Khoanh vùng, khống chế kịp thời ổ dịch bạch hầu tại Đăk Nông

26-06-2020 10:14 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trước diễn biến của dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh Đăk Nông, ngày 25/6, BS. Hà Văn Hùng, Phó GĐ Sở Y tế tỉnh Đăk Nông đã có cuộc trao đổi với phóng viên (PV) báo Sức khỏe&Đời sống.

PV: Xin ông cho biết tình hình dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn và công tác chỉ đạo khống chế, xử lý của ngành y tế triển khai thế nào?

BS. Hà Văn Hùng: Ngày 8/6,  ngành y tế đã phát hiện tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Nhà May mắn ở xã Đăk Sôr (Krông Nô, Đăk Nông) có bệnh nhân nhiễm bệnh bạch hầu đầu tiên. Sau đó xuất hiện thêm các ổ dịch khác tại hai xã Quảng Hòa và Đăk R’Măng (thuộc huyện Đăk Glong). Đến nay có 12 người dương tính, 1 người tử vong. Hầu hết bệnh nhân được điều trị ở Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, sức khỏe diễn biến khả quan. Ngay khi xuất hiện dịch, ngành y tế địa phương đã khẩn trương, quyết liệt thực hiện các giải pháp như: Khoanh vùng, xử lý ổ dịch, hạn chế tối đa việc lây lan trong cộng động; Cấp hơn 20.000 viên thuốc đặc trị cho hơn 1.000 người dân trong vùng xuất hiện ca bệnh và 10.000 liều vắc-xin phòng bệnh bạch hầu người 7 tuổi đến dưới 40 tuổi tại khu vực ổ dịch.

Cùng với đó cử nhiều cán bộ y tế giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm từ tuyến tỉnh xuống địa bàn để dập dịch; Huy động tổng lực để vệ sinh, khử khuẩn, tiêu trùng trên diện rộng; Rà soát toàn bộ trong các khu dân cư đã có người nhiễm bệnh và các vùng lân cận xem ai chưa được tiêm vắc-xin phòng bạch hầu sẽ tiến hành tiêm dự phòng.

Khoanh vùng, khống chế kịp thời ổ dịch bạch hầu tại Đăk NôngBS. Hà Văn Hùng, Phó GĐ Sở Y tế Đăk Nông.

PV: Bác sĩ cho biết mức độ nguy hiểm của dịch?

BS. Hà Văn Hùng: Nguy hiểm nhất là lan trong cộng đồng. Tuy nhiên, một trong những điều quan trọng nhất đó là mỗi nhân viên y tế đều xác định dập dịch là điều quan trọng nhất. Thuốc men và hóa chất được huy động tối đa, đáp ứng đầy đủ.

Tại hai xã Quảng Hòa và Đăk R’Măng đã thành lập 2 đội phản ứng nhanh kịp thời nắm bắt thông tin dịch bệnh, tiến hành điều tra dịch tễ, dù nửa đêm phát hiện ca bệnh nghi ngờ cũng được chúng tôi xử lý ngay. Chính vậy nên, đến nay có thể khẳng định đã khống chế được các ổ dịch, chặn đứng nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Người dân có thể an tâm nhưng tuyệt đối không chủ quan mà phải làm theo các hướng dẫn của ngành y tế, nhân viên y tế.

PV: Ông cho biết,  khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bạch hầu ở tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Đăk Nông là gì?

BS. Hà Văn Hùng: Khó khăn lớn nhất đó là ở những điểm bùng phát ổ dịch như Đăk R’Măng (thuộc huyện Đăk Glong) nằm ở nơi có điều kiện kinh tế còn hạn chế. Nhiều cụm dân cư hay thôn buôn cách xa huyện, xã đến gần 100km đường rừng hoặc đường đất. Nhân lực y tế bám địa bàn lại mỏng nên khi có dịch chúng tôi phải tức tốc băng núi, vượt rừng nhiều tiếng đồng hồ để tiếp cận ổ dịch và xử lý. Khi đó, phải cả hệ thống chính quyền địa phương chung tay vào dập dịch. Khó khăn nữa là nhiều khu vực người Mông sinh sống trình độ còn hạn chế, nhận thức về dịch bệnh còn kém, dù được thông báo nhiều nhưng vẫn chưa hình thành thói quen đưa con em mình đi tiêm vắc-xin phòng bệnh.

Sau khi các ổ dịch được khoanh vùng, khống chế, ngành y tế địa phương xác định chuyển sang giai đoạn mới là đến từng buôn, gõ cửa từng nhà để điều tra dịch tễ, tiến hành các biện pháp phòng dịch.

PV: Biện pháp “dài hơi” hơn y tế địa phương cần có giải pháp gì để nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng chống dịch bạch hầu?

BS. Hà Văn Hùng: Cùng với việc các nhân viên y tế ở các địa bàn đến từng nhà, gặp từng người để tuyên truyền cho họ hiểu các con đường lây lan bệnh, cách phòng bệnh. Để công tác phòng dịch hiệu quả, ngành y tế đề nghị các huyện, xã, thành phố cùng các tổ chức khác tập trung tuyên truyền mạnh mẽ, thiết thực. Mỗi gia đình phải hiểu rõ việc tiêm phòng bạch hầu và một số bệnh khác cho con em mình đúng lịch trình là cách bảo vệ sức khỏe tốt nhất.

Trong trường học các cấp cũng phải tăng cường nắm bắt tình hình học sinh của mình, khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh gì cần phối hợp với phụ huynh đưa đến cơ sở y tế ngay. Cùng với đó, ngành y tế cũng sẽ thường xuyên tập huấn công tác giám sát, điều tra dịch tễ, phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh bạch hầu cho các bác sĩ, nhân viên y tế làm công tác phòng, chống dịch. Có như vậy, việc phòng chống dịch mới đạt được hiệu quả cao.

PV: Cảm ơn ông!

Các ổ dịch đã ổn định

Ngay sau khi ghi nhận thông tin các trường hợp mắc, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cử đội đáp ứng nhanh hỗ trợ địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Đồng thời chỉ đạo ngành y tế địa phương tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch; điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần và có nguy cơ; Tiến hành phun khử khuẩn môi trường tại khu vực ổ dịch và tại các gia đình có học sinh đi về tại địa phương; Tổ chức ngay các lớp tập huấn cho cán bộ y tế về công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân; Đẩy mạnh công tác thu dung, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất số biến chứng nặng và tử vong; Tổ chức tiêm vắc-xin chống dịch tại khu vực ổ dịch; Triển khai các chốt cách ly toàn bộ các hộ gia đình có người mắc bệnh, hạn chế người ra vào tại khu vực ổ dịch; Đẩy mạnh truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình và tại địa phương để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, đặc biệt tuyên truyền rõ lợi ích của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh và vận động người dân đưa trẻ em đi tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu bảo đảm đủ mũi và đúng lịch. Đến nay các ổ dịch đã ổn định, tại huyện Krông Nô đã qua 16 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới và tại huyện Đăk Glong đã qua 4 ngày không ghi nhận thêm trường hợp dương tính với bạch hầu. Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ và tiếp xúc với mầm bệnh.

PV


Hà Văn Đạo (thực hiện)
Ý kiến của bạn