Nhiều trẻ sơ sinh thường khóc vào ban đêm, dân gian thường gọi là “khóc dạ đề”. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, hiện tượng khóc về đêm có thể xảy ra ở hầu hết trẻ nhỏ. Tuy nhiên, chỉ một số trường hợp là khóc dạ đề thực sự, còn hầu hết là khóc do mắc bệnh lý như bệnh còi xương hoặc bệnh lồng ruột.
Các bậc cha mẹ cần phân biệt hiện tượng khóc dạ đề với khóc do bệnh lý ở trẻ. Ảnh: Gettyimages |
Tuy nhiên, nếu cơn khóc của trẻ kéo dài hơn hoặc kèm theo biểu hiện khác thường thì cha mẹ cần nghĩ ngay đến vấn đề khóc do bệnh lý. Trẻ khóc nhiều về đêm có thể là dấu hiệu trẻ bị còi xương. Bệnh này thường làm cho trẻ mệt mỏi, khó chịu, sinh ra quấy khóc trong thời gian dài. Nguyên nhân có thể là do chế độ dinh dưỡng của trẻ không đảm bảo hoặc trẻ được chăm sóc trong phòng kín, thiếu ánh sáng nên bị thiếu vitamin D.
Ngoài ra, đó cũng có thể là biểu hiện trẻ bị lồng ruột. Trẻ khóc dữ dội, có thể kèm theo triệu chứng như nôn, hay khóc thét lên, ưỡn người, bỏ bú và đi ngoài ra máu. Trong trường hợp này, cha mẹ cần đưa bé đi cấp cứu ngay.
Chính vì vậy, các bậc cha mẹ cần phân biệt hiện tượng khóc dạ đề với khóc do bệnh lý ở trẻ. Ngoài cơn khóc, trẻ vẫn khỏe mạnh, ăn, ngủ bình thường thì cha mẹ không cần phải quá hoảng hốt. Khi dỗ cần bế ở tư thế mà bé ưa thích, đu đưa nhẹ nhàng và hát ru để trẻ dễ ngủ lại. Không nên tập trung nhiều người cùng dỗ trẻ một lúc vì có thể khiến trẻ hoảng sợ. Tuy nhiên, nếu thấy trẻ có kèm theo các dấu hiệu biếng ăn, vã mồ hôi, đặc biệt là mồ hôi trộm... cha mẹ nên đưa con đi khám để phát hiện bệnh. Cha mẹ nên tăng cường chế độ dinh dưỡng cho trẻ, đặc biệt là không nên giữ trẻ quá kỹ trong phòng tối vì trẻ bị thiếu vitamin D sẽ bị bệnh còi xương và có thể mắc các bệnh về hô hấp, da liễu do môi trường ẩm thấp. Có những trường hợp trẻ vừa bị còi xương, vừa suy dinh duỡng nên nhẹ cân, người mệt mỏi hay quấy khóc nhưng cha mẹ vẫn chủ quan. Vì thế, nhiều trẻ đến khám muộn khiến tình trạng bệnh càng trầm trọng hơn.
Bác sĩ Hạnh Trinh