Khoảng lặng nhiếp ảnh

13-09-2019 06:47 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Có thể nói, hiện nay, bất kỳ ai đều cũng có thể trở thành nhiếp ảnh gia, có tác phẩm độc đáo. Thực tế cho thấy, nghệ thuật nhiếp ảnh Việt vẫn phát triển, nhưng giới trong nghề thừa nhận, dù có rất nhiều tác phẩm của người chụp chuyên nghiệp lẫn không chuyên, song để tìm ra bức ảnh chất lượng thực thụ rất khó. Chưa kể nhiếp ảnh nước nhà lâu nay chưa có thị trường đúng nghĩa.

Thiếu chất

Theo họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL), nhiếp ảnh là một nghề tổng hợp vừa là nghệ thuật, vừa có tính báo chí, thời sự, là hoạt động sáng tạo, đem đến cảm xúc thẩm mỹ, nhân văn cho người xem, lại vừa cần phải có trình độ hiểu biết và áp dụng công nghệ kỹ thuật mới. Cùng với sự phát triển không ngừng của đời sống xã hội, nhiếp ảnh Việt ngày càng có đông đảo người sáng tác và nhu cầu chụp ảnh, chơi ảnh, chụp ảnh để làm kỷ niệm, giao lưu, trao đổi, chia sẻ thông tin, tình cảm, sự kiện, truyền tải thông điệp ngày một nhiều. Từ một chiếc điện thoại thông minh sẵn có của mỗi người, các bức ảnh ra đời trong một tích tắc. Với số lượng “tay máy” đông đảo chưa có thống kê cụ thể, ranh giới giữa nghệ sĩ nhiếp ảnh đích thực và không chuyên ngày càng bị xóa nhòa.

Tuy nhiên, thực tế chỉ ra rằng, dù vẫn có nhiều tác phẩm ảnh của Việt Nam do các tay máy chuyên nghiệp sáng tác thời gian qua giành giải thưởng cao tại các sân chơi quốc tế nhưng nhìn chung, nhiếp ảnh Việt còn cho thấy nhiều hạn chế nhất định. Đặc biệt, theo họa sĩ Vi Kiến Thành, nhiếp ảnh ngày nay đã qua những giai đoạn chỉ cần là một bức ảnh đẹp về mặt thẩm mỹ đơn thuần. Một bức ảnh như vậy bây giờ rất nhiều người làm được. Nhiều cuộc thi ảnh do Cục Mỹ thuật, Hội nghề nghiệp tổ chức có đến hàng vạn tác phẩm dự thi nhưng chất lượng lại không cao hoặc đi vào lối mòn quen thuộc, cũ kỹ, không có những tác phẩm khác biệt và sáng tạo.

Khoảng lặng nhiếp ảnhCác tay máy săn ảnh mùa lúa chín ruộng bậc thang ở Tây Bắc.

Từng giành nhiều giải thưởng ảnh quốc tế, nhiếp ảnh gia Việt Văn đánh giá, trong một vài cuộc thi gần đây, quá nhiều ảnh chụp thanh niên tình nguyện, bộ đội, công an... Thế nhưng, những bức ảnh này không có nhiều sự đổi mới: ảnh thanh niên tình nguyện thì chủ yếu lo bới rác, làm sạch môi trường hoặc hiến máu còn các đồng chí công an hướng dẫn giao thông, dắt cụ già qua đường, bộ đội thì luyện tập, diễn tập. Trong khi đó, nhiều ảnh phong cảnh, con người vùng cao vẫn lặp đi lặp lại những ruộng bậc thang ngoằn ngoèo các mùa, người dân tộc ôm chó mèo, bên bếp lửa... Điều này phần nào phản ánh các tay máy đang thiếu đi tính sáng tạo cũng như tính phát hiện, thổi làn gió mới vào tác phẩm.

Một điều dễ dàng nhận thấy nữa trong hoạt động nhiếp ảnh chuyên nghiệp ở nước ta hiện nay, đó là nhiều nhà nhiếp ảnh đang lạm dụng kỹ thuật chỉnh sửa ảnh (photoshop). Có không ít nhà nhiếp ảnh xem photoshop là phù thủy, cứu cánh cho bức ảnh gốc thoát sự tầm thường, nhạt nhẽo. Nhiều bức ảnh được thêm khói, thêm mưa, nhân bản thêm đồ vật, chép thêm người... khiến bản thân tác giả và cả người xem bị đánh lừa cả thị giác. Vì thế, tác phẩm ảnh đó mất đi giá trị, đồng thời cho thấy người chụp đang thiếu đi ý tưởng và phải phụ thuộc vào công nghệ chỉnh sửa. Thêm nữa, theo nhiếp ảnh gia Việt Văn, tại các Liên hoan ảnh khu vực ở Việt Nam, năm nào cũng có chuyện bắt chước, copy nhau, thậm chí gần y chang, chỉ khác một vài chi tiết gọi là “cho có”.

Chưa có thị trường

Được biết, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam có hơn 1.000 hội viên, trong khi đó “làng” nhiếp ảnh có hàng ngàn nhiếp ảnh gia tự do, chưa kể “tay ngang” đam mê sáng tác ảnh hiện nay có thể là bất kỳ ai trong xã hội. Do đó, số lượng ảnh hàng năm các nhà nhiếp ảnh cả chuyên lẫn không chuyên thực hiện rất lớn. Chỉ tính riêng các cuộc thi do Cục Mỹ thuật chủ trì có khoảng 5.000 đến 15.000 ảnh, cuộc thi do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức thường nhận từ 15.000 ảnh đến 30.000 ảnh. Cuộc thi ở các tỉnh và đơn vị khác khoảng 10.000 đến 20.000 ảnh. Tuy nhiên, hầu hết tác giả vẫn chủ yếu chụp ảnh để thỏa mãn đam mê nghệ thuật, đăng tải trên mạng xã hội.

Nếu ngành mỹ thuật đã có nhiều cuộc đấu giá tranh với những tác phẩm được bán lên tới trăm triệu đồng, thì nhiếp ảnh chưa có hoạt động đấu giá nào. Nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp chia sẻ, hiện nay tại nước ta, mua bán ảnh chủ yếu là giao dịch mang tính cá nhân, trực tiếp. Rất nhiều trường hợp chỉ mua bán theo kiểu thỏa thuận miệng, việc định giá hầu như vào cảm tính của người bán người mua và đôi bên đều không có giấy tờ gì để chứng thực họ là chủ sở hữu bản quyền bức ảnh. Trước đây, một số nghệ sĩ mở trang web riêng, bán ảnh trên mạng, sau này là bán ảnh trên mạng xã hội. Điều này cho thấy nhiếp ảnh Việt chưa có thị trường đích thực như các nước trên thế giới dù chúng ta có nhiều tiềm năng để phát triển.

Theo giới trong nghề, để có thị trường ảnh phát triển, chúng ta cần tổ chức được ngân hàng ảnh làm dữ liệu cho nền nhiếp ảnh quốc gia, vừa khai thác phục vụ cộng đồng, vừa là cầu nối với người mua. Đơn vị đứng ra tổ chức phải chuyên nghiệp về mọi mặt, kể cả uy tín về thẩm định, đánh giá giá trị thực của bức ảnh. Có như vậy thì chúng ta mới có được thị trường ảnh đúng nghĩa, tạo động lực cho các nghệ sĩ sáng tác và giúp nhiếp ảnh định vị được giá trị trong đời sống văn hóa nghệ thuật.


Phạm Hoa
Ý kiến của bạn