“Khoảng tối” sau ánh đèn trời

28-08-2016 08:17 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Thả đèn trời hay thả đèn hoa đăng từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống ở nhiều vùng miền trên cả nước.

Thả đèn trời hay thả đèn hoa đăng từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống ở nhiều vùng miền trên cả nước. Đây là một hoạt động rất độc đáo cần được duy trì và phát huy. Nhưng bên cạnh đó, những nguy cơ hủy hoại môi trường sống đến từ việc thả đèn hoa đăng, đèn trời cũng ngày một hiện hữu.

Thả đèn trời hay gieo thảm họa?

Đốt đèn trời là một hoạt động thường diễn ra trong các dịp lễ hội. Nhưng theo ghi nhận trong thời gian gần đây, đèn trời đã trở thành “thủ phạm” gây ra nhiều vụ cháy. Trong số đó có một số vụ để lại hậu quả nghiêm trọng như: vụ đèn trời rơi vào lưới điện cao thế 35KV Long Biên (Hà Nội) khiến 20.000 hộ dân phải đón giao thừa không có điện, hoặc vụ cháy cáp viễn thông (Bưu điện Hà Nội) làm ảnh hưởng đến thông tin của tuyến trục viễn thông liên tỉnh... Chưa hết, không ít lần đèn trời rơi xuống khu vực các kho chứa xăng dầu ở Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh. Rất may các đơn vị đã kịp thời ứng phó và dập tắt đèn trời, không để xảy ra sự cố.

Một nét văn hóa đẹp dễ biến thành thảm họa bởi những biến tướng và sự thiếu ý thức.

Thực tế, đèn trời không có lỗi. Theo phân tích của các chuyên gia, thả đèn trời thường diễn ra trong các lễ hội, nhưng trước đây ít gây cháy, vì đèn trời được làm bằng giấy dó, khung tre, nến đốt làm bằng mỡ động vật. Lượng mỡ đó được tính toán đủ để đèn trời khi thả, chỉ sáng một lúc trên không trung, rồi tự tắt và rơi xuống, nên khá an toàn. Nay thì đã khác. Việc đốt đèn trời bị lạm dụng và lan nhanh thành phong trào trong một bộ phận thanh thiếu niên. Đèn trời ngày nay làm bằng những vật liệu dễ cháy, sơ sài, không đúng kỹ thuật. Chất đốt làm bằng đủ loại như giẻ tẩm dầu, cao su, nhựa, nilon.

Điều đáng nói là văn hóa thả đèn trời bây giờ cũng đã bị biến tướng khá nhiều. Những nhóm thanh niên, vì máu ăn thua, thi thố xem đèn nào sáng hơn, cháy lâu hơn, bay xa hơn, thậm chí họ còn đặt các thợ làm đèn trời cho thật nhiều chất dễ cháy, sau đó viết điều ước của mình vào đèn trời rồi thả lên... Khi thả, đèn trời thực chất là sử dụng lửa trần, phụ thuộc vào gió và người chơi không thể kiểm soát được khi xảy ra sự cố.

Theo cách đó, đèn trời - một hình ảnh vốn đẹp đẽ, thiêng liêng và lãng mạn bỗng trở thành “hung thần” lúc nào không hay. Hiện nay, hễ nhắc đến đèn trời, nhiều người tỏ ra ngán ngẩm, thậm chí sợ hãi. Bởi thế mà ở nhiều nơi, việc thả đèn trời đã hoàn toàn bị cấm, cũng giống như cách mà người ta cấm pháo. Tiếc cho một nét đẹp văn hóa của dân tộc, oan cho sự khéo léo, khoa học trong tư duy của người làm đèn. Nhưng không phải lệnh cấm làm sai, mà vì có những người làm đèn không đúng kỹ thuật, có những người chơi nhận thức kém nên đèn trời bị cấm hàng loạt.

Phố cổ oằn mình trong rác

Tương tự nét văn hóa thả đèn trời, thả đèn hoa đăng trên sông vốn không còn là hoạt động xa lạ đối với các du khách khi đến với Hội An. Hàng nghìn du khách, trong đó có nhiều khách nước ngoài, rất thích thú với hình thức này. Họ cùng cầu nguyện những điều tốt đẹp đến với bản thân, gia đình, người thân và bạn bè. Hội An là một phố cổ xinh đẹp, nhất là khi đêm về, dòng sông trở nên lung linh với những ngọn hoa đăng. Khách du lịch bảo nhau, họ không thể rời khỏi Hội An mà không thả một ngọn đèn nào xuống dòng sông Thu Bồn.

Nhưng đằng sau vẻ đẹp lung linh ấy lại là một mảng tối mà không phải ai cũng nhận ra. Một vị khách nước ngoài từng tâm sự, anh không hề phủ nhận đèn hoa đăng rất đẹp. Nhưng những chiếc đèn hoa đăng ấy sẽ trôi về đâu? Khi chúng ta thả thêm một ngọn đèn cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đang ném thêm rác xuống biển?

Trước kia, lễ hội hoa đăng chỉ được cử hành mỗi tháng một lần vào dịp trăng tròn. Nhưng giờ đây, những chiếc đèn hoa đăng được thắp và thả xuống sông tất cả các đêm trong tháng để phục vụ khách du lịch phương Tây. Ngày nay, Hội An đã trở thành một trong những điểm đến yêu thích nhất của du khách nước ngoài ở Việt Nam và những chiếc đèn hoa đăng ở đây cũng không làm sứt mẻ đi chút tình cảm nào của họ với phố thị này, nhưng nó khiến họ phải nghĩ về những tác động gián tiếp mà họ gây ra...

Và thực tế đang chứng minh điều đó là sự thật, phía sau sự lung linh thường lệ của hoạt động thả đèn hoa đăng, dòng sông Thu Bồn lại “oằn mình” trong rác... Theo ghi nhận, đèn được thả trôi sông đa phần còn lại bã nến và xác đèn cháy dở, phần nến sẽ chìm xuống lòng sông, phần xác đèn theo gió trôi dạt tấp vào bờ gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước và mất mỹ quan đô thị.

Đến nay, câu chuyện quản lý đèn trời và đèn hoa đăng vẫn chưa có hồi kết. Nhưng đã đến lúc bản thân mỗi chúng ta nên nghĩ đến việc mình sẽ làm gì để gìn giữ vẻ đẹp quê hương, đất nước của mình cả ngay bây giờ và trong tương lai.


Nam Phương
Ý kiến của bạn