Hà Nội

Khoảng trời riêng của tranh sơn mài

22-12-2018 15:43 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nhắc đến mỹ thuật Việt thì không thể bỏ qua sơn mài. Đây không chỉ đơn giản là một trong các chất liệu hội họa ở Việt Nam, nó còn là sự tìm tòi và phát triển kỹ thuật của nghề sơn ta truyền thống.

Sơn mài thường bị “đánh đồng” với các vật dụng thủ công mỹ nghệ của một số nước châu Á. Tuy nhiên, kỹ thuật mài là điểm khác biệt lớn giữa đồ thủ công mỹ nghệ nước ngoài và tranh sơn mài Việt Nam.

Vươn lên từ khó khăn

Việt Nam có khá nhiều trường mỹ thuật, nhưng không phải nơi nào cũng có chuyên ngành đào tạo sơn mài truyền thống. Bởi thế, những ai thực sự đam mê sơn mài đều tìm đến một địa chỉ rất đỗi quen thuộc của họ - Trường trung cấp Nghề Tổng hợp Hà Nội (số 21 Bùi Bằng Đoàn, quận Hà Đông). Ban đầu, trường có tên là Xưởng Mỹ nghệ Giải phóng trực thuộc Liên hiệp xã Tiểu công nghiệp - Thủ công nghiệp Trung ương, sau đổi là Trường Thủ công Mỹ nghệ Hà Tây. Tại đây có những học viên đầu đã hai thứ tóc, có những học viên trẻ vừa tốt nghiệp phổ thông, lại có cả những học viên định cư ở nước ngoài, một năm về Việt Nam vài tháng để bổ túc nghề nghiệp, khi trở về nơi định cư thì mang theo rất nhiều tác phẩm về triển lãm. Và rất nhiều họa sĩ đã tốt nghiệp đại học mỹ thuật trong nước, thậm chí nước ngoài, có người học vị tiến sĩ ở ngành khác cũng tụ tập về đây.

Những ai dõi theo dòng lịch sử của nghề sơn mài có lẽ đều biết, ngôi trường này từng gặp nhiều khó khăn, có giai đoạn tưởng chừng bị chững lại, nhưng với lòng yêu nghề của người dạy và người học, nghề sơn mài đã được vực dậy, khởi sắc. Việc đào tạo nghề sơn mài ở đây là một hình thức đào tạo mở. Học viên có thể đăng ký học linh động về thời gian nên nhiều sinh viên đại học mỹ thuật, kiến trúc... các họa sĩ hay những người yêu thích vẽ tranh sơn mài có thể bổ túc kiến thức, thực hành vẽ tranh sơn mài tại trường một cách chắc chắn.

Mỗi năm, trường đón hàng chục đoàn khách từ các nước trong khu vực như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Myanmar... và gần đây là Đoàn họa sĩ Sơn mài châu Á tới tham quan việc đào tạo nghề làm tranh sơn mài. Với những nỗ lực theo đuổi gìn giữ nghề trong hàng chục năm qua, Trường trung cấp Nghề Tổng hợp Hà Nội xứng đáng là nơi bảo tồn, tôn vinh nghệ thuật sơn mài ở đất Hà thành, là nơi chắp cánh cho sơn mài Việt phát triển.

Người thưởng ngoạn có tâm và có tầm chắc chắn sẽ tìm đến những sản phẩm mang tính nghệ thuật đích thực.

Người thưởng ngoạn có tâm và có tầm chắc chắn sẽ tìm đến những sản phẩm mang tính nghệ thuật đích thực.

Niềm tự hào của mỹ thuật Việt Nam

Công chúng yêu hội họa ai cũng mừng khi thấy dòng tranh sơn mài truyền thống của dân tộc có những nét mới hứa hẹn sự khởi sắc trước sự sáng tạo không ngừng của lớp họa sĩ trẻ. Nhưng không ít người trong số đó nhanh chóng cảm thấy ái ngại khi biết có họa sĩ chỉ trong vòng 2-3 năm sáng tác ra vài chục bức sơn mài. Con số ấy đã ít nhiều cho thấy chất lượng của tranh thế nào. Bởi theo cách làm sơn mài truyền thống thì để hoàn thành một bức tranh người họa sĩ phải mất đến hàng tháng, thậm chí hàng năm. Để chạy theo số lượng, nhiều họa sĩ đã sử dụng các hóa chất nhập ngoại như sơn điều, sơn Nhật Bản để vẽ, các công đoạn khác cũng ứng dụng máy móc công nghiệp chứ không hoàn toàn là thủ công như trước. Có ý kiến bày tỏ, nếu cứ sản xuất kiểu công nghiệp như thế thì đâu còn là tranh sơn mài nữa. Lúc này, “trái bóng” được đá sang công chúng - yếu tố quyết định sự sinh tồn và phát triển của sơn mài chính thống. Người thưởng ngoạn có tâm và có tầm chắc chắn sẽ tìm đến những sản phẩm mang tính nghệ thuật đích thực.

Gần đây, nhiều cuộc triển lãm về tranh sơn mài truyền thống được tổ chức ở nước ngoài đã phần nào cho thấy khát vọng của người làm nghề. Mới nhất phải kể đến cuộc triển lãm Tranh sơn mài và ảnh nghệ thuật Việt Nam do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức tại thành phố Melbourne, Australia từ ngày 14 đến 18/12.

Triển lãm giới thiệu 10 bức tranh sơn mài của những tên tuổi lớn trong nền mỹ thuật Việt Nam như các họa sĩ: Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Phan Kế An... Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Trần Thị Thu Đông chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng thông qua hoạt động triển lãm giàu ý nghĩa lần này sẽ kết nối tình hữu nghị, tạo được sự quan tâm, yêu thích, mong muốn tìm hiểu, khám phá về nghệ thuật và giới thiệu quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam nhằm đem đến cho công chúng yêu nghệ thuật Australia cũng như bạn bè quốc tế cái nhìn sâu sắc hơn về nghệ thuật tranh sơn mài và các di sản văn hóa của Việt Nam”.

Trước đó, tháng 9/2017, hai bức tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Gia Trí và Phi Phi Oanh cũng được triển lãm tại Phòng trưng bày quốc gia Singapore và được đông đảo công chúng nước bạn đón nhận. “Mặc dù sơn mài được coi là một vật liệu “bất thường” trong giới nghệ thuật, tác phẩm Les Fées của họa sĩ bậc thầy Nguyễn Gia Trí và Pro Se của nghệ sĩ đương đại Phi Phi Oanh đã cho thấy được sơn mài cũng là động lực cho sự sáng tạo nghệ thuật”, đại diện Phòng trưng bày quốc gia Singapore phát biểu.

Ngay lúc này, nghệ thuật sơn mài đương đại vẫn đang tiếp tục kế thừa và phát triển với nhiều lối biểu hiện và tìm tòi mang đậm dấu ấn và tính sáng tạo của từng cá nhân nghệ sĩ. Bên cạnh đó, những người làm nghề chân chính luôn hiểu rằng, những gì thuộc về truyền thống thì họ sẽ luôn gìn giữ và phát huy. Sự xoay chuyển chóng mặt của xã hội đã khiến cho một bộ phận trong giới nghệ sĩ bị cuốn theo, nhưng rõ ràng, sơn mài truyền thống là giá trị không thể thay thế.


Nam Phương
Ý kiến của bạn