Ma chay vốn là chuyện riêng của mỗi nhà, song trong thời hội nhập đã biến chuyện riêng tư này trở thành miền đất hứa cho dịch vụ tang lễ phát triển rầm rộ trong thời gian qua. Chính trong môi trường cạnh tranh này, mỗi một công ty dịch vụ lễ tang lại vẽ ra vô số mục để rồi biến một đám ma vốn lẽ cần sự tĩnh tâm, yên ả cho sự ra đi của người đã khuất trở thành một đám lễ với tạp phế lù nghi lễ Tây, Tàu, âm thanh bát nháo đến kệch cỡm.

Một đám ma ở Hải Phòng được gia chủ chọn “gói dịch vụ vip”. Ảnh: Phương Lâm
Ðộc chiêu PR của “nhà hòm”
“Nhà hòm” là biệt danh để nói đến những trung tâm chuyên làm dịch vụ tang lễ và phát triển rầm rộ thời điểm hiện nay, đặc biệt tại các thành phố lớn. Với đặc thù bận rộn trong công việc làm ăn, cũng do neo người và không gian chật chội nên phần lớn những gia đình tại các thành phố không may có người ra đi sẽ tìm đến với những dịch vụ này và chắc chắn không phải lo lắng về khâu tổ chức lễ hiếu miễn là dám chi. Theo một “chủ hòm” tại phường Lê Chân, Hải Phòng thì công ty có hẳn một đội quân chuyên thu thập tin tức về người... sắp mất. Lúc đầu, tôi hơi ngạc nhiên, song khi nghe “chủ hòm” này giải thích mới thấy được sự hoạt động chuyên nghiệp của các “nhà hòm”. Thì ra, chủ các “nhà hòm” ngoài việc quảng bá công ty của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng, rải tờ rơi thì họ thu thập thông tin về đám hiếu bằng chiêu trả 100 ngàn tiền mặt cho người cung cấp thông tin đầu tiên về gia đình có người đã hoặc sắp khuất núi. Ngay khi có thông tin, các “nhà hòm” điều ngay nhân viên chuyên làm quảng cáo (PR) để tiếp thị dịch vụ của “ nhà hòm” đến với gia chủ. Cũng trong câu chuyện với một chủ chuyên dịch vụ tang lễ ở vùng đất cảng này, tôi đã được xem một quyển sổ tới dày 18 trang, khổ giấy A4 ghi các khoản, mục phục vụ tang lễ kèm giá tiền. Tổng cộng có 25 mục lớn, hơn 70 mục nhỏ mà cơ sở này có thể phục vụ trong một đám ma từ cung cấp cây nến, bát cơm cúng cho đến phông bạt, chụp ảnh, xe ôtô mui trần... Không chỉ có nhiều mục, các cơ sở kinh doanh dịch vụ đám ma ở Hải Phòng còn có nhiều “gói dịch vụ” đáp ứng mọi nhu cầu của khách. Câu hỏi đầu tiên của nhân viên tiếp thị “nhà hòm” với gia chủ sẽ là: Gia đình định làm mức giá nào? 30, 50 hay 100, 200 triệu? Từ mức giá 100 triệu trở lên, đám tang được xếp vào hàng quan “đám VIP”. Và khi triển khai gói dịch vụ này thì “nhà hòm” sẽ huy động một đội quân hùng hậu đến vài chục người đảm nhận mọi khâu từ dựng bàn thờ, lo quan quách, đồ lễ, khăn áo, thầy cúng, bói kiêm luôn... pháp sư. Ngoài ra, đảm nhận luôn việc chuẩn bị ôtô, loa đài, trống, kèn rồi đội sênh tiền, thanh nữ, phật tử, quay phim, chụp ảnh... Gia chủ không cần động tay vào bất cứ việc gì, thậm chí nếu không khóc được thì đã có đội quân chuyên... khóc thuê đảm nhận.

Cận cảnh một bàn lễ được bày biện công phu tại một đám ma. Ảnh: PV
Cũng chính do sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ tang lễ tại thời điểm này nên có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các “nhà hòm” và mỗi “nhà hòm” đều có chiêu khuyến mại khác nhau, thậm chí còn quá trớn. Một chị bạn ở Hải Phòng kể lại: Năm ngoái, khi lo hậu sự cho ông nội chị, cũng có một nhân viên của Công ty dịch vụ tang lễ PH tại Hải Phòng đến tiếp thị dịch vụ. Sau một hồi thao thao bất tuyệt, quảng bá các gói dịch vụ thấy chưa thuyết phục được gia đình nên anh nhân viên này đã tung ra đòn quyết định rằng: Hiện nay, công ty cháu đang có chương trình khuyến mại đặc biệt nếu gia đình chọn lựa dịch vụ của chúng cháu sẽ được khuyến mại thêm một... cỗ quan! Nghe đến đây, cụ bà giận tím mặt, lắc đầu ngao ngán.
Và bi hài nhạc kèn đám
Từ lâu, trong mỗi đám hiếu truyền thống thì nhạc tang dùng trong lễ viếng chủ yếu là phường bát âm. Ngày nay, trong xu thế “hòa nhập”, đám tang xuất hiện thêm đội kèn đồng với khoảng 20 - 30 người (tùy vào phía gia chủ chọn gói dịch vụ). Và quả thật, được chứng kiến tận mắt một đám tang có cả phường bát âm và đội kèn đồng cùng tham dự trong các khâu: tẩm liệm, động quan và hạ huyệt mới thấy hết sự bát nháo. Theo cáo phó của gia đình thì lễ truy điệu sẽ được tiến hành lúc 8h sáng, vậy mà chỉ khoảng 5h30’, khi các gia đình trong cả con ngõ đang yên giấc, tiếng kèn tỉ tê của phường bát âm phát ra như muốn du dương đưa người đã khuất về với tổ tiên thì bỗng đội kèn đồng lên tiếng với tiếng trống “oành oành” rồi tiếng kèn đồng “té tè te” rít lên bài “ Tình cha”. Tiếp sau đó là bài “Công đức sinh thành”. Khi đã “vào phom”, một loạt các bài hát khác vang lên, nhạc ta có, nhạc tây có. Tiếng kèn nhạc, tiếng khóc ai oán của gia chủ xoáy vào nhau tít mù, tôi thoáng thấy thái dương mình căng phồng khó thở. Những âm thanh này không chỉ khiến người sống thức giấc bật giật mà không khéo cũng khiến người đã khuất “hồn xiêu phách lạc”. Và khi đưa đám, phường bát âm và đội kèn đồng thi nhau thổi kèn, đánh trống tạo nên màn kết hợp cổ - kim bát nháo. Phường bát âm chưa dứt điệu “Hành vân” truyền thống thì dàn kèn đồng vang lên hai bài “Cát bụi” và “Một cõi đi về” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trên cả hành trình đưa thi hài người đã khuất đến đài hóa thân Hoàn Vũ của thành phố. Anh Thịnh, “lính ruột” đội kèn của Công ty dịch vụ tang lễ TD ở Hải Phòng tâm sự: Luật của nhạc đám ma thật ra không có! Hầu hết chỉ theo yêu cầu của gia chủ. “Phần lớn gia chủ đều yêu cầu những bài hát người chết thích nghe lúc còn sống” - anh nói. Nếu gia chủ không có yêu cầu gì thì tùy vào hoàn cảnh mà xướng diễn. Ví dụ: Tang xóm nghèo thì chơi nhạc sến, xóm đạo thì chơi nhạc Thánh. Nếu muốn an toàn thì chơi nhạc Trịnh, đám nào cũng hợp. Anh cho tôi biết, bài hát phổ biến nhất trong các đám ma chính là hai bài “Cát bụi” và “Một cõi đi về” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Phần lớn những người trong đội đều không được học qua trường lớp, bài bản (vì không có trường dạy thổi kèn đám ma). Thành thử, một người biết rồi chỉ cho nhiều người. Nhạc cụ sử dụng phần lớn đều là hàng “second hand” trôi nổi trên thị trường, chịu khó cũ một tí, nhưng dùng tốt hơn, lại đỡ tốn kém.


Dàn kèn đồng toàn nữ của một “nhà hòm” chuẩn bị đội hình cho việc chuyển quan.
Sự hỗn tạp trong nhạc đám tại nhiều đám hiếu ở Hải Phòng hiện nay chỉ là một trong rất nhiều mục được các “nhà hòm” pha tạp, vẽ ra để lấy tiền những gia chủ thích hình thức, muốn đám ma của gia đình mình phải to, không đụng hàng. Đại đức Thích Thanh Vân - Học viên Học viện Phật giáo Việt Nam (Sóc Sơn, Hà Nội) nêu quan điểm: Nhiều phong tục về tang lễ là nét truyền thống, di sản văn hóa của dân tộc, chúng ta nên giữ. Tuy nhiên, theo quan điểm nhà Phật, đám tang nên làm nhanh, gọn và đơn giản, không nên chi cả mấy chục triệu đồng chỉ vì loại áo quan xịn, loại xe sang. Cốt là ở cái tâm của người còn sống. Theo Đại đức Thích Thanh Vân, hiện nay nhiều đám tang bị gia chủ cố tình kéo dài từ 3 - 5 ngày. Thậm chí có gia đình còn mời cả một đoàn các “thầy cúng” đến làm lễ mấy ngày đêm. Đây là việc không nên làm. Những tục lệ như để người mất 3 ngày trong nhà, tổ chức ăn uống linh đình nên bỏ đi. Nhà Phật cũng không ủng hộ việc nhiều gia đình làm tang lễ cho người mất theo kiểu Tây, như thế e rằng cái văn hóa dân tộc, hồn dân tộc sẽ bị mai một.
Vi Hoàng
Dàn kèn đồng thực hiện bài “Cái bụi” khi di chuyển quan vào nhà tang lễ.