnh tranh nổi với thương lái TQ.

Các mặt hàng được thương lái TQ tìm mua là cá mắt kiếng, cá hố, cá bò, bạch tuộc 2 da, cá thu khô, cá chỉ vàng khô, mực nang khô... Giá thu mua mỗi kg cao hơn giá của các chủ vựa, đại lý trong nước từ 5.000 - 10.000 đồng. Có lúc, việc thu mua diễn ra ồ ạt trong thời gian ngắn với giá tăng vọt, rồi sau đó, đột ngột ngưng mua hoặc ép giá.

Hệ lụy nghiêm trọng

Vấn đề không chỉ dừng lại ở việc gây rối loạn thị trường, tại các cơ sở mua bán và chế biến hải sản trên địa bàn huyện Long Điền cho thấy, thương lái TQ áp dụng hình thức “mua đứt bán đoạn”. Đến khi việc mua bán diễn ra suôn sẻ trong vài lần và lấy được uy tín thì họ chuyển sang phương thức mua hàng theo kiểu gối đầu và dần dần chờ đến thời điểm thuận lợi nhất, thường là vào lúc cận Tết mới gom hàng bỏ trốn. Hệ quả là người dân và các cơ sở thu gom hàng bị giật nợ. Đã có trường hợp số tiền bị giật lên tới hàng tỉ đồng, như trường hợp của DN tư nhân Hoà Thắng Lợi. Sau hơn 3 năm làm ăn với thương lái TQ, DN này đã bị lừa trên 1 tỉ đồng.

Nguy hiểm hơn, trong khoảng 4 tháng đầu năm 2012, thương lái TQ ùn ùn tìm đến vựa lúa ĐBSCL. Họ đến tận các địa phương tìm mua gạo chất lượng cao, gạo thơm. Một số thương lái TQ sang tận nhà máy, DN xuất khẩu gạo của Việt Nam để đề nghị trộn gạo trắng thông thường với gạo thơm theo tỉ lệ 50:50 rồi mua về nước bán với mác gạo thơm. Đây là việc làm bất thường, ảnh hưởng xấu đến uy tín chất lượng gạo Việt Nam. Theo lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đây là hành động cố tình phá hoại nền sản xuất và xuất khẩu gạo của nước ta.

 Người nông dân cần cảnh giác với “chiêu” thu mua nông sản ồ ạt của thương lái Trung Quốc.

Không chỉ dừng lại ở các mặt hàng trên, nhiều nông dân sản xuất các mặt hàng khác như rau, củ, quả… ở nhiều địa phương khác cũng bị tư thương TQ đẩy vào tình cảnh tương tự.

Trước diễn biến phức tạp từ các vụ việc thương lái TQ thao túng, thu gom hàng nông lâm, thủy sản dưới mọi hình thức mà nguyên nhân tồn tại tình trạng này là do thương lái TQ vào nước ta mua hàng nguyên liệu nhưng “núp bóng” các DN tư nhân nhỏ trong nước nên rất khó kiểm soát. Để xử lý tình trạng này, các ngành chức năng, nhất là chính quyền các địa phương cần chủ động tiến hành kiểm tra các thương lái TQ đến thu mua hàng hóa trên địa bàn có được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh thu mua hàng nông sản hoặc hải sản của cơ quan quản lý Nhà nước hay không? Về phía người dân, các chủ DN, đại lý cũng cần cảnh giác trước những “chiêu” lừa đảo này để tránh bị thiệt hại.
 
Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn của ngành nông nghiệp cần phải làm tốt công tác quy hoạch đối với đất nông nghiệp, khuyến cáo hướng dẫn người nông dân nên trồng loại cây gì, nuôi con gì cho phù hợp, không nên chạy theo thị hiếu tùy tiện ồ ạt trồng các loại cây không theo quy hoạch, hậu quả người nông dân phải gánh chịu.           
 

Bài và ảnh: Phạm Hải


Ý kiến của bạn