Khoảng lặng đờn ca tài tử

27-04-2016 08:56 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Đờn ca tài tử (ĐCTT) là một loại hình nghệ thuật đặc sắc ở Nam Bộ, tuy chỉ mới ra đời cách đây hơn trăm năm, nhưng đã có sức lan tỏa rất lớn...

Đờn ca tài tử (ĐCTT) là một loại hình nghệ thuật đặc sắc ở Nam Bộ, tuy chỉ mới ra đời cách đây hơn trăm năm, nhưng đã có sức lan tỏa rất lớn, chỉ trong nửa đầu thế kỷ 20, không những đã phổ cập sâu rộng ở Nam Bộ mà còn có mặt ở hầu hết các tỉnh thành trong nước, nay còn lan tỏa đến nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, bảo tồn và phát huy ĐCTT trong bối cảnh hiện nay là cả một vấn đề lớn.

Nhìn chung, ĐCTT Nam Bộ có rất nhiều giai điệu, ngoài hai mươi bản Tổ còn có hàng trăm bản khác, mỗi bản đều có những làn điệu đặc thù. Những nghệ nhân chuyên nghiệp, trong một đêm biểu diễn, họ ít khi bị trùng lặp về bài bản, chính tính đa dạng này đã làm cho ĐCTT thêm phong phú, không nhàm chán và tăng sự chú ý đối với người nghe.

Đờn ca tài tử là một loại hình nghệ thuật đặc sắc ở Nam Bộ, tuy mới ra đời cách đây hơn trăm năm nhưng đã có sức lan tỏa rất lớn.

Với những ai chưa thực sự biết đến môn nghệ thuật này thì sẽ dễ nhầm lẫn ĐCTT với cải lương. Nhưng chúng ta có thể phân biệt theo cách đơn giản, ĐCTT là cái gốc để sau này phát triển cải lương. Loại hình này hình thành khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 với 20 bài bản Tổ gồm 3 nam, 4 oán, 6 bắc, 7 bài nhạc lễ. Người ta có thể chơi ĐCTT mọi lúc mọi nơi, khi nông nhàn lẫn hội hè, là cuộc giao lưu không mang nặng tính trình diễn, có thể chơi ở đầu hè, bờ ruộng hay đình làng đều được.

Sau đó, ca tài tử có hình thức ca ra bộ, manh nha sự hình thành sân khấu cải lương, nghĩa là cũng có cốt truyện, các nhân vật nhưng khá đơn giản. Sau này, nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác bản Dạ cổ hoài lang, rồi được phát triển thành vọng cổ nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16 và nhịp 32, được xem là bài bản vua của cải lương. Các soạn giả cũng rút ra những bài bản nhỏ, những lớp hay của ĐCTT đưa vào cải lương. Đến khoảng những năm 1920, sân khấu cải lương hình thành với nhiều sự phát triển lớn về kịch bản, sân khấu, cảnh trí, hóa trang... Nếu như ĐCTT có tính sinh hoạt dân gian, giao lưu thì cải lương nặng hơn về tính biểu diễn, có sân khấu cách biệt với khán giả.

ĐCTT đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Thế nhưng, bên cạnh niềm vui lớn là nỗi trăn trở của những người quản lý, nhà nghiên cứu, người trực tiếp giảng dạy loại hình nghệ thuật này để ĐCTT được bảo tồn và phát triển theo đúng bản chất, giữ được hồn dân tộc trong thời kỳ hội nhập.

Theo số liệu mới nhất về hoạt động nghệ thuật ĐCTT trên địa bàn TP.HCM, hiện đang có 118 câu lạc bộ (CLB) ĐCTT với hơn 2.000 tài tử đờn, tài tử ca tham gia sinh hoạt và nhiều hoạt động hội thi, liên hoan... liên tục được tổ chức. Con số tuy khá lạc quan nhưng thực tế cho thấy, không ít cuộc liên hoan, hội thi chỉ đậm tính phong trào, đơn giản và hời hợt. Có trường hợp địa phương thành lập CLB ĐCTT để biểu diễn phục vụ là chính (kiểu tâm lý quận, huyện khác có CLB ĐCTT thì quận, huyện mình cũng phải có) chứ chưa thực sự là điểm hẹn của những người yêu thích ĐCTT.

Theo Sở VH-TT&DL TP.HCM, đơn vị này đang phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức thí điểm dạy ca và nhạc cổ cho học sinh một số trường tiểu học trên địa bàn Thành phố. Song song đó, Nhạc viện TP.HCM cũng đã hoàn tất đề án dạy cho học sinh mẫu giáo làm quen với âm nhạc dân tộc và ĐCTT, đề án sẽ được hoàn thiện, đưa vào thực hiện trong thời gian sớm nhất. Trong khi đó, lúc sinh thời, giáo sư Trần Văn Khê cho rằng, để bảo tồn và phát triển ĐCTT, điều quan trọng nhất là đừng để loại hình nghệ thuật này bị biến chất. ĐCTT trước đây là cuộc chơi trong gia đình, trong làng, xóm, thậm chí có thể chơi trong thính phòng hoặc trong khung cảnh thiên nhiên. Vì vậy, việc “thương mại hóa” loại hình nghệ thuật này trong đời sống kinh tế sẽ làm mất đi bản chất thật sự của nó.

Bảo tồn là nỗi lo không của riêng ĐCTT mà còn là nỗi trăn trở của các bộ môn nghệ thuật dân gian Việt Nam nói chung. Một nhà nghiên cứu văn hóa khác cũng bày tỏ: “Nếu thế hệ trẻ không học nghề và tiếp nối đúng cách, toàn bộ giá trị của di sản phi vật thể sẽ mất vĩnh viễn theo sự ra đi của lớp thế hệ nghệ nhân già. Đây chính là mối lo lắng lớn nhất của sự nghiệp bảo tồn”...


Việt Sơn
Ý kiến của bạn