Thị trường phim Việt khá sôi động với mùa phim Tết 2014. Những bộ phim mặc dù không có nội dung đặc sắc nhưng đậm chất giải trí, hài hước với sự góp mặt của những ngôi sao trong showbiz hứa hẹn sẽ “đốt cháy phòng vé” như mấy năm trước. Thực đơn có rất nhiều món, nhưng tìm đỏ mắt cũng không có bộ phim nào dành cho trẻ em. Đơn giản thôi, Tết không phải mùa phim cho trẻ em, nhưng ngặt một nỗi, ngay cả mùa phim hè, trẻ em cũng chưa chắc đã được xem phim đúng với lứa tuổi của mình.
Trên sân nhà - phim thiếu nhi thua về số lượng
Mùa phim Tết 2014 sẽ tiếp tục chứng kiến sự “đổ bộ” của dòng phim nội ở khắp các cụm rạp với sự phong phú về thể loại. Phim hài hước có Tèo em, Năm sau con lại về, Đại gia chân đất 4. Thể loại tâm lý, tình cảm, hài hước có Cô dâu đại chiến 2, Hai lúa... Tuy nhiên, những bộ phim ra mắt vào dịp Tết thường không phù hợp với trẻ em vì dù có hài hước nhưng thế nào cũng có tí “mãn nhãn” câu khách kiểu “chuông reo là... cởi”. Ngay cả bộ phim Hai lúa có sự tham gia của Á quân The Voice kid mùa đầu tiên Phương Mỹ Chi cũng không hướng đến khán giả nhí. Có lẽ đã từ rất lâu, phim Việt dành cho thiếu nhi vẫn là một khoảng trống chưa được lấp đầy...

Bao giờ Việt Nam mới có một bộ phim hấp dẫn như Tom and Jerry cho thiếu nhi?
Mùa hè vừa qua, Trung tâm chiếu phim Quốc gia đưa ra một “menu” phim hè đặc sắc cho thiếu nhi, trong đó không hề thấy “bóng dáng” bất kỳ một bộ phim Việt nào. Được biết, chương trình phim hè năm nay gồm 10 bộ phim, cả hoạt hình lẫn phim truyện như: Khách sạn huyền bí, Jack và đại chiến người khổng lồ, Lạc vào xứ OZ, Gia đình Croods, 12 con giáp, Công viên khủng long (phần 4) và Xì trum 2 (phiên bản 3D)... Ở những rạp chiếu phim khác, bộ phim Epic (Trận hùng chiến xứ sở lá cây) và The flying machine (Chiếc đàn kỳ diệu) cũng đang được nhiều bạn trẻ chào đón. Dạo qua các kênh truyền hình, mùa hè nào Tây Du ký cũng là bộ phim được trình chiếu nhiều nhất. Phim Việt Nam thì quanh đi quẩn lại vẫn là mấy bộ phim có “tuổi thọ” khá cao như Kính vạn hoa, Tuổi thần tiên, Đội đặc nhiệm nhà C21, xa hơn nữa là Đất rừng phương Nam, Bong bóng lên trời... - Những bộ phim được sản xuất khá lâu và có lẽ giờ đây không còn phù hợp với trẻ em thế hệ 9X, 10X. Một thời truyền hình Việt Nam cũng là nơi cho “ra lò” những bộ phim dành cho thiếu nhi phản ánh cuộc sống, tâm tư, tình cảm, những rung động về tình bạn, tình yêu của lứa tuổi “ô mai” như 12A4H, Phía trước là bầu trời, Những thiên thần áo trắng... ít nhiều tạo được dấu ấn trong lòng khán giả. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thì dường như không có bộ phim nào dành cho đối tượng thiếu nhi thực sự ấn tượng được sản xuất và trình chiếu.
Và cả chất lượng
Phim Việt dành cho thiếu nhi không chỉ thiếu về số lượng mà ngay cả chất lượng phim cũng không đủ sức cạnh tranh với phim nước ngoài. Phim hoạt hình là một ví dụ rõ nét. Rất nhiều ông bố, bà mẹ muốn cho con em mình xem phim hoạt hình Việt Nam để qua đó giúp các em hiểu về ngôn ngữ, lịch sử, phong tục tập quán, truyền thống con người Việt Nam nhưng mong muốn đó cũng không dễ thực hiện. Việc ra hàng băng đĩa tìm mua một đĩa phim hoạt hình Việt Nam quả là rất khó. Lý do mà các cửa hàng không phân phối dạng phim này là “không bán được”. Mua được đĩa rồi thì chỉ xem đến lần thứ hai là con trẻ “đòi chuyển” đĩa khác. Thú thực, phim hoạt hình Việt còn đơn giản cả về nội dung lẫn cách thức kể chuyện, hình ảnh, màu sắc chưa sinh động. Kênh truyền hình Catoon Network (CN) – một kênh truyền hình dành cho thiếu nhi luôn “trình làng” nhiều bộ phim hoạt hình hấp dẫn và series phim hoạt hình Tom and Jerry phát sóng hàng ngày trên kênh này luôn có lượng khán giả nhí rất ổn định. Sở dĩ câu chuyện giữa chú mèo (Tom) và chú chuột (Jerry) “ăn khách” là bởi ở đó có sự sáng tạo, thông minh và hài hước. Những câu chuyện được thể hiện thông qua hình ảnh sinh động, không cần lời nói nhưng người xem vẫn có thể hiểu và sáng tạo cùng nhân vật. Hãng sản xuất phim hoạt hình Walt Disney có cách tiếp cận mới trong sản xuất phim hoạt hình từ những câu chuyện cổ tích. Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn hay Hoàng tử ếch... là những câu chuyện mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể thuộc lòng và kể vanh vách, nhưng khi vào phim hoạt hình, trẻ em vẫn bị cuốn hút bởi đó không còn là chuyện cổ tích đơn thuần mà đan xen yếu tố hiện đại, rất gần gũi, hấp dẫn. Phim truyện nước ngoài dành cho thiếu nhi luôn tạo được “bom tấn”, điều này dễ hiểu bởi họ nắm bắt được tâm lý trẻ em thời đại mới. Những câu chuyện hài hước, thông minh với sự “hậu thuẫn” kỹ xảo điện ảnh hiện đại, có khả năng “nối dài” khả năng sáng tạo của trẻ em chắc chắn sẽ được trẻ em đón nhận. Phim truyện Việt Nam đang rất thiếu yếu tố này.

Á quân The Voice Kid 2013 – Phương Mỹ Chi sẽ góp mặt trong mùa phim Tết này nhưng đó không phải là phim dành cho thiếu nhi.
Không chỉ phim ảnh, các hoạt động vui chơi giải trí dành cho thiếu nhi cũng đang thiếu vắng. Những bài đồng dao cho trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn đọc xong cũng phải đỏ mặt, những bài toán đầy bạo lực kiểu dùng cách chặt ngón tay để minh chứng cho một phép trừ đơn giản... gây xôn xao cộng đồng. Liệu đây có phải nguyên nhân khiến trẻ em Việt buộc phải giải trí bằng những bộ phim lớn hơn tuổi, chơi những sân chơi dành cho người lớn và ngày càng ưa bạo lực? Hãy khoan trách các thí sinh của The Voice kid hay Đồ rê mí sao cứ hát những bài não nề, sao cứ phải hát tiếng Anh, sao trả lời phỏng vấn “già dặn thế” mà trước tiên phải trách người lớn – những người có trách nhiệm tạo ra sân chơi cho các em. Có thể việc đầu tư sản xuất, trình chiếu những bộ phim dành cho thiếu nhi không mang lại lợi nhuận cao hay lợi nhuận tức thì nhưng đó là cách làm giàu cho tương lai, cho đất nước từ chính những tâm hồn trẻ thơ được nuôi dưỡng và vun đắp bằng truyền thống văn hóa của dân tộc.
Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng trở thành cuốn sách “best seller” trên văn đàn Việt Nam. Ai cũng mong được trở về tuổi thơ và con trẻ thì luôn mong muốn được sống mãi cùng tuổi thơ. Tuy nhiên, có một nghịch lý là: có tiền rồi, tìm mua một vé về tuổi thơ cũng rất khó, bởi đôi khi, chẳng có chuyến tàu nào muốn trở về tuổi thơ cả...
Tường Phạm