Khoảnh khắc trở thành mãi mãi

08-10-2014 07:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trong làng nhiếp ảnh Việt Nam, cái tên Nguyễn Á đa không còn xa lạ. Đồng nghiệp và công chúng biết đến anh không phải vì anh đa có 20 năm cầm máy,

Trong làng nhiếp ảnh Việt Nam, cái tên Nguyễn Á đa không còn xa lạ. Đồng nghiệp và công chúng biết đến anh không phải vì anh đa có 20 năm cầm máy, cũng không phải vì anh đa giành được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế mà có lẽ bởi sự tận tụy hết lòng của anh với nghề đa cho ra đời những tác phẩm lưu lại được nhiều khoảnh khắc ấn tượng, nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem.

Không như nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh khác chuyên chú vào một đề tài, ống kính của Nguyễn Á “lia” vào nhiều ngóc ngách khác nhau của cuộc sống. Hàng loạt triển lãm ảnh của anh với những chủ đề khác nhau đã gây được tiếng vang: Thanh niên tình nguyện mùa hè xanh (2007), Họ đã sống như thế (2009) về những người tàn tật, Tâm và tài - Họ là ai? (2013) là gương mặt người nổi tiếng trong mọi lĩnh vực và gần đây nhất là Hoàng Sa - Trường Sa - Biển đảo Việt Nam (2014) về con người, cảnh vật và các sự kiện liên quan về Hoàng Sa - Trường Sa, được đánh giá cao ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam.

Một tác phẩm của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á.

Để có những bức hình sống động này, Nguyễn Á đã mất 4 năm lăn lộn và 5 chuyến ra Hoàng Sa, Trường Sa ngay cả trong những ngày biển Đông dậy sóng để ghi lại những khoảnh khắc xúc động với hình ảnh những chiến sĩ vượt qua gian khó, ngày đêm bám biển, bám đảo giữ gìn quê hương. Để có thể lọc ra hơn 1.000 bức ảnh mang triển lãm và in thành sách Hoàng Sa - Trường Sa - Biển đảo Việt Nam, Nguyễn Á đã phải chụp tới hơn 10.000.000 bức. Cũng như bất cứ cuốn sách ảnh nào của Nguyễn Á trước đây, những bức hình của anh trong cuốn Hoàng Sa - Trường Sa - Biển đảo Việt Nam đều thấm đẫm chất nghệ thuật và báo chí với cái tâm nồng nhiệt với nghề - yêu đến tận cùng và say mê cũng đến tận cùng. Ở đó là sự tiếp cận nhiều chiều, nhiều góc độ trong cuộc sống của những con người đang canh giữ biển đảo và của những ngư dân đang bám đảo trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Hơn 1.000.000 bức ảnh được sắp xếp như một biên niên kỷ về Hoàng Sa - Trường Sa: Chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; Những tấm gương dũng cảm để bảo vệ biển đảo; Tình cảm của đồng bào, chiến sĩ trong và ngoài nước luôn hướng về biển đảo; Cuộc sống lạc quan, yêu đời của các chiến sĩ, ngư dân trên đảo chìm, đảo nổi. Qua tập sách ảnh của Nguyễn Á, người xem có thể hình dung được một hiện thực sinh động trên biển Đông từ khi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trên lãnh hải Việt Nam và cuộc đấu tranh gay gắt của những người bám biển, giữ biển. Những bức ảnh Trung Quốc gây hấn trên biển Đông như những bằng chứng cụ thể về tội ác của tàu Trung Quốc tại vùng biển của Việt Nam được ống kính Nguyễn Á ghi lại đầy đủ, rõ nét sẽ là một minh chứng cho nhân loại. Trong cuốn sách ảnh, có rất nhiều bức mà để chụp được, tác giả đã phải chấp nhận những tình huống nguy hiểm, khó khăn. Nhưng chứng kiến cảnh tàu Trung Quốc phun vòi rồng, cố tình đâm va tàu Việt Nam xảy ra gần như thường xuyên mỗi ngày, các kiểm ngư viên đã phải lấy thân mình, lấy quần áo để chắn những tấm kính không để nước phun vỡ, anh cảm thấy khâm phục tinh thần dũng cảm của các kiểm ngư viên. Anh bảo, họ chính là tấm gương để mình học hỏi và quyết tâm phải tiếp cận, ghi lại bằng được những hình ảnh này. Chính vì vậy mà những bức ảnh của Nguyễn Á không chỉ giàu tính nghệ thuật mà còn đậm chất báo chí, hướng đến những con người giàu nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Để theo đuổi nghệ thuật, Nguyễn Á không chỉ mất thời gian, sức lực mà còn tốn kém tiền bạc. Tất cả những cuộc triển lãm ảnh, in ấn sách anh đều tự bỏ tiền túi, không viện đến một nguồn tài trợ nào. Anh bảo, vì muốn có sự vô tư và độc lập trong sự lựa chọn của mình. Có thể việc làm đó sẽ không đầy đủ theo ý muốn của một số người, nhưng quan trọng nhất là làm được điều mình tâm huyết. Thông điệp của cuốn sách ảnh mà anh muốn gửi tới mọi người là: Dân tộc Việt Nam luôn khát khao hòa bình, nhưng không bao giờ nhân nhượng. Cuộc đấu tranh của chúng ta đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ của thế giới, nhất định chúng ta sẽ giữ được chủ quyền đất nước.

Để ghi nhận những đóng góp của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á, sáng 4/10/2014, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã tổ chức tọa đàm khoa học:  Ảnh nghệ thuật Hoàng Sa - Trường sa về biển đảo Việt Nam của Nguyễn Á. Rất nhiều nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa, Anh hùng Lực lượng vũ trang... đã đến dự và đều đánh giá cao giá trị tư tưởng của tập sách ảnh. Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Vũ Quốc Khánh đánh giá nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á là một nghệ sĩ trẻ xông xáo, ngành nhiếp ảnh coi Nguyễn Á là một hiện tượng. Ông khẳng định: Cuốn sách là một bộ sưu tầm bằng ảnh báo chí - một thể loại quan trọng của nghệ thuật nhiếp ảnh. Dưới góc độ lịch sử, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, những tấm ảnh Nguyễn Á chụp không chỉ dành cho những người hôm nay mà còn là mai sau, vì biển đảo là câu chuyện lâu dài. Theo ông, tài sản này là của Nguyễn Á, nhưng nó cũng là tài sản của xã hội, những bức ảnh này phải được lưu trữ để sử dụng lâu dài. Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng La Văn Cầu chia sẻ niềm tự hào về những đồng đội của mình, trong niềm xúc động, các ông bảo, Nguyễn Á đã làm chúng tôi vơi đi nỗi đau Hoàng Sa - Trường Sa...

Rất nhiều ý kiến của những người có trách nhiệm: TS. Lê Bá Trình, TS. Mai Liêm Trực, GS. Hồ Ngọc Đại, GS. Nguyễn Lân Dũng, GS. Phong Lê, NSND Đặng Nhật Minh, NSND Chu Thúy Quỳnh... cùng đề xuất cần tuyên truyền rộng rãi cuốn sách này trong xã hội và cả đối ngoại, thậm chí là cả với nhân dân Trung Quốc để họ hiểu cuộc xâm lăng này. Không chỉ đánh giá về nghệ thuật, nhiều ý kiến còn đề nghị tuyên dương nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á, cụ thể đề nghị được tặng Giải thưởng Nhà nước và trao huân chương. Đây có lẽ là sự tưởng thưởng xứng đáng với những đóng góp của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á.

LAN HƯƠNG

 


Ý kiến của bạn