Khoanh vùng nơi dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất

04-10-2022 06:30 | Xã hội

SKĐS - Hiện bản đồ phân vùng cảnh báo sạt lở đất cho các tỉnh miền núi đã được xây dựng ở rất nhiều tỉnh, dựa vào đây có thể nhận biết và phòng tránh, di dời khỏi các điểm có nguy cơ cao.

Bản đồ cảnh báo sạt lở

Được biết, dự án "Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng núi Việt Nam" do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản triển khai thực hiện từ năm 2012 đã thành lập được bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 trên 22 tỉnh miền núi phía Bắc và bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 cho 15 tỉnh.

TS Trịnh Xuân Hòa, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết, sản phẩm chính của Dự án là 2 loại bản đồ: Bản đồ hiện trạng trượt lở đất đai (TLĐĐ) và bàn đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ.

Về bản đồ hiện trạng trượt lở đất đai (TLĐĐ) tỷ lệ 1:50.000, đã hoàn thành tại 22 tỉnh miền núi phía Bắc gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hòa Bình, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng và Quảng Ngãi. Năm 2020 sẽ thành lập bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá cho 3 tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Thái Nguyên.

Khoanh vùng nơi dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất - Ảnh 1.

Nghệ An nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao trên bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở đất.

Về bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ tỷ lệ 1:50.000, 15 tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Hòa Bình đã có loại bản đồ này. Hai loại bản đồ có giá trị sử dụng khác nhau, trong đó bản đồ hiện trạng giúp địa phương hình dung một cách tổng quan về tình hình TLĐĐ tại địa phương để đề ra hướng giải quyết; còn bản đồ phân vùng cảnh báo đóng vai trò quan trọng trong việc đề  ra giải pháp để giảm thiểu thiệt hại.

Bộ bản đồ hiện trạng TLĐĐ giúp các cấp chính quyền nắm bắt được toàn cảnh thực trạng xảy ra TLĐĐ ở địa phương mình. Bản đồ này cung cấp thông tin chi tiết về từng vị trí, từng khu vực đã xảy ra TLĐĐ đến thời điểm được điều tra, khoanh vùng sơ bộ các khu vực có nguy cơ xảy ra TLĐĐ cao trên cơ sở tổng hợp các kết quả khảo sát. Địa phương và các đơn vị liên quan có thể sử dụng bộ bản đồ như một công cụ cảnh báo sơ bộ về nguy cơ tái xuất hiện TLĐĐ tại các vị trí đã từng xảy ra trong các khu vực đã điều tra, cũng như cảnh báo về nguy cơ xảy ra TLĐĐ tại các vị trí, khu vực có điều kiện tự nhiên - môi trường tương đồng.

Phòng tránh sạt lở đất dài hạn

Việt Nam đã có bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tại hơn 20 tỉnh, nhưng vì sao cho đến nay vẫn không thể dự báo được sạt lở đất? 

PGS.TS Trần Tân Văn, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết, về lý thuyết là có thể dự báo được trượt lở và trên thực tế, ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ tiên tiến trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, nhất là Hong Kong, người ta đã triển khai các biện pháp quan trắc, giám sát một số sườn dốc cụ thể, quan trọng, thậm chí có thể lắp đặt một số thiết bị quan trắc thời gian thực, giám sát qua internet, dự báo được khá chính xác thời điểm có thể xảy ra trượt lở.

Khoanh vùng nơi dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất - Ảnh 2.

Có thể giảm thiểu thiệt hại của lũ quét, sạt lở đất bằng nhiều biện pháp khác nhau.

Tuy nhiên chỉ dự báo được đối với một số sườn dốc quan trọng mà trượt lở xảy ra ở đó có thể gây ra hậu quả lớn về người và cơ sở vật chất. Ví dụ dọc các đường cao tốc, gần các trung tâm dân cư lớn... Còn nhìn chung đối với các sườn dốc tự nhiên, ở các vùng nông thôn, miền núi như Việt Nam vẫn rất khó khăn.

PGS.TS Trần Tân Văn cho biết, thiên tai sạt lở là rất khó lường, không thể giảm thiểu tuyệt đối nhưng hoàn toàn có thể giảm thiểu tối đa bằng các biện pháp căn bản, tận gốc. Chẳng hạn công tác theo dõi, cảnh báo, ứng phó, cứu hộ, cứu nạn sẽ phải được triển khai đến từng cấp cơ sở, cấp xã, cấp bản và tới từng hộ dân; chính sách bảo hiểm thiên tai sẽ cần phải được thực hiện; thảm rừng cần được phục hồi và bảo vệ một cách thực chất, thực sự nghiêm túc; các dự án thủy điện, thủy lợi, giao thông, cơ sở hạ tầng cần được xem xét một cách cẩn trọng hơn rất nhiều.

Trước mùa mưa bão, cơ quan đánh giá trượt lở cần tiến hành rà soát rất cả các điểm có nguy cơ cao để cánh báo người dân. Các địa phương cần lên phương án dự phòng, diễn tập, xác định trước các điểm có khả năng cao phải sơ tán khi có mưa kéo dài. Cần tích hợp bản đồ phân vùng sạt lở vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, tránh quy hoạch khu tái định cư, phát triển dân cư… ở nơi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở…

Sau mưa lớn dài ngày vẫn cảnh giác sạt lở

Theo  PGS.TS Trần Tân Văn, có một điều ông đã cảnh báo từ lâu nhưng chưa được lắng nghe đúng mức là việc xây dựng công trình, nhà cửa ở chân các sườn đồi, sườn dốc sẽ dẫn đến nguy cơ sạt trượt rất lớn. Hiện nay, không chỉ ở miền Trung mà đa phần các tỉnh miền núi, hiện tượng này là phổ biến. 

Người dân có thói quen tạo mặt bằng xây nhà cửa, công trình bằng cách xúc đất, san phẳng ở chân đồi. Các sườn đồi, dốc đã trải qua nhiều năm ổn định địa chất, về tự nhiên chúng gần như không sạt trượt. Nhưng khi con người can thiệp, san phẳng chân đồi, "cắt chân" đồi sẽ làm mất cân bằng giữa lực gây trượt và kháng trượt địa chất. Khi thời tiết khô ráo thì không sao, nhưng khi mưa xuống kéo dài, khả năng kháng trượt của nền đất sẽ rất yếu dẫn đến trượt lở.

Sạt trượt không chỉ xảy ra trong khi mưa mà còn có thể xảy ra sau khi mưa một thời gian khá dài, khi đất vẫn còn ngậm nước. Chỉ đến khi toàn bộ nền địa chất đã khô hẳn thì mới kết thúc chu trình sạt trượt. Do vậy, TS Trần Tân Văn cảnh báo người dân phải hết sức cảnh giác trước khi trở lại sinh sống ở các khu vực có nguy cơ, đã xảy ra sạt trượt.

Tốt nhất là sơ tán, chọn một địa điểm khác an toàn hơn để xây dựng nhà cửa. Bản đồ cảnh báo sạt trượt đã được các nhà khoa học bàn giao cho Sở Tài Nguyên và Môi trường địa phương, người dân có thể tham khảo.

Các điểm ở Nghệ An tiếp tục có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đấtCác điểm ở Nghệ An tiếp tục có nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất

SKĐS - Nguy cơ xảy ra sạt lở đất ở trung du, vùng núi, ven sông tại tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh rất cao, đề phòng sự cố ở các công trình thủy lợi nhỏ, xung yếu.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Tối 3/10: Cán bộ ném tiền nói vì con khuyết tật bị coi thường, lên tiếng xin lỗi chủ quán ăn| SKĐS



Tô Hội
Ý kiến của bạn