Khoảng lặng văn học thiếu nhi

11-06-2016 16:21 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Trong dòng chảy chung của nền văn học, sách cho lứa tuổi thiếu nhi trong và ngoài nước vẫn được các nhà xuất bản (NXB) phát hành với số lượng lớn

Trong dòng chảy chung của nền văn học, sách cho lứa tuổi thiếu nhi trong và ngoài nước vẫn được các nhà xuất bản (NXB) phát hành với số lượng lớn, góp phần giáo dục các em nhỏ hướng thiện, hình thành nhân cách, có lối sống tốt đẹp... Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng, các sáng tác văn học thiếu nhi ở nước ta trong thời gian qua còn nhiều khoảng lặng.

Vì đâu nên nỗi?

Hiện nay trên thị trường văn học, nhiều đầu sách dành cho độc giả nhỏ tuổi vẫn xuất hiện ở hầu hết các nhà sách. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, để tìm ra những tác giả - tác phẩm xuất sắc, đạt đến đỉnh cao như Dế Mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi), Văn ngan tướng công (Vũ Tú Nam), Góc sân và khoảng trời (Trần Đăng Khoa), Quê nội (Võ Quảng), Lá cờ thêu sáu chữ vàng (Nguyễn Huy Tưởng)... thì thật sự khan hiếm, thậm chí có thể xem các tác phẩm vừa nêu là di sản ở mảng văn học thiếu nhi.

Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài được dịch ra nhiều ngôn ngữ, đã đến với nhiều bạn đọc nhỏ tuổi ở 40 quốc gia trên thế giới.

Nhiều người trong nghề tỏ ra lo lắng về sự thiếu hụt những sáng tác cho thiếu nhi. Hiện nay tác giả viết sách cho thiếu nhi thật sự xuất sắc chỉ đếm trên đầu ngón tay, tiêu biểu có nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, gần đây tạo được tiếng vang với tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã được chuyển thể thành phim với nhiều dấu ấn cả về điện ảnh lẫn văn học. Dạo quanh các nhà sách lớn, nhỏ trên địa bàn thành phố Hà Nội, chúng tôi rất khó có thể tìm thấy góc nổi bật trưng bày sách, truyện thiếu nhi “made in Việt Nam”, nếu có cũng chỉ là những tác phẩm nổi tiếng được tái bản nhiều lần của các tác giả “cây đa, cây đề” như: Nguyễn Kiên, Ma Văn Kháng, Trần Đức Tiến, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Vũ Tú Nam, Trần Đăng Khoa... Còn lại, các nhà sách hầu hết trưng bán những sách, truyện tranh nước ngoài vốn thu hút các em nhỏ, đắt khách như: Doraemon, Bảy viên ngọc rồng, Thám tử lừng danh Conan... Theo chị Kim Ngân, nhân viên một cửa hàng sách tại đường Láng (Hà Nội): “Đối với dòng sách văn học thiếu nhi, nhà sách thường nhập những cuốn truyện tranh nước ngoài hoặc những tác phẩm văn học của Nguyễn Nhật Ánh, với sách thơ, văn mới của nước ta thì rất ít vì không lôi cuốn các em nhỏ”.

Nhà văn Phong Điệp cho rằng, chúng ta thiếu những giọng văn của một thế hệ viết mới, nhiều tác phẩm viết cho các em vẫn quẩn quanh những câu chuyện nhắc nhớ ký ức một thời. Một số tác giả lại quá đề cao tính giáo dục nên tác phẩm văn học trở nên cứng nhắc, giáo điều khiến cho trẻ em sợ... đọc. Theo nhà văn Phong Điệp, có thời điểm chúng ta phát hiện nhiều tác giả viết cho thiếu nhi qua các cuộc thi nhưng nay các tác giả này đã và đang chuyển dần sang viết cho người lớn hoặc dừng sáng tác. Thực tế này khiến nhiều người nhớ lại lời của cố nhà văn Tô Hoài: “Văn học thiếu nhi Việt Nam gần như không vận động, không có phong trào, không có lực lượng”.

Vực dậy bằng cách nào?

Theo bà Lê Phương Liên - Trưởng ban Văn học thiếu nhi (Hội Nnhà văn Việt Nam), có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng đáng buồn trên. Nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng chính là đội ngũ sáng tác thơ cho thiếu nhi ngày càng mỏng, các nhà thơ lại thiếu được quan tâm nên dần dà không mấy “mặn mà” với nghiệp cầm bút chứ chưa nói gì tới sáng tác thơ cho thiếu nhi.

Giới cầm bút dày dạn kinh nghiệm cũng từng nêu ra nhiều nguyên nhân khiến nền văn học của chúng ta thời gian qua thiếu tác giả, tác phẩm có chất lượng chinh phục bạn đọc nhỏ tuổi. Theo nhà thơ Cao Xuân Sơn, các nhà văn đã “viết mòn” về tuổi thơ mình và không theo kịp trẻ em bây giờ, vì thế ông Sơn cho rằng, các nhà văn này đừng viết như “những chiếc roi mang hình con chữ” để các em không muốn đọc. Trong khi đó, nhà văn gạo cội Lê Văn Thảo chỉ ra rằng, các em chưa yêu thích văn học thiếu nhi Việt Nam bởi người lớn viết cho thiếu nhi thường quên lứa tuổi đó sống và nghĩ như thế nào. Hiện nay thiếu nhi đã tiếp cận với khoa học kỹ thuật nhiều, trong khi đó có nhà văn lại không tiếp cận kịp nên nhiều khi tác phẩm bị lỗi thời.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa - tác giả của nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi từng khẳng định: “Viết cho thiếu nhi vô cùng khó”. Để mảng văn học thiếu nhi có nhiều tác phẩm xuất sắc, đáp ứng sự kỳ vọng của xã hội nói chung, bạn đọc nhỏ tuổi nói riêng, nhà văn Phong Điệp cho rằng, bên cạnh việc xây dựng đội ngũ sáng tác, tạo cơ chế để phát triển tài năng thì chính các tác giả cũng cần sự nỗ lực vượt bậc để sáng tác những tác phẩm hay, hấp dẫn bạn đọc vì chất lượng chính là yếu tố quyết định sự tồn tại của tác phẩm văn học. Trong khi đó, nhà văn Kim Hài đưa ra ý kiến, sách thiếu nhi cần phải được phê bình đến nơi đến chốn, các nhà văn sẽ không dễ dãi khi viết và các NXB cũng không dễ dãi in những tác phẩm chỉ có tính thương mại. Cũng có quan điểm, Hội nghề nghiệp phải ưu tiên mở trại viết văn học thiếu nhi. Mời các nhà văn có tâm huyết và đã có tác phẩm tham dự trại sáng tác này.


Phạm Quỳnh - Hà Hoa
Ý kiến của bạn