Khóc dở vì gửi xe ngày Tết

16-02-2013 15:00 | Thời sự
google news

Do vẫn đang trong thời gian nghỉ Tết nên lượng người đổ đến các điểm vui chơi công cộng và vãn cảnh chùa khá đông. Do đó, không ít điểm trông giữ xe tự phát đã “mọc” lên đua nhau “chặt chém” khách…

Do vẫn đang trong thời gian nghỉ Tết nên lượng người đổ đến các điểm vui chơi công cộng và vãn cảnh chùa khá đông. Do đó, không ít điểm trông giữ xe tự phát đã “mọc” lên đua nhau “chặt chém” khách…
 
Khóc dở vì gửi xe ngày Tết 1
 Nhiều du khách phải chấp nhận trả tiền trông giữ xe cao gấp nhiều lần
so với ngày thường chỉ vì Tết cái gì cũng tăng
Ngang nhiên “móc túi”


Có mặt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (quận Đống Đa, Hà Nội) chiều mùng 5 Tết, phải rất vất vả chúng tôi mới tìm được chỗ gửi xe. Bên cạnh điểm trông giữ xe của Công ty Khai thác điểm đỗ Hà Nội, quanh khu vực này còn “mọc” lên hàng chục điểm trông giữ xe của tư nhân, điểm nào cũng đông nghẹt. Du khách và phương tiện chen chúc nhau trên lòng đường, vỉa hè, tạo ra cảnh tượng khá lộn xộn. Dù đã hỏi trước nhưng chúng tôi vẫn phải trả 20.000 đồng cho 1 chiếc xe máy. Do bất ngờ và bức xúc, không ít chủ phương tiện đã quay ra tranh cãi gay gắt với người trông giữ xe. Anh Lê Đình Trung, ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội cho biết, chưa đầy 1 ngày du xuân quanh thành phố, anh Trung đã phải móc hầu bao gần 500.000 đồng chỉ để… thanh toán tiền gửi xe: “Đến Phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc... hay Văn Miếu gửi xe, tôi đều bị hét giá trông giữ cao gấp nhiều lần ngày thường. Số tiền trông giữ ô tô dao động từ 50-150.000 đồng/lần. Điều này diễn ra khá ngang nhiên mà chẳng thấy đơn vị nào đứng ra kiểm tra xử lý. Tôi có cảm giác như mình đang bị móc túi vậy” – anh Trung phàn nàn.

Không chỉ các khu vui chơi, khu vực quanh các chùa lớn cũng là “mảnh đất màu mỡ” cho dịch vụ giữ xe hốt bạc. Tại khu vực quanh tổ đình Phúc Khánh (phố Tây Sơn, quận Đống Đa), để phục vụ khách đi lễ, vỉa hè, lòng đường cũng bị một số cá nhân tận dụng triệt để để căng dây trông giữ xe. Người dân dù rất bất bình nhưng đành “nhắm mắt đưa chân” vì không còn sự lựa chọn nào khác. Do các điểm trông giữ xe này không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, không được trang bị đầy đủ các thiết bị phòng cháy chữa cháy, người trông giữ không có chuyên môn, nghiệp vụ nên nếu xảy ra rủi ro, chủ phương tiện chỉ biết “kêu trời”. 

Chị Vũ Thị Thanh, ở đường Xuân La, quận Tây Hồ chia sẻ, ngày mùng 3 Tết chị cùng chồng đi lễ chùa. Do các bãi xe bên trong quá đông nên chị Thanh đành gửi xe ở bên ngoài rồi đi bộ vào. Khi ra đến nơi, chị Thanh phát hoảng khi thấy bãi xe mình gửi bỗng dưng… biến mất. Đang lo lắng vì tưởng mất xe, chị Thanh được một người đàn ông đến rỉ tai: “Bãi xe không phép nên vừa bị giải tán. Chủ bãi sợ bị phạt nên “bỏ của chạy lấy người”. May là xe của chị được một người ở gần đây cất giúp. Nếu muốn lấy lại xe chị phải “bồi dưỡng” cho người đó 2 triệu đồng”. Xem lại tấm vé giữ xe, chị Thanh chỉ thấy một dòng chữ nguệch ngoạc ghi biển số xe của chị, ngoài ra không có bất cứ thông tin nào về địa chỉ, số điện thoại cũng như tên chủ bãi giữ xe. Do không muốn phiền phức và mất thêm thời gian nên chị Thanh đành “xuống nước”, xin “nộp” 500.000 đồng rồi ra về dù biết mình đã bị lừa một vố khá đau trong ngày đầu xuân mới. 

Thận trọng kẻo “mất cả chì lẫn chài”

Tại khu vực quanh hồ Gươm, nơi trang trí những chậu hoa đủ loại, ngập tràn sắc màu để người dân đến vui chơi, thưởng ngoạn. Bởi vậy, những bãi gửi xe cũng được dịp “hét giá”. Theo ghi nhận của chúng tôi giá trông một xe máy từ 20.000 – 30.000 đồng/xe, thậm chí có chỗ “hét” tới 50.000 đồng, trong khi những ngày thường chỉ từ 5.000 – 10.000 đồng/xe. Các điểm gửi xe khác gần hồ thì giá trung bình 20.000 đồng/xe. Một số điểm như công sở, nhà dân cũng nhân dịp này trông xe cho khách để kiếm thêm. Anh Nguyễn Tuấn Anh, ở phường Đức Giang, quận Long Biên cho hay: “Đi chơi xuân mà cứ thấy khó chịu bởi cái gì cũng tăng giá. Tôi định gửi xe gần hồ rồi cùng vợ con dạo một vòng chiêm ngưỡng đường hoa và chụp một vài bức ảnh làm kỷ niệm, nhưng tiền gửi xe đắt quá nên cả nhà đành ngồi trên xe ngắm từ xa vậy…”. 

Thông thường, tại các điểm trông giữ xe tự phát, người trông chỉ có những chiếc vé xe tự chế khá sơ sài để làm tin, còn khách chỉ biết im lặng nhận vé. Trong khi đó, với một số điểm trông giữ xe chuyên nghiệp có in vé xe, giá in trên vé rõ ràng nhưng nhân viên trông giữ vẫn thản nhiên thu của khách... số tiền gấp hàng chục lần giá ghi trên vé. Tại một điểm trông giữ xe trên phố Đinh Lễ, khi khách hàng thắc mắc “sao giá đắt thế” thì ngay lập tức vị khách này nhận được những lời nói khó chịu của người trông xe thậm chí còn bị… đuổi thẳng thừng. Một nhân viên trông xe tại điểm trông giữ xe tại khu vực hồ Gươm cho biết, giá vé gửi xe ban ngày đã là 20.000 đồng/xe, từ 18h tối đến sáng hôm sau giá tăng gấp… 5 lần. Chỉ cần làm một phép tính nhẩm đơn giản, tiền phí trông xe một đêm ở điểm này cũng lên đến tiền triệu.

Về tình trạng trên, theo một đại diện của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, bên cạnh đoàn kiểm tra liên ngành của các sở, ở các quận, huyện cũng có đoàn kiểm tra về giá trông giữ xe. Tuy vậy, tại một số địa phương việc kiểm tra và xử phạt còn chưa nghiêm. Do không được cấp phép nên các điểm giữ xe tự phát thường hay xảy ra mất mát phương tiện, khi bị kiểm tra thì giải tán rất nhanh. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực của cơ quan chức năng, người dân cũng cần phải thận trọng, cảnh giác, không gửi xe ở những bãi xe tự phát, mập mờ thông tin, cần kiểm tra kỹ thông tin cần thiết in trên vé xe để có cơ sở giải quyết khi bị mất xe kẻo đầu năm mới lại “mất cả chì lẫn chài”.
 
Theo An ninh Thủ đô

Ý kiến của bạn